GIÁO DỤC

Đà Nẵng cần có cơ chế 'thoáng' để phát triển điện mặt trời mái nhà

22/11/2020 14:32

Đà Nẵng có rất nhiều tiềm năng để phát triển điện năng lượng mặt trời mái nhà (ĐMTMN), tuy nhiên, thời gian qua việc lắp đặt ĐMTMN ở TP. Đà Nẵng còn rất khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng. 

Theo số liệu khảo sát, bức xạ mặt trời trung bình hàng năm tại Đà Nẵng là 4,8 kWh/m2/ngày, trong đó, lượng bức xạ mặt trời cao nhất vào mùa hè từ tháng 4 đến tháng 9, số giờ nắng của TP. Đà Nẵng xấp xỉ 2.100 h/năm. Do diện tích không lớn, việc phát triển điện mặt trời mặt đất là khó khả thi nên TP. Đà Nẵng đang theo hướng thúc đẩy phát triển điện mặt trời trên mái nhà.

Tính toán của Ngân hàng Thế giới (WB), tiềm năng lý thuyết về tổng diện tích khả năng lắp đặt ĐMTMN tại TP. Đà Nẵng là 1.285 km2, với tổng 1.140 MWp, điện năng tạo ra hàng năm là hơn 3 triệu MWh.  Tuy nhiên, trên thực tế lắp đặt ĐMTMN của TP. Đà Nẵng trong thời gian qua còn rất khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng. 

Theo ông Thái Việt Hùng, Trưởng phòng Quản lý năng lượng Sở Công Thương TP. Đà Nẵng, khó khăn lớn nhất trong phát triển ĐMTMN tại Đà Nẵng là do thiếu cơ chế. Theo đó, cơ chế, chính sách khuyến khích, thúc đẩy phát triển ĐMTMN của cấp có thẩm quyền còn hạn chế.

"Ngay cả chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị còn nhiều lúng túng, vướng mắc trong việc hỗ trợ phát triển ĐMTMN. Cơ chế, chính sách khuyến khích, thúc đẩy phát triển điện mặt trời ở cấp Trung ương chưa điều chỉnh kịp thời theo tình hình thực tế. Khi ban hành thì thời hiệu chính sách ngắn, không mang tính ổn định lâu dài nên chưa khuyến khích, thúc đẩy phát triển điện mặt trời nói chung, ĐMTMN nói riêng", ông Hùng cho hay. 

dien-mat-troi-2307

Đà Nẵng cần có cơ chế 'thoáng' để phát triển điện mặt trời mái nhà.

Ông Hùng cũng cho rằng, một khó khăn nữa hạn chế phát triển ĐMTMN đó là vốn đầu tư ban đầu tương đối nhiều và thời gian thu hồi vốn chậm dẫn việc đến việc lắp đặt ĐMTMN của TP. Đà Nẵng còn rất khiêm tốn.  

Với định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045, Thành ủy Đà Nẵng xác định tiếp tục phát triển và sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới đã được khảo sát, đánh giá, lập dự án và đưa vào quy hoạch, mục tiêu đến năm 2030, các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới chiếm hơn 5% tổng cung năng lượng sơ cấp trên toàn địa bàn thành phố; khuyến khích, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia phát triển các dự án sử dụng năng lượng tái tạo nối lưới.

Để khai khác hiệu quả tiềm năng ĐMTMN, TP. Đà Nẵng ưu tiên khuyến khích phát triển ĐMTMN tại các trụ sở cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, mái nhà xưởng. Có cơ chế phát triển ĐMTMN trong giai đoạn 2020-2025 đạt 80-90% trên tổng số các trụ sở công tại địa bàn TP. Đà Nẵng.

Đặc biệt, khuyến khích doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà xưởng, công suất lắp đặt trong giai đoạn 2020–2025 đạt 22 MW, đến năm 2030 đạt 44 MW, 50% diện tích mái hiện có diện tích từ 5.000 m2 trở lên lắp đặt điện mặt trời.

Bà Nguyễn Thị Thu, Quản lý dự án Phát triển năng lượng mặt trời tại Đà Nẵng cho biết, theo khảo sát của dự án, các doanh nghiệp và người dân đều cho biết họ nhận thấy được lợi ích thiết thực của lắp đặt điện năng lượng mặt trời, tuy nhiên, khó khăn nhất là nguồn vốn để đầu tư phát triển loại hình này. 

Bà Thu cho rằng, để thúc đẩy phát triển ĐMTMN, Chính phủ, Bộ Công Thương cần có cơ chế giá điện mang tính ổn định, có tính dài hạn hơn để người dân, doanh nghiệp yên tâm hơn khi đầu tư hệ thống.

“Vòng đời của mỗi dự án điện năng lượng mặt trời khoảng 20 năm. Tuy nhiên cơ chế giá điện hiện mới chỉ 1 năm, 2 năm hay tối đa 5 năm. Vì vậy, cần xây dựng cơ chế giá điện lâu dài, có tầm nhìn và dài hơi hơn”, bà Thu đề xuất.