GIÁO DỤC

Bộ Công Thương làm đúng quy định với chủ đầu tư cụm dự án thủy điện Sông Giang 1 và 2

15/11/2020 00:22

Thông tin về việc chủ đầu tư dự án thủy điện Sông Giang 1 và Sông Giang 2 xin điều chỉnh quy hoạch đang nhận được sự quan tâm của dư luận...

Thủy điện, nhất là thủy điện nhỏ, đang là chủ đề gây “bão” trên nhiều diễn đàn. Nhìn nhận đúng bản chất của vấn đề và không "đánh tráo" khái niệm có lẽ là điều cần làm trong bối cảnh nhiễu loạn thông tin như hiện nay. Và câu chuyện chủ đầu tư 2 dự án thủy điện Sông Giang 1 và Sông Giang 2 bất ngờ xin điều chỉnh quy hoạch cũng cần được minh định một cách cụ thể.

Bộ Công Thương làm đúng quy định với chủ đầu tư cụm dự án thủy điện Sông Giang 1 và 2
Dự án thủy điện Sông Giang 2 đã hoàn thành và đi vào vận hành ổn định từ tháng 12/2014

Trên thực tế, các dự án thủy điện Sông Giang 1 và Sông Giang 2 là hai bậc thang thủy điện trên sông Giang thuộc Quy hoạch thủy điện nhỏ toàn quốc trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt từ năm 2005, đồng thời cụm Dự án cũng đã được UBND tỉnh Khánh Hòa cấp Giấy chứng nhận đầu tư theo thẩm quyền, do Công ty Cổ phần Khai thác thủy điện Sông Giang làm chủ đầu tư.

Theo đó, dự án thủy điện Sông Giang 1 được UBND tỉnh Khánh Hòa cấp Giấy chứng nhận đầu tư số 37121000253 ngày 19/5/2011 và thay đổi lần thứ nhất ngày 29/6/2015 với quy mô công suất 12 MW. Hiện nay, dự án này đang thi công xây dựng.

Đối với dự án thủy điện Sông Giang 2, đã được UBND tỉnh Khánh Hòa cấp Giấy chứng nhận đầu tư số 37121000180 ngày 25/01/2010 và thay đổi lần thứ sáu ngày 28/10/2013 với quy mô công suất 37 MW. Dự án đã hoàn thành và đi vào vận hành ổn định từ tháng 12/2014.

Ngày 8/9/2020, Bộ Công Thương nhận được Tờ trình số 255/2020/TTr-ESG của Công ty Cổ phần Khai thác thủy điện Sông Giang (chủ đầu tư dự án) đề nghị điều chỉnh quy hoạch Dự án thủy điện Sông Giang 1 và Sông Giang 2, kèm theo hồ sơ quy hoạch do cơ quan tư vấn chuyên ngành lập.

Để có cơ sở xem xét, thẩm định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch các dự án thủy điện (DATĐ) nêu trên theo quy định hiện hành, Bộ Công Thương đã có Văn bản số 7100/BCT-ĐL ngày 22/9/2020 đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa nghiên cứu Hồ sơ quy hoạch và có ý kiến đối với đề nghị của Chủ đầu tư dự án. Trong đó, Bộ Công Thương đã đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức rà soát kiểm tra kỹ các vấn đề liên qua đến cụm dự án này. Cụ thể, đối với DATĐ Sông Giang 1: Có ý kiến chi tiết về diện tích chiếm đất các loại và ảnh hưởng của dự án đến dân cư, công trình hạ tầng, nhu cầu dùng nước phía hạ lưu … các quy hoạch khác có liên quan đối với phương án điều chỉnh quy hoạch.

Đối với DATĐ Sông Giang 2: Rà soát các văn bản pháp lý có liên quan được cấp có thẩm quyền phê duyệt và các thông số của Dự án hiện đang vận hành để có ý kiến chi tiết về các ảnh hưởng (nếu có) của Dự án đến dân cư, công trình hạ tầng, nhu cầu dùng nước phía hạ lưu … các quy hoạch khác có liên quan trong khu vực.

Tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, thủy điện và thủy điện nhỏ là nội dung được các đại biểu và cử tri quan tâm. Những ý kiến đa chiều đã được gợi mở, được đưa ra và được hồi đáp từ các cơ quan quản lý nhà nước. Có một điều không thể phủ nhận, mọi dự án trong lĩnh vực này để có thể thực hiện được đều phải qua rất nhiều cấp xét duyệt, thẩm định và được thực hiện theo Luật định. Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, trong phần trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về nội dung này cũng đã thông tin: Trong giai đoạn vừa qua, Bộ Công Thương đã phối hợp với các bộ, ngành đã đưa ra khỏi quy hoạch 479 dự án; 8 dự án thủy điện bậc thang; loại bỏ 213 điểm tiềm năng cho phát triển thủy điện.

Bên cạnh đó, việc bổ sung các dự án thuỷ điện các loại vào quy hoạch đều phải xin ý kiến các bộ, ngành: Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Tài nguyên & Môi trường, Xây dựng, Công an và các cơ quan khác để phù hợp với quy hoạch sử dụng đất. Đồng thời, quy trình đầu tư còn bao gồm các cấp thẩm quyền từ trung ương đến địa phương xem xét phê duyệt dự án đầu tư và quản lý đầu tư. Điều này đã quy định trong Luật Đầu tư, Xây dựng và các luật khác. Trong đó, một trong những quyết định quan trọng làm cơ sở thẩm định, phê duyệt, thông qua dự án là báo cáo đánh giá tác động môi trường (DTM). Báo cáo DTM đều được đăng công khai trên trang điện tử của cơ quan thẩm định xem môi trường có đảm bảo hay không.

Trở lại với Cụm Dự án thủy điện Sông Giang 1 và Sông Giang 2, Bộ Công Thương với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, đã làm đúng chức năng nhiệm vụ của mình, tiến hành từng bước theo quy định. Khi chủ đầu tư có đề xuất xin điều chỉnh quy hoạch, Bộ mới chỉ thực hiện bước một là đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa rà soát kiểm tra kỹ các vấn đề liên qua đến cụm dự án này. Trên cơ sở các ý kiến chính thức của chính quyền địa phương đối với phương án điều chỉnh quy hoạch, Bộ Công Thương mới chính thức xem xét, thẩm định hồ sơ quy hoạch.

Hơn thế, trong quá trình thẩm định, Bộ Công Thương cũng xem xét, đánh giá cụ thể các chỉ tiêu về kinh tế - kỹ thuật trên cơ sở các ý kiến góp ý của chính quyền địa phương, nếu phát sinh những vấn đề phức tạp, ảnh hưởng lớn đến khu vực, mang tính liên tỉnh hoặc những nội dung ngoài thẩm quyền quản lý của UBND tỉnh, Bộ Công Thương sẽ đánh giá cụ thể từng nội dung để xem xét việc lấy ý kiến của các tỉnh lân cận hoặc các Bộ ngành có liên quan.

Được biết, hiện nay, UBND tỉnh Khánh Hòa chưa có văn bản trả lời và Bộ Công Thương cũng chưa tổ chức thẩm định hồ sơ quy hoạch đối với các dự án này.

Giải quyết những đề nghị của chủ đầu tư là điều mà không chỉ Bộ Công Thương mà các bộ, ngành địa phương cùng phải thực hiện; bởi đó là nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước. Trên tất cả, những giải quyết đó đều phải tuân thủ quy định và pháp luật.

Thùy Linh

TagTag:

Tin mới hơn

Bộ Công Thương: Theo dõi, chỉ đạo sát sao tình hình hồ đập thuỷ điện ứng phó với bão VAMCO Bộ Công Thương: Theo dõi, chỉ đạo sát sao tình hình hồ đập thuỷ điện ứng phó với bão VAMCO Thanh Hóa thực hiện Đề án khuyến quốc gia điểm: Hỗ trợ thiết thực cơ sở chế biến lâm sản Thanh Hóa thực hiện Đề án khuyến quốc gia điểm: Hỗ trợ thiết thực cơ sở chế biến lâm sản Tổng công ty Điện lực miền Bắc: Cung cấp điện an toàn, ổn định Tổng công ty Điện lực miền Bắc: Cung cấp điện an toàn, ổn định

Tin cũ hơn

Hà Nội: Kết nối mạng lưới sản xuất tiêu dùng bền vững cho sản phẩm dán nhãn năng lượng Nhiều đối tác quốc tế lựa chọn DAT Solar là tổng thầu EPC điện mặt trời Bộ Công Thương đề xuất kéo dài giá FIT điện gió đến hết năm 2023 Đà Nẵng: Hỗ trợ doanh nghiệp “số hóa” hoạt động sử dụng hóa chất trên hệ thống cơ sở dữ liệu hóa chất quốc gia Nâng cao năng lực thông tin, định hướng tuyên truyền về phát triển năng lượng tái tạo Tập đoàn Xuân Thiện hoàn thành nhà máy điện mặt trời sau 205 ngày đêm Bộ Công Thương ủng hộ Bình Thuận trở thành trung tâm năng lượng của đất nước
[Xem thêm]