Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, CPI tháng 10/2020 có cùng mức tăng 0,09% so với tháng trước và so với tháng 12 năm trước. Đây đều là mức tăng thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020.
Cụ thể, tốc độ tăng CPI tháng 10/2020 so với tháng trước của các năm giai đoạn 2016-2020 lần lượt là: tăng 0,83%; tăng 0,41%; tăng 0,33%; tăng 0,59%; và tăng 0,09%.
Trong khi đó, tốc độ tăng CPI tháng 10 so với tháng 12 năm trước của các năm giai đoạn 2016-2020 lần lượt là: tăng 4%; tăng 2,25%; tăng 3,54%; tăng 2,79%; tăng 0,09%.
Việc CPI tháng 10/2020 tăng 0,09% chủ yếu do giá dịch vụ giáo dục được điều chỉnh tăng theo lộ trình nhằm tiệm cận với giá thị trường và ảnh hưởng của mưa bão, lũ lụt tại các tỉnh miền Trung.
Số liệu thống kê cũng cho thấy, CPI tháng 10/2020 tăng 2,47% so với cùng kỳ năm trước, còn CPI bình quân 10 tháng năm 2020 tăng 3,71% so với bình quân cùng kỳ năm 2019. Như vậy, tốc độ tăng CPI bình quân - chỉ số tính lạm phát của Việt Nam - đã ngày càng “doãng ra” so với mục tiêu kiểm soát lạm phát 4% trong năm nay.
Nếu không có biến động bất thường, gần như chắc chắn, Việt Nam sẽ đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát mà Quốc hội đã quyết nghị.
Quay trở lại với diễn biến CPI tháng 10/2020, Tổng cục Thống kê cho biết, trong tháng, có 6/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng.
Trong đó, nhóm giáo dục tăng nhiều nhất với 1,35% (dịch vụ giáo dục tăng 1,52% làm CPI chung tăng 0,08%). Có mức tăng này là do trong tháng có 9 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện lộ trình tăng học phí cho năm học mới 2020-2021.
Tiếp theo, là Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng - tăng 0,29%, chủ yếu do giá gas tăng 1,77% (làm CPI chung tăng 0,03%); Nhóm đồ uống và thuốc lá - tăng 0,08%; nhóm may mặc, mũ nón và giày dép - tăng 0,06%; Nhóm thuốc và dịch vụ y tế - tăng 0,01%; Nhóm hàng hóa, dịch vụ khác - tăng 0,09%.
Ngoài ra, còn một số nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm, gồm: Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch - giảm 0,18%; Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống - giảm 0,13% (trong đó, lương thực tăng 0,16%; thực phẩm giảm 0,28%); Nhóm giao thông - giảm 0,08%; Nhóm bưu chính - viễn thông - giảm 0,03%. Riêng nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình không thay đổi.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, lạm phát cơ bản tháng 10/2020 tăng 0,07% so với tháng trước và tăng 1,88% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 10 tháng năm 2020 tăng 2,52% so với bình quân cùng kỳ năm 2019.
Trong khi đó, giá vàng trong nước biến động theo giá vàng thế giới. Giá vàng thế giới diễn biến thất thường do nhiều luồng thông tin trái chiều trước thềm bầu cử Tổng thống Mỹ và dịch COVID-19 trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp.
Bình quân giá vàng thế giới đến ngày 25/10/2020 giảm 1,05% so với tháng 9/2020. Chỉ số giá vàng tháng 10/2020 giảm 1,1% so với tháng trước; tăng 30,91% so với tháng 12/2019 và tăng 29,63% so với cùng kỳ năm trước.
Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ và khả năng không chắc chắn về việc thông qua gói kích thích kinh tế thứ 2 của Quốc hội Mỹ cũng là nhân tố làm giá USD tăng. Trong nước, lượng dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam dồi dào đáp ứng nhu cầu ngoại tệ của các doanh nghiệp nhập khẩu.
Tuy vậy, chỉ số giá USD tháng 10/2020 tăng 0,07% so với tháng trước; tăng 0,19% so với tháng 12/2019 và giảm 0,13% so với cùng kỳ năm trước.