Xử lý vi phạm 8B Lê Trực: Hà Nội cho phép giữ lại một số hạng mục vượt giấy phép
UBND thành phố Hà Nội vừa có báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả xử lý, khắc phục vi phạm trật tự xây dựng tại dự án số 8B Lê Trực (Điện Biên, quận Ba Đình).
Theo đó, TP.Hà Nội đã hoàn thành việc xử lý nghiêm vi phạm tại số 8B Lê Trực theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; đảm bảo an toàn tuyệt đối công trình và lợi ích các bên liên quan.
Báo cáo của TP.Hà Nội tập trung vào làm rõ quá trình sai phạm, cũng như việc xử lý kỷ luật tổ chức, cá nhân để xảy ra sai phạm và tiến trình tháo dỡ, phá dỡ công trình 8B Lê Trực từ năm 2015 đến nay. Giai đoạn 1 đã tháo dỡ phần tum thang và tầng 19. Giai đoạn 2, năm 2020 đã tháo dỡ toàn bộ phần tường xây, vách ngăn, cửa, thiết bị tầng; hoàn thành khối lượng cắt sàn tầng 18 với diện tích 1.268m2; cắt xong 256,35 mét dài dầm, cắt xong 14/14 cột (đạt 100% số lượng cột, tương đương với 46,2 mét dài cột).
Về kết cấu công trình còn lại sau phá dỡ, theo báo cáo kết quả quan trắc biến dạng của Viện Khoa học công nghệ và kinh tế xây dựng Hà Nội ngày 9/10/2020, độ võng và kích thước của các vết nứt tại các cấu kiện quan trắc chưa vượt ngưỡng các tiêu chí là cấu kiện nguy hiểm theo tiêu chuẩn TCVN 9381:2012 - Hướng dẫn đánh giá mức độ nguy hiểm của kết cấu nhà.
Hiện trạng công trình còn 17 tầng và tum thang, chiều cao đến mặt mái tầng 17 là 58,5m, so với giấy phép xây dựng vượt chiều cao 5,5m; diện tích sàn tăng 2.834,8m2.
Về hướng xử lý thời gian tới, văn bản báo cáo của TP.Hà Nội cho hay thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy, trên cơ sở báo cáo, đề xuất của Sở Xây dựng và UBND quận Ba Đình, UBND TP. Hà Nội đã có Văn bản số 5184/UBND-SXD ngày 30/10/2020 chỉ đạo cho phép giữ lại kết cấu cột, dầm, kết cấu lõi thang và dầm treo tầng 18; dầm, cột, vách tường xây lồng ô cầu thang bộ.
Theo UBND TP. Hà Nội, việc cho phép giữ lại một số hạng mục trên là do yêu cầu về kỹ thuật, bảo đảm kết cấu và an toàn cho tòa nhà (do hệ dầm treo, cột giữ lại chịu một phần lực nâng cho các tầng dưới, nếu phá dỡ tiếp có thể bị ảnh hưởng tới kết cấu chung của tòa nhà).
Các hạng mục này được hoàn thiện thành giàn hoa, bồn cây mà không sử dụng cho mục đích khác.
Liên quan đến việc Hà Nội cho phép giữ lại một số hạng mục vượt giấy phép, trao đổi với Đất Việt, PGS.TS Nguyễn Quang Toản, nguyên Chủ nhiệm khoa Cầu đường, Đại học GTVT cho rằng phương án Hà Nội đưa ra cho thấy sự thận trọng bởi đây là công trình có tải trọng lớn, kết cấu tòa nhà dù là dầm treo hay dầm đỡ thì cũng liên quan toàn bộ khối nhà.
Trong khi đó, thể hiện một quan điểm khác, PGS.TS Nguyễn Đình Thám, nguyên Trưởng Bộ môn Công nghệ và Xây dựng, Đại học Xây dựng đánh giá, về mặt kỹ thuật, cần phải có hội đồng kết cấu đánh giá thận trọng.
Cụ thể, nếu ở đây là dầm chuyển, nhiệm vụ phân phối nội lực cho tầng dưới thì nó đóng vai trò quan trọng, cần phải cân nhắc giữ lại. Ngược lại, nếu dầm không phải là dầm chuyển, mà cụ thể trong báo cáo của UBND TP.Hà Nội đây chỉ là dầm treo, thì theo quan điểm thông thường, dẫu có cắt tầng và cắt cả dầm cũng không ảnh hưởng gì đến tòa nhà.
"Nhà xây từ dưới lên, cắt ngọn thì không ảnh hưởng gì đến kết cấu. Khi xây "lố", phải cắt ngọn thì việc cắt ấy chỉ làm cho tòa nhà vững chắc hơn", PGS.TS Nguyễn Đình Thám nói.
Về vấn đề kiến trúc, theo vị chuyên gia, không ảnh hưởng gì đến kết cấu của tòa nhà nên bên thiết kế sẽ nghiên cứu để đưa ra phương án phù hợp và có lợi nhất.
Hoài Thu