Vietcombank vừa thực hiện giảm lãi suất cho các khoản vay sản xuất kinh doanh đối với khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) nhằm hỗ trợ khách hàng đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh trong mùa cao điểm cuối năm.
Theo đó, mức lãi suất cho vay kinh doanh đối với các DNNVV chỉ từ 5,9%/năm, áp dụng cho các khoản giải ngân mới từ ngày 13/10/2020. Còn với khách hàng là cá nhân vay vốn kinh doanh, mức lãi suất cho vay sẽ chỉ từ 6,5%/năm. Đặc biệt, khách hàng vay vốn theo sản phẩm Kinh doanh Tài lộc sẽ được áp dụng mức lãi suất ưu đặc biệt ưu đãi chỉ từ 5,7%/năm, áp dụng cho các khoản giải ngân mới từ ngày 20/10/2020.
Trước đó, Agribank cũng tuyên bố giảm tiếp 0,3% lãi suất cho vay đối với 5 lĩnh vực ưu tiên. Cụ thể, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa 4,5%/năm; lãi suất cho vay trung, dài hạn tối thiểu 7,5%/năm. Bên cạnh đó, từ nay đến hết 30/6/2021, Agribank còn triển khai các gói tín dụng ưu đãi nhằm hỗ trợ khách hàng DNNVV với tổng quy mô lên đến 35.000 tỷ đồng.
Không chỉ các ngân hàng quốc doanh, mà nhiều ngân hàng cổ phần cũng giảm sâu thêm lãi suất cho vay. Đơn cử như VPBank vừa công bố gói lãi suất cho vay kinh doanh chỉ từ 5,99%/năm, áp dụng từ nay đến hết 31/12/2010 cho khách hàng cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình.
Mặc dù số ngân hàng tuyên bố giảm lãi suất cho vay đến thời điểm này vẫn chưa nhiều và mức giảm cũng không lớn, song theo dự báo của giới chuyên môn, làn sóng này sẽ ngày càng diễn ra mạnh mẽ hơn trong những tháng cuối năm nay. Có khá nhiều lý do để chúng ta tin như vậy.
Thứ nhất, NHNN vừa tiếp tục cắt giảm các mức lãi suất điều hành, đây là lần cắt giảm thứ ba kể từ đầu năm nay nhằm tạo điều kiện cho các ngân hàng có thể tiếp cận được với nguồn vốn rẻ, từ đó có thể hạ sâu thêm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi.
Thứ hai, hiện thanh khoản của hệ thống đang dư thừa khá lớn do tín dụng tăng trưởng chậm hơn nhiều so với nguồn vốn huy động. Theo đó, tính đến cuối tháng 9, tín dụng mới tăng 6,09%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 9,4% của cùng kỳ năm trước. Thanh khoản dư thừa là nguyên nhân đẩy lãi suất liên ngân hàng giảm sâu, hiện lãi suất cho vay qua đêm chỉ là 0,1%/năm, thậm chí còn thấp hơn cả lãi suất USD.
Tăng trưởng tín dụng yếu ớt, trong khi các ngân hàng vẫn phải trả lãi cho người gửi tiền. Để giảm bớt áp lực đó, không ít ngân hàng đã chọn giải pháp đẩy vốn vào trái phiếu Chính phủ, đẩy lãi suất trái phiếu giảm mạnh. Cũng chính bởi vậy, giảm lãi suất để kích cầu tín dụng sẽ là một lựa chọn không tồi bởi dù sao lãi suất tín dụng vẫn còn cao hơn lãi suất trái phiếu Chính phủ.
Ngoài ra còn có một nguyên nhân sâu xa nữa, đó là các nhà băng vẫn làm ăn khá tốt bất chấp đại dịch COVID-19 gây nhiều tác động bất lợi. Quả vậy, mặc dù hiện mới có một số ngân hàng công bố báo cáo tài chính quý 3, song hầu hết đều ghi nhận con số lợi nhuận khá lớn, thậm chí còn cao hơn cả cùng kỳ năm trước. Dẫn đầu trong số này có lẽ vẫn là Vietcombank khi mà 9 tháng đầu năm nay, nhà băng này thu về 15.965 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, chỉ thấp hơn một chút so với cùng kỳ năm trước. Thậm chí, lợi nhuận trước thuế 9 tháng của VPBank còn tăng tới 30,5% so với cùng kỳ năm 2019, đạt gần 9.398 tỷ đồng.
Trong khi đó, hiện cộng đồng doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn vì đại dịch COVID-19, Thậm chí, không ít doanh nghiệp không có doanh thu, chứ đừng nói gì đến lợi nhuận. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong 9 tháng đầu năm có tới 38,6 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 81,8% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó còn có 27,6 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và 12,1 nghìn doanh nghiệp đã hoàn tất thủ tục giải thể.
Trong bối cảnh đó, việc các ngân hàng giảm tiếp lãi suất để chia sẻ khó khăn cho các doanh nghiệp cũng là điều nên làm. "Việc giảm thêm lãi suất cho vay sẽ khiến lợi nhuận từ hoạt động tín dụng của các ngân hàng giảm đi. Tuy nhiên, đó là việc nên làm để "nuôi dưỡng nguồn thu" bởi khi sản xuất kinh doanh hoạt động tốt trở lại, chẳng những tín dụng sẽ tăng nhanh hơn, mà nhu cầu sử dụng các sản phẩm dịch vụ khác như thanh toán, chuyển tiền, bảo lãnh… cũng sẽ phục hồi. Hệ quả là thu nhập và lợi nhuận của các ngân hàng cũng sẽ tăng theo", một chuyên gia ngân hàng cho biết.
Cũng chính bởi vậy, vị chuyên gia này kỳ vọng làn sóng giảm lãi suất cho vay sẽ diễn ra mạnh hơn trong thời gian tới. Tuy nhiên, mức độ giảm lãi suất cho vay của các ngân hàng sẽ không giống nhau do năng lực tài chính của các nhà băng cũng không giống nhau.
(Theo Diễn đàn doanh nghiệp)