GIÁO DỤC

Bộ Tài chính ủng hộ 10 ngày điều chỉnh giá xăng dầu một lần

11/11/2020 23:03

Để việc điều hành giá xăng dầu trong nước phản ánh sát diễn biến giá thế giới, Bộ Tài chính thống nhất với đề xuất của Bộ Công Thương, cứ 10 ngày điều chỉnh giá xăng dầu một lần.

Trong văn bản tham gia ý kiến dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 83/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, Bộ Tài chính đưa ra một loạt ý kiến góp ý với Bộ Công Thương về thời gian điều chỉnh giá xăng dầu cũng như hoạt động kiểm soát đầu mối cung cấp hàng hóa này.

Bộ Tài chính cho biết để việc điều hành giá xăng dầu trong nước phản ánh sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, khắc phục được hạn chế mất cân đối cung cầu do độ trễ về giá trong trường hợp xăng dầu thế giới biến động mạnh trong thời gian ngắn, Bộ Tài chính thống nhất với Bộ Công Thương giảm thời gian giữa 2 lần điều chỉnh giá xăng dầu liên tiếp từ 15 ngày hiện nay xuống còn 10 ngày.

Về mức biến động giá cơ sở giữa hai kỳ điều hành, Bộ Tài chính cho rằng cần báo cáo Thủ tướng trên cơ sở công thức tính giá và cơ chế sử dụng Quỹ bình ổn giá (BOG) đã được quy định trước đó. Điều này nhằm tăng tính chủ động cho cơ quan điều hành giá và bảo đảm tính kịp thời cho thời gian điều hành. Bộ này cũng thống nhất tăng mức biến động giá từ 7% lên 10%.

Tuy nhiên, đề nghị Bộ Công Thương đánh giá làm rõ thêm những khó khăn, vướng mắc, ưu, nhược điểm và đánh giá kỹ những tác động ảnh hưởng đến chỉ số CPI.

Gia xang dau anh 1

Bộ Tài chính đồng ý đề xuất 10 ngày điều chỉnh giá xăng dầu một lần với biên độ tối đa 10%. Ảnh: Phạm Thắng.

Đối với công thức tính giá xăng dầu từ nguồn trong nước, căn cứ thực tế giao dịch mua bán xăng dầu và đặc thù của hoạt động kinh doanh này, Bộ Tài chính đồng ý phương án giá xăng dầu từ nguồn trong nước được tính trên cơ sở giá xăng dầu thế giới và các chi phí khác.

Trong hoạt động quản lý, sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu, Bộ Tài chính cho biết vẫn còn một số ý kiến khác nhau về Quỹ BOG nhưng từ kết quả thực hiện thời gian qua cho thấy đây vẫn là một công cụ kinh tế và giải pháp có tính khả thi, hiệu quả, góp phần bình ổn giá xăng dầu trong nước, qua đó góp phần ổn định mặt bằng giá cả chung.

Trên thực tế, do việc sử dụng công cụ Quỹ BOG xăng dầu gắn với cơ chế điều hành giá nên khi còn giá cơ sở thì cần tiếp tục duy trì quỹ này như một biện pháp kinh tế góp phần bình ổn giá xăng dầu. Vì vậy, cơ quan quản lý tài khóa đồng ý việc duy trì Quỹ BOG xăng dầu.

Cũng tại văn bản góp ý lần này, Bộ Tài chính đề nghị lùi thời hạn áp dụng hóa đơn điện tử và kết nối dữ liệu hóa đơn điện tử từ 1/11/2020 sang ngày 1/7/2022.

Theo Bộ Tài chính, thực tế hiện nay chỉ có một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu triển khai áp dụng hóa đơn điện tử như PV Oil, Petrolimex và các công ty thành viên trong hệ thống kinh doanh (từ cuối năm 2017).

Nếu chỉ có số ít doanh nghiệp đầu mối lớn có tính tuân thủ tốt áp dụng hóa đơn điện tử, trong khi phần lớn còn lại chưa áp dụng thì khó có cơ sở để xây dựng được dữ liệu đồng bộ để kiểm soát tốt hơn đầu ra, đầu vào trong hoạt động kinh doanh xăng dầu. Điều này cũng không giúp hạn chế gian lận đối với lĩnh vực nay.

Ngoài ra, thực tế phát sinh các vụ án liên quan đến xăng dầu thời gian qua chủ yếu xảy ra ở các doanh nghiệp trung gian kinh doanh xăng dầu.

Vì vậy, Bộ này đề nghị Bộ Công Thương sớm có quy định kiểm soát thương nhân, trung gian kinh doanh xăng dầu để không phát triển nóng, khó kiểm soát. Đồng thời, Bộ Công Thương cần bổ sung quy định thực hiện hóa đơn điện tử và kết nối dữ liệu với cơ quan thuế như một điều kiện trong cấp phép kinh doanh xăng dầu.