GIÁO DỤC

Bỏ phiếu từ không gian ở Mỹ dễ dàng hơn đi bầu trên mặt đất

25/10/2020 21:52

Các phi hành gia có thể bỏ phiếu bầu chọn lãnh đạo từ bên ngoài khí quyển Trái Đất, và với cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020, việc này còn dễ dàng hơn khi ở mặt đất.

Khi phi hành gia Mỹ Andrew R. Morgan bắt đầu sứ mệnh tới Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) năm ngoái, ông biết sẽ bỏ lỡ rất nhiều thứ khi trở lại Trái Đất.

May mắn cho Morgan, ông có thể gửi lá phiếu điện tử của mình tới Sở Dịch vụ Cử tri của hạt Lawrence từ không gian.

“Thành thật mà nói, ngoài những năm bầu cử tổng thống, tôi không phải lúc nào cũng nỗ lực bỏ phiếu”, ông Morgan nói với Washington Post. "Nhưng tôi muốn làm điều đó ngay từ Trạm Vũ trụ Quốc tế".

Năm 2020, một lần nữa lại có lá phiếu được gửi từ không gian. Phi hành gia Kate Rubins ngày 22/10 đã bỏ phiếu từ ISS cho cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới. Bên dưới ISS khoảng 400 km, nhiều cử tri đang chật vật để làm điều tương tự.

bo phieu bau tu khong gian anh 1

Khung cảnh Trái Đất nhìn từ ISS. Ảnh: Getty.

Hệ thống bưu chính Mỹ phải xử lý ​​lượng lớn các lá phiếu gửi qua thư trong bối cảnh hỗn loạn do đại dịch Covid-19. Người Mỹ ở nước ngoài lo lắng về việc đảm bảo phiếu của họ được tính. Những cử tri vắng mặt gặp khó khăn trong việc đăng ký bỏ phiếu hoặc yêu cầu bỏ phiếu qua thư.

Những người đăng ký bỏ phiếu vào phút cuối đang gặp phải những vấn đề gây hoang mang. Tuy nhiên, các phi hành gia đã chuẩn bị bỏ phiếu trước khi họ rời Trái Đất.

Ông Morgan không phải là người duy nhất bỏ phiếu từ quỹ đạo Trái Đất. Từ năm 1997, các phi hành gia Mỹ đã có thể bỏ phiếu từ không gian, sau khi phi hành gia John Blaha nêu vấn đề với NASA trước cuộc bầu cử tổng thống năm 1996. Khi đó, ông Blaha chuẩn bị lên Trạm vũ trụ Mir của Nga.

Năm 1997, cơ hội "bỏ phiếu trong môi trường không trọng lực” đã trở thành hiện thực. Đây là quá trình đôi khi kéo dài hàng năm, bắt đầu từ trên Trái Đất và kết thúc với việc gửi một lá phiếu điện tử được mã hóa từ không gian.

Ông Morgan cho biết hạt Lawrence đã gửi cho ông một lá phiếu có thể điền vào bằng mật mã đặc biệt mà chỉ ông biết. Các nước khác cũng đã làm theo.

Vào tháng 6, nhà du hành vũ trụ người Nga Anatoly Ivanishin đã bỏ phiếu từ quỹ đạo. Ông Ivanishin đã bỏ phiếu điện tử về những thay đổi hiến pháp Tổng thống Vladimir Putin đề xuất, thay đổi có thể giúp nhà lãnh đạo nắm quyền cho đến năm 2036. Ông Ivan Vagner, một phi hành gia Nga khác, bỏ phiếu về vấn đề này vài ngày sau đó thông qua một cử tri đại diện cho ông ở Trái Đất.

Phi hành gia Thomas Pesquet của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu khi làm nhiệm vụ tại ISS cũng bỏ phiếu cho nhà lãnh đạo tiếp theo của Pháp vào năm 2017 qua người được ủy quyền.

"Điều này rất quan trọng. Tôi nghĩ bạn phải bỏ phiếu”, ông Pesquet nói với FranceInfo vào thời điểm đó. "Bạn không thể phàn nàn về kết quả nếu bạn không làm đúng nhiệm vụ của mình".

Cùng chuyên mục