GIÁO DỤC

‘Cần một lớp doanh nhân đủ Tâm - Trí – Lực dẫn dắt nông dân làm kinh tế’

23/10/2020 08:05

“Không ai giỏi làm nông nghiệp bằng người nông dân, nhưng để có sản phẩm đạt chuẩn quốc tế thì cần có một lớp doanh nhân đủ Tâm – Trí – Lực để dẫn dắt họ cả về thị trường lẫn ứng dụng khoa học công nghệ”.

Đó là chia sẻ của bà Thái Hương, Nhà sáng lập, Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH tại Lễ khởi công Dự án Chăn nuôi bò sữa tập trung quy mô công nghiệp công nghệ cao tại xã biên giới Mô Rai, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum hôm 18/9. 

Trang trại có quy mô 10.000 con bò sữa, cung cấp nguyên liệu cho Nhà máy chế biến sữa công suất 150 tấn/ngày. Với tổng vốn đầu tư 2.544 tỷ đồng trên diện tích 441 ha, đây sẽ là dự án sữa có quy mô lớn nhất Tây Nguyên.

TH giúp nông dân làm giàu như thế nào? 

Dự án chăn nuôi và chế biến sữa vừa khởi công tại Kon Tum được thực hiện theo hai mô hình, gồm: chăn nuôi khép kín, tập trung - tương tự mô hình đã triển khai ở Nghệ An; chăn nuôi liên kết với người dân thông qua hợp tác xã công nghệ cao - tương tự mô hình mà TH đã triển khai tại Đà Lạt thông qua thương hiệu Dalatmilk.

Với mô hình chăn nuôi tập trung, Dự án xây dựng cụm trang trại quy mô 10.000 con bò sữa trên diện tích 60 ha cùng vùng nguyên liệu rộng lớn: 378 ha; ứng dụng những giải pháp công nghệ cao đã được chứng thực thành công qua dự án sữa TH true MILK ở Nghệ An suốt 10 năm qua.

can mot lop doanh nhan du tam tri luc dan dat nong dan lam kinh te
TH sẽ đưa người nông dân Sa Thầy, Kon Tum đi cùng mình trên “chuyến tàu công nghệ cao”.

Về chăn nuôi liên kết với nông dân thông qua hợp tác xã công nghệ cao, Dự án đặt mục tiêu phát triển đàn bò sữa theo mô hình này lên 20.000 con. 

Dự kiến khoảng 2.000-4.000 hộ nông dân của huyện Sa Thầy và các vùng lân cận của tỉnh Kon Tum có thể tham gia hợp tác xã, nhận chuyển giao công nghệ, tiếp cận cơ hội cải thiện thu nhập và làm giàu cho gia đình. 

Theo bà Thái Hương, lớp doanh nhân có đủ Tâm – Trí – Lực sẽ là những người dẫn lối cho bà con nông dân bởi chỉ họ mới hiểu rõ thị trường để tìm được đầu ra cho sản phẩm. Cũng chỉ doanh nhân và doanh nghiệp mới tiếp cận được khoa học công nghệ hiện đại và biết phải sử dụng hàm lượng khoa học vào đâu, ở đâu và thời điểm nào. Và để kết nối hai bên, cần thông qua một hình thức hợp tác xã kiểu mới: Hợp tác xã khoa học – Hợp tác xã công nghệ cao.

“Tôi quyết tâm đưa người nông dân ở Kon Tum đi theo con đường của người nông dân Nghĩa Đàn – Nghệ An trước đây, làm giàu trên con bò sữa, cải thiện đời sống, tăng thu nhập. Đánh giá sự thành công của TH, không nên nhìn ở vấn đề nộp thuế được bao nhiêu, mà cần xem chúng tôi đã tạo công ăn việc làm, cải thiện đời sống cho người dân như thế nào” – bà khẳng định.

can mot lop doanh nhan du tam tri luc dan dat nong dan lam kinh te
Theo bà Thái Hương, khó khăn chồng chất như Dự án sữa tại Nghệ An mà TH có thể thành công thì không có bất cứ nơi nào ở Việt Nam hay thế giới mà TH thất bại. 

Bà Thái Hương làm một phép tính đơn giản để cụ thể hóa những lợi ích mà người nông dân Kon Tum có thể được hưởng khi tham gia mô hình hợp tác xã công nghệ cao của TH: “Với mô hình mỗi hộ 5-10-20 con bò sữa, sau 5 năm bà con sẽ thu được toàn bộ giá trị đầu tư ban đầu và thực sự làm giàu được với con bò sữa. Bà con ở đây sẽ trở thành những công dân của thời đại 4.0, lương 1 tháng thấp nhất cũng 6-7 triệu đồng. Cùng với lương là lãi suất của tiền đền bù đất đai, chưa kể thu nhập từ trồng trọt, chăn nuôi, chẳng hạn như trồng ngô sinh khối, bán cỏ cho trang trại TH…”.

TH sát cánh cùng nông dân phát triển “kinh tế xanh”

Dự án Chăn nuôi bò sữa tập trung quy mô công nghiệp công nghệ cao tại Kon Tum cũng sẽ đưa người nông dân đi theo hướng kinh tế xanh – kinh tế tuần hoàn. Đây là mô hình kinh tế đã được triển khai bài bản tại TH, thể hiện ở quy trình sản xuất khép kín “từ đồng cỏ xanh tới ly sữa sạch” của TH trong 10 năm qua. 

can mot lop doanh nhan du tam tri luc dan dat nong dan lam kinh te
Những đồng cỏ xanh của TH tại Nghĩa Đàn, Nghệ An dùng làm thức ăn chăn nuôi bò sữa.

Trong mô hình kinh tế tuần hoàn, các sản phẩm, phụ phẩm, thậm chí chất thải của hạng mục này là đầu vào của hạng mục khác, ví dụ thu gom chất thải của hệ thống chăn nuôi để xử lý bằng hệ thống hầm biogas công suất lớn, ủ phân vi sinh bón cho các vùng nguyên liệu, các đồng cỏ, ngô phục vụ làm thức ăn cho bò sữa…

Tại Kon Tum, TH không chỉ chăn nuôi bò sữa mà dự kiến phát triển cả mô hình làm “kinh tế dưới tán rừng”, trồng các loại thảo dược quý như thạch hộc, sâm Ngọc Linh dưới tán rừng, với tôn chỉ tôn trọng Mẹ Thiên Nhiên, bảo tồn rừng nhưng vẫn phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân.

“Tư duy của tôi là phải đưa cho người dân công việc mà họ muốn làm trên mảnh đất của họ, và cần phải có những doanh nhân và doanh nghiệp đủ Tâm – Trí – Lực đi cùng nông dân thông qua hợp tác xã, nhằm phát triển bền vững, xóa đói giảm nghèo bền vững chứ không phải chỉ thoát nghèo tạm thời” – Nhà sáng lập Tập đoàn TH chia sẻ.

Tập đoàn TH, đơn vị sở hữu thương hiệu sữa tươi sạch TH true MILK, hiện chiếm tới 40% thị phần sữa tươi tại Việt Nam. Sau thành công của hệ thống trang trại chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa quy mô công nghiệp công nghệ cao tại Nghệ An, TH tiếp tục mở rộng đầu tư ra nhiều tỉnh thành, đều là những vùng đất biên giới hoặc vùng còn nhiều khó khăn về kinh tế: Thanh Hóa, Hà Giang, Phú Yên.

 

Hàn Yên