GIÁO DỤC

Chuyên gia: "20.000 thanh tra giao thông thì nhiều quá, nên tinh gọn"

14/11/2020 11:01

Theo TS. Nguyễn Xuân Thuỷ, con số 20.000 thanh tra giao thông là quá nhiều, nếu giữ nhóm lực lượng này thì cần phải tinh gọn lại bộ máy.

Quốc hội vừa thảo luận tại tổ về 2 dự án luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và luật Bảo đảm trật tự ATGT đường bộ. Tại phiên thảo luận này, Bộ trưởng bộ Công an Tô Lâm cho biết thông qua đánh giá tổng kết luật Giao thông đường bộ có nhiều bất cập cần phải thay đổi.

Theo đó, Bộ trưởng bộ Công an cho biết, khi tách 2 luật từ luật Giao thông đường bộ, thì có thể sẽ không còn lực lượng thanh tra giao thông đi hoạt động trên mặt đường nữa. Cùng với đó là thông tin Bộ trưởng bộ Giao thông vận tải đề nghị bộ Công an nhận 20.000 thanh tra giao thông khi chuyển giao nhiệm vụ.

Các chuyên gia tỏ ra bất ngờ và băn khoăn với con số 20.000 thanh tra giao thông được đưa ra, cũng như việc không có thanh tra giao thông trên đường là điều bất hợp lý.

Trao đổi với PV tạp chí Người Đưa Tin Pháp Luật, chuyên gia giao thông, TS.Nguyễn Xuân Thuỷ cho rằng, lâu nay, thanh tra giao thông đã có đóng góp tích cực trong lĩnh vực giao thông vận tải, còn lực lượng cảnh sát giao thông là lực lượng hỗ trợ cho hoạt động quản lý Nhà nước.

Chính sách - Chuyên gia: '20.000 thanh tra giao thông thì nhiều quá, nên tinh gọn'

TS.Nguyễn Xuân Thuỷ cho rằng, cần phải tinh gọn số lượng 20.000 thanh tra giao thông.

“Chính vì vậy, nếu không còn lực lượng thanh tra giao thông làm nhiệm vụ trên đường sẽ ảnh hưởng đến kết quả chung của việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Bởi giao thông là sự tổng hợp của nhiều yếu tố như hạ tầng, tổ chức giao thông, đảm bảo trật tự ATGT, đảm bảo hiệu quả ATGT. Thanh tra là lực lượng góp phần không nhỏ trong việc vận hành tốt các yếu tố đó”, ông Thuỷ nói.

Khi PV đề cập đến con số 20.000 thanh tra giao thông, ông Thuỷ tỏ ra băn khoăn vì con số này “nhiều quá”.

“Nếu con số này là chính xác thì bộ Công an không nhất thiết phải nhận 20.000 thanh tra giao thông. Tại sao không đưa ra giải pháp, mà cứ phải đưa mọi việc sang bộ Công an thì mới làm tốt hơn hay sao? Lực lượng thanh tra giao thông vẫn phải thuộc bộ Giao thông Vận tải, nhóm lực lượng này thể hiện sự phối hợp của hai Bộ với nhau. Chúng ta nên giữ thanh tra giao thông, nhưng con số 20.000 thì nhiều quá, nên tinh gọn lại”, TS.Nguyễn Xuân Thuỷ nhấn mạnh.

Cũng bàn về vấn đề có nên giữ 20.000 thanh tra giao thông hay không, chuyên gia giao thông, TS.Nguyễn Hữu Đức nhìn nhận: “Chúng ta vẫn biết rằng chức năng của thanh tra giao thông là thanh tra Nhà nước và thanh tra tình hình trật tự an toàn giao thông. Theo luật mới, thì chức năng của thanh tra giao thông sẽ giảm đi, điều này đồng nghĩa với việc chắc chắn cũng sẽ giảm người. Nhưng tôi cho rằng, lực lượng này vẫn cần phải giữ”, ông Đức nói.

Chính sách - Chuyên gia: '20.000 thanh tra giao thông thì nhiều quá, nên tinh gọn' (Hình 2).

TS. Nguyễn Hữu Đức nhấn mạnh việc giữ lực lượng thanh tra giao thông là cần thiết.

Bên cạnh đó, ông Đức cũng chỉ ra rằng, hiện nay có rất nhiều lực lượng cùng tham gia vào công tác tuần tra, xử lý vi phạm giao thông, bao gồm cả cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông, cảnh sát cơ động, cảnh sát trật tự nhưng thực tế hiệu quả xử lý vẫn chưa cao.

“Tôi cho rằng quan trọng nhất ở xã hội là tổ chức phân công để làm sao việc tổ chức gọn nhất với bộ máy hiệu quả nhất, chi phí ít nhất và đảm bảo lợi ích cho người dân”, ông Đức cho hay.

ĐBQH Đỗ Văn Sinh - Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội, đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị - cho rằng: Mỗi đơn vị có chức năng khác nhau, chứ không thể một người làm hai chức năng khác nhau. Bởi, ngoài việc cần có chuyên môn kỹ thuật sâu thì còn có sự kiểm soát lẫn nhau. Tức là một người làm nhiều việc và việc đấy phải được một cơ quan khác kiểm soát lại có đúng hay không. Bây giờ tất cả bó chung lại do một đơn vị thực hiện thì rõ ràng tính kiểm soát và tính minh bạch không được thực hiện.
Theo quy định hiện hành tại luật Giao thông đường bộ 2008, hai lực lượng có thẩm quyền dừng phương tiện để xử phạt hành chính trong lĩnh vực Giao thông đường bộ gồm cảnh sát giao thông và thanh tra giao thông. Tuy nhiên, trong dự thảo luật Bảo đảm Trật tự an toàn giao thông đường bộ, bộ Công an đề xuất bỏ thẩm quyền xử phạt của Thanh tra giao thông

Cụ thể, cảnh sát giao thông sẽ là lực lượng chịu trách nhiệm tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ, vi phạm pháp luật khác của người và xe tham gia giao thông đường bộ. Việc huy động lực lượng cảnh sát khác, công an xã phối hợp với cảnh sát giao thông trong trường hợp cần thiết sẽ do bộ trưởng bộ Công an quy định.