GIÁO DỤC

Bầu cử Mỹ: Ông Biden thắng là "mộng đẹp" hay "nỗi lo" cho châu Á?

08/11/2020 08:08

Ẩn số Joe Biden đang trở thành cơn đau đầu đối với các nhà lãnh đạo châu Á, từ đồng minh cho đến đối địch.

Tiêu điểm - Bầu cử Mỹ: Ông Biden thắng là 'mộng đẹp' hay 'nỗi lo' cho châu Á?

Thương mại với Trung Quốc là chủ đề nóng.

Nếu thắng cử, nhiệm kỳ của ông Joe Biden sẽ có ý nghĩa như thế nào đối với châu Á? Nhân vật đến từ đảng Dân chủ sẽ là Barack Obama 2.0, hay sẽ tiếp tục chính sách của ông Donald Trump nhưng có cách tiếp cận mềm mỏng hơn? Đây là những câu hỏi mà các nhà hoạch định chính sách ở cả hai bờ Thái Bình Dương đặt ra trong cuộc bầu cử ngày 3/11 ở Mỹ.

Một khi trở thành ông chủ mới của Nhà Trắng, ông Biden sẽ phải đối phó với tác động địa chấn của Tổng thống Donald Trump đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong 4 năm qua.

Chính quyền Trump đã đưa ra lập trường đối đầu Trung Quốc về mọi thứ, từ thương mại, công nghệ và dịch bệnh, cho đến những tranh cãi trên biển. Ông Trump cũng tạo ra căng thẳng với các đồng minh châu Á bằng cách đe dọa giảm lượng quân ở Nhật Bản và Hàn Quốc, đồng thời xây dựng mối quan hệ trực tiếp với Triều Tiên.

Tờ Nikkei Asia đã có một cái nhìn toàn diện về một nhiệm kỳ tổng thống của ông Biden đối với châu Á sẽ như thế nào nếu ông này thắng cử.

Công nghệ và Trung Quốc

Chiến dịch tranh cử của ông Biden từng mô tả, nhân vật đến từ đảng Dân chủ sẽ dẫn dắt Mỹ "giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh trong tương lai chống lại Trung Quốc."

Trích dẫn việc Trung Quốc tăng gấp 30 lần chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển từ năm 1991 đến năm 2016, ônh Biden đã cam kết đầu tư mạnh vào các công nghệ mới trong chương trình nghị sự kinh tế "Mua của người Mỹ". Kế hoạch này bao gồm 300 tỷ USD cho các công nghệ mới, từ xe điện và vật liệu nhẹ đến 5G và trí tuệ nhân tạo - những lĩnh vực mà Trung Quốc đang nhanh chóng đạt được thành công.

Chiến dịch tranh cử của ông đã đưa ra một số chi tiết cụ thể về các biện pháp mà ông sẽ thực hiện để chống lại các công ty công nghệ của Trung Quốc, hoặc thậm chí về câu hỏi liệu ông có giữ các biện pháp trừng phạt cứng rắn của chính quyền Trump đối với các đối tượng trong danh sách đen như Huawei hay không.

Trên thực tế, giới tinh hoa Mỹ hoàn toàn đồng lòng với mục tiêu chống lại sự trỗi dậy về công nghệ của Trung Quốc. Một cuộc khảo sát được công bố vào tháng này bởi Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Washington cho thấy, 71% các nhà lãnh đạo Mỹ cho rằng Huawei và các công ty Trung Quốc khác nên bị cấm tham gia vào thị trường 5G của Mỹ. Hơn một nửa cho rằng Washington nên cấm tất cả các mặt hàng xuất khẩu sang nước họ.

Scott Kennedy, cố vấn cấp cao về Kinh doanh và Kinh tế Trung Quốc tại CSIS, cho biết ông mong đợi sự "kết hợp giữa hợp tác và áp lực... nhưng sẽ có sự phối hợp tốt hơn với các chính phủ khác nhau dưới sự điều hành của Biden”. Cùng với đó, ông Biden có thể sử dụng một số chiến thuật mà chính quyền Trump đang có - chẳng hạn như kiểm soát xuất khẩu và hạn chế đầu tư - nhưng cách thực hiện được cho là sẽ rất khác.

Thương mại

Tiêu điểm - Bầu cử Mỹ: Ông Biden thắng là 'mộng đẹp' hay 'nỗi lo' cho châu Á? (Hình 2).

Mỹ sẽ vẫn ở lại Thái Bình Dương.

Trong các tuyên bố của mình, Biden cho biết, ông muốn làm việc với các đồng minh của Mỹ để gây áp lực tập thể lên Bắc Kinh.

Cuộc chiến thương mại của ông Trump với Trung Quốc đã khiến nền kinh tế toàn cầu thiệt hại hàng tỷ đô la. Theo Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, bất chấp thỏa thuận Giai đoạn Một, thuế quan trung bình của Mỹ đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc vẫn ở mức 19,3%, cao hơn sáu lần so với trước khi xung đột bắt đầu vào năm 2018. Mức thuế trung bình của Trung Quốc đối với hàng nhập khẩu từ Mỹ ở mức 20,3%.

Chính quyền của ông Trump đã từ chối làm việc với các đồng minh và các thỏa thuận quốc tế, bao gồm rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Paris, Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, Thỏa thuận hạt nhân Iran và đe dọa rời Tổ chức Thương mại Thế giới và Tổ chức Y tế Thế giới.

Edward Alden, thành viên cấp cao tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại cho biết: "Tôi nghĩ rằng chính quyền Biden sẽ tập trung hơn vào vấn đề Trung Quốc và làm việc chặt chẽ hơn với các đồng minh. Biden sẽ thận trọng hơn trong việc sử dụng thuế quan. Nhưng nó không có nghĩa là thuế quan có thể được dỡ bỏ ngay lập tức".

Biden đã gọi thỏa thuận Giai đoạn Một của ông Trump với Bắc Kinh là "rỗng tuếch", vì thỏa thuận này vẫn chưa giải quyết các hành vi thương mại không công bằng và hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ, theo trang web chiến dịch của ông Biden. Ông đã cam kết làm việc với các đồng minh của Mỹ để thay đổi hành vi của Trung Quốc.

Hầu hết các chuyên gia cho rằng cạnh tranh Mỹ-Trung là không thể tránh khỏi, nhưng cách chính quyền Mỹ xử lý nó là chìa khóa để thúc đẩy những thay đổi tích cực trong mối quan hệ.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là chính quyền Biden sẽ ngay lập tức tham gia TPP khi ông thắng cử. Biden thường im lặng về TPP, dù cho chính quyền Obama trước đó đã nhận được sự ủng hộ rất lớn từ đảng Dân chủ. Thay vào đó, ông lập luận về sự cần thiết phải đầu tư trong nước trước khi thực hiện các giao dịch thương mại lớn.

Tranh cãi trên biển

Vào năm 2016, trong chuyến thăm Australia, ông Biden cam kết rằng Mỹ sẽ "đảm bảo các tuyến đường biển được an toàn và bầu trời vẫn rộng mở". “Và tôi đảm bảo với bạn, Mỹ sẽ không đi đâu cả”, ông nói. "Mỹ đang ở đây, hiện diện ở Thái Bình Dương".

Trong suốt chiến dịch tranh cử của mình, ông Biden đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường các liên minh của Washington nhằm khôi phục quyền lãnh đạo của Mỹ. Và trong trường hợp tranh cãi ở vùng biển Thái Bình Dương, điều đó có nghĩa là phải can dự nhiều hơn với các nước châu Á.

Daniel Russel, trợ lý ngoại trưởng phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương dưới thời Obama, cho biết Biden sẽ thực hiện các bước để tránh leo thang quân sự do thông tin sai lệch.

Nhưng "điểm mấu chốt của sự khác biệt nếu Joe Biden được bầu làm tổng thống là chúng ta sẽ có một tổng thống đưa ra chính sách", Russel nhấn mạnh. Ông nói rằng các hành động của Mỹ ở vùng biển châu Á trong những năm gần đây - chẳng hạn như hoạt động tự do hàng hải - không phải đến từ ông Trump, mà từ các cơ quan như bộ Ngoại giao và Lầu Năm Góc.

"Chúng ta sẽ có một chiến lược an ninh quốc gia... không chỉ bao gồm việc gửi tàu chiến", Russel nói. "Nó sẽ bao gồm ngoại giao, can dự và tham gia với ASEAN và các diễn đàn khu vực".

Triều Tiên và quân đội Mỹ ở Châu Á

Biden nói rằng ông muốn làm việc với các đồng minh - đặc biệt là Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia - và những nước khác, bao gồm cả Trung Quốc, để gây áp lực buộc Triều Tiên phi hạt nhân hóa. Ông cũng muốn thắt chặt kiểm soát vũ khí trong khu vực với sự hợp tác của Nga.

Điều này đặt ông ở phía trái ngược với ông Trump, người đã đe dọa sẽ rút quân khỏi Nhật Bản và Hàn Quốc - những đồng minh lâu năm của Washington ở Đông Bắc Á - nếu họ không trả thêm chi phí hỗ trợ quân sự hàng tỷ USD

“Tôi nghĩ mối quan hệ của Mỹ với Hàn Quốc đang bị tổn thương. Biden chắc chắn sẽ có thể gửi tín hiệu sớm, cử ngoại trưởng của ông ấy đến khu vực ngay lập tức để thiết lập một giai điệu khác", Patrick Cronin, chuyên gia về An ninh Châu Á-Thái Bình Dương tại Viện Hudson ở Washington nêu quan điểm.

Jennifer Lind, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Dartmouth, nhận thấy cựu phó tổng thống Mỹ đang quay lại với các phương pháp trước đây đối với Bình Nhưỡng. "Tôi kỳ vọng rằng Biden sẽ tuân theo cách tiếp cận lâu nay của Mỹ đối với Triều Tiên, đó là sự kết hợp giữa răn đe và các nỗ lực ngoại giao không thường xuyên", Lind nói.

Ông Biden tiệm cận chiến thắng

Ứng cử viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden hôm 7/11 (9 giờ sáng Việt Nam) đã dẫn trước Tổng thống Mỹ Donald Trump tại các bang chiến trường quan trọng là Georgia và Pennsylvania, đưa ông tiệm cận đến chiến thắng trong cuộc bầu cử sát sao.

Tại Georgia, sau kết quả kiểm phiếu mới nhất, ông Biden đã vượt qua ông Trump với 1096 phiếu bầu. Tại Pennsylvania, ông Biden cũng soán ngôi trước ông Trump với tỷ lệ dẫn đầu 5.587 phiếu bầu. Ông Biden tiếp tục duy trì vị trí cửa trên ở hai bang chiến trường khác là Arizona và Nevada.

Để được tuyên bố là người chiến thắng trong cuộc bầu cử Mỹ, một trong hai ứng cử viên cần 270 trong số 538 phiếu đại cử tri. Theo thống kê mới nhất từ AP, ông Biden có 264 phiếu đại cử tri và ông Trump xếp sau với 214.

Tổng thống Trump tại một cuộc họp báo ở Nhà Trắng đã cáo buộc đảng Dân chủ gian lận phiếu bầu và cho rằng “cuộc bầu cử đã bị đánh cắp”. Tuy nhiên, ông không đưa ra bất kỳ bằng chứng nào để chứng minh cho tuyên bố của mình. Chiến dịch tranh cử của ông Trump đã nộp nhiều vụ kiện ở các bang Pennsylvania, Michigan, Georgia, Nevada và yêu cầu kiểm phiếu lại ở Wisconsin. Về phần mình, chiến dịch của ông Biden đã phủ nhận các cáo buộc.

Một số kênh tin tức của Mỹ trước đó đã cắt chương trình truyền hình trực tiếp cuộc họp báo tại Nhà Trắng của ông Trump vì cho rằng những cáo buộc của ông về gian lận cử tri là không có bất kỳ bằng chứng nào.

Cùng chuyên mục