GIÁO DỤC

Vụ án TS. Doanh nhân Phạm Thanh Hải: Phải chăng đây là thủ thuật tạo chứng cứ để buộc tội?

23/10/2020 11:26

Một trong những căn cứ để buộc tội bị cáo phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là bị cáo huy động vốn/vay/mượn tiền của người khác nhưng không có khả năng thanh toán (mất khả năng thanh toán). Muốn có được chứng cứ này thì cơ quan điều tra phải chứng minh được bị cáo không có hoặc có rất ít tiền so với số tiền buộc phải trả.    

Các nhà khoa học hàng đầu về nông nghiệp đã rất quan tâm đến dự án phát triển cây Maca của Phạm Thanh Hải

Trong vụ án Phạm Thanh Hải, cấp sơ thẩm đã cho rằng: Phạm Thanh Hải mất khả năng thanh toán - nhằm buộc tội Phạm Thanh Hải. Vậy thực tế Phạm Thanh Hải có mất khả năng thanh toán như cáo buộc hay không?

Để đưa ra kết luận này, cơ quan điều tra đã loại bỏ bớt số tiền mà Phạm Thanh Hải đang nắm giữ, và cố gắng nâng số tiền buộc phải trả lên cao nhất có thể, bằng cách đưa tất cả những người góp vốn vào danh sách bị hại, mặc dù họ không phải là bị hại, vì hợp đồng của họ chưa đến hạn thanh toán. Đây phải chăng là một thủ thuật để chứng minh Phạm Thanh Hải “mất khả năng thanh toán”?

Số tiền Phạm Thanh Hải đang nắm giữ bị loại bỏ như thế nào?

Phạm Thanh Hải bắt đầu huy động vốn và đầu tư từ năm 2008, đến ngày 19/10/2015 thì bị bắt về tội kinh doanh trái phép, và sau đó 10 ngày (29/10/2015) bị khởi tố bổ sung thêm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo BL số 53663 thể hiện, trong thời gian này, Phạm Thanh Hải đầu tư vào 16 công ty với số tiền là hơn 506 tỷ (506.963.501.391đ), nhưng cấp sơ thẩm chỉ công nhận và đưa vào vụ án số tiền hơn 152 tỷ (152.658.648.124đ, theo CQĐT cộng được là hơn 133 tỷ)). Như vậy, cấp sơ thẩm đã loại khỏi vụ án hơn 354 tỷ (354.314.853.267đ, CQĐT cộng được là hơn 339 tỷ), để cho rằng Phạm Thanh Hải nắm giữ số tiền ít hơn rất nhiều so với số tiền cáo buộc phải trả - một dấu hiệu của việc mất khả năng thanh toán.

Lý do nào để loại số tiền này?

Số tiền hơn 354 tỷ bị loại là số tiền Phạm Thanh Hải đã đầu tư vào 16 công ty trước tháng 10/2014 và tất cả các hợp đồng liên quan đến số tiền này đều đã được tất toán, không có ai thắc mắc, khiếu kiện, cho nên CQĐT không tính đến (bị loại)? Số tiền hơn 152 tỷ mà cấp sơ thẩm công nhận chỉ là số tiền đầu tư bổ sung sau 10/2014, trong số tiền này có một số hợp đồng đã được thanh toán, còn những hợp đồng chưa được thanh toán do chưa đến hạn.

Các chính khách cũng quan tâm đến các dự án đầu tư của Phạm Thanh Hải

Việc cấp sơ thẩm loại số tiền lớn như vậy để cho rằng Phạm Thanh Hải mất khả năng thanh toán là hoàn toàn vô lý, bởi lẽ:

- Thứ nhất, quá trình huy động vốn của Phạm Thanh Hải bắt đầu từ năm 2008 cho đến 19/10/2015, ngày bị bắt oan về tội kinh doanh trái phép, là quá trình huy động vốn và đầu tư diễn ra liên tục, không ngắt quãng. Thành công của giai đoạn trước là cơ sở cho giai đoạn sau, có tính gối đầu, liên tục. Cho nên việc tách giai đoạn đầu tư trước 10/2014 ra khỏi vụ án, nhằm loại bỏ số tiền hơn 354 tỷ để làm giảm khả năng thanh toán của Phạm Thanh Hải là không đúng với thực tế vụ án, làm mất tính kế thừa, nhằm gây bất lợi cho Phạm Thanh Hải.

- Thứ hai, việc tách quá trình đầu tư từ 2008 đến 10/2014 ra khỏi vụ án, cho thấy cơ quan CSĐT, VKS và TA sơ thẩm đã nhận thấy các hợp đồng góp vốn của các Nhà đầu tư giai đoạn này đã được thanh toán sòng phẳng, không có ai tố cáo hay khiếu kiện, cho nên “không xem xét đến”? Do các hợp đồng của các Nhà đầu tư giai đoạn này đã được tất toán, cho nên số tiền hơn 354 tỷ đã đầu tư ở các công ty trong giai đoạn này là lãi ròng của Phạm Thanh Hải. Như vậy đây là tình tiết chứng minh:

1. Trong quá trình huy động vốn, Phạm Thanh Hải đều thanh toán đầy đủ cho các Nhà đầu tư, không có hành vi chiếm đoạt.

2. Là chứng cứ chứng minh việc đầu tư của Phạm Thanh Hải là rất hiệu quả.

Việc loại bỏ một chứng cứ có lợi cho Phạm Thanh Hải có thể làm sai lệch nội dung vụ án là vi phạm tố tụng nghiêm trọng.

Sản phẩm của Phạm Thanh Hải là các doanh nghiệp

Số tiền bị loại tiếp theo:

Trong hồ sơ vụ án có các tài liệu: - Hợp đồng vay tiền giữa bà Phan Thị Phương Thảo với Phạm Thanh Hải với số tiền vay là 267 tỷ 750 triệu đồng; - Bản cam đoan của bà Phan Thị Phương Thảo (v/v hoàn trả cho PTH số tiền đã vay là 267 tỷ 750 triệu đồng) - Hợp đồng cầm cố cổ phiếu của bà Phương Thảo nhằm bảo đảm trả khoản nợ vay này đối với Phạm Thanh Hải; - Hợp đồng chuyển nhượng QSD đất với diện tích chuyển nhượng là 49.061m2 giữa Công ty CP đầu tư xây dựng & phát triển hạ tầng Phú An với Phạm Thanh Hải.

Tất cả những văn bản này đều hợp pháp và phù hợp với lời khai của bà Phương Thảo tại bút lục số 37487, chứng minh rằng Phạm Thanh Hải đang sở hữu số tiền 267 tỷ 750 triệu đồng tại công ty Phú An là đúng sự thật. Tuy nhiên, cấp sơ thẩm chỉ công nhận 88 tỷ 200 triệu (là số tiền được thể hiện qua chuyển khoản), loại bỏ 179 tỷ 550 triệu đồng, nhằm làm giảm số tiền Phạm Thanh Hải đang nắm giữ, để cho rằng Phạm Thanh Hải mất khả năng thanh toán là không đúng với sự thật vụ án, gây bất lợi cho Phạm Thanh Hải. Việc làm này của cơ quan CSĐT là việc làm vi phạm nghiêm trọng tố tụng.

Để chứng minh Phạm Thanh Hải mất khả năng thanh toán, ngoài việc cố gắng làm giảm số tiền Phạm Thanh Hải đang nắm giữ như đã trình bày ở trên, các cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm còn cố gắng tạo ra số tiền “chiếm đoạt” và năng nó lên mức cao nhất có thể, bằng cách tạo ra một danh sách những người bị hại thật nhiều (càng nhiều càng tốt), mặc cho những người này không phải là bị hại.

Theo cáo buộc của cấp sơ thẩm, Phạm Thanh Hải phải trả cho 506 “bị hại” với số tiền là 433.707.657.000đ. Nhưng oái oăm thay, cũng theo bản án sơ thẩm, số tiền Phạm Thanh Hải đang nắm giữ bị phong tỏa để thực hiện nghĩa vụ thi hành án khi bản án có hiệu lực pháp luật là 479.690.952.130đ.

Như vậy, ngoài số tiền Phạm Thanh Hải có nhưng không được đưa vào hồ sơ như đã nêu trên, và giá trị thực của các công ty, dự án là rất lớn, thì số tiền Phạm Thanh Hải đang nắm giữ bị phong tỏa để thi hành án là đã vượt quá số tiền phải chi trả theo cáo buộc là gần 46 tỷ (45.983.295.130đ)

Số tiền bị phong tỏa còn lớn hơn số tiền bị cáo buộc phải trả mà cấp sơ thẩm vẫn cho rằng “mất khả năng thanh toán” là sao?!

Nhiều nhà đầu tư là những người rất am hiểu về kinh tế vì thế họ kiên quyết không nhận là bị hại

Tổng số tiền Phạm Thanh Hải đang nắm giữ (theo hồ sơ) là hơn 1.254 tỷ, trong khi số tiền bị cáo buộc phải trả là hơn 433 tỷ (chưa nói là số tiền cáo buộc phải trả này không đúng thực chất, vì hầu hết những người được cho là “bị hại” này đều nói trước tòa rằng họ không phải là bị hại).

Vậy những câu hỏi mà các cơ quan tiến hành tố tụng cần trả lời, là:

Phạm Thanh Hải bị bắt về tội kinh doanh trái phép là đúng hay sai?

(câu trả lời chắc chắn là: Sai)

Trước khi bị bắt về tội kinh doanh trái phép, Phạm Thanh Hải có nợ quá hạn người nào không?

(câu trả lời chắc chắn là: Không).

Phạm Thanh Hải có sẵn sàng thanh toán cho các hợp đồng lần lượt đến hạn không?

(câu trả lời chắc chắn là: Luôn sẵn sàng).

Phạm Thanh Hải có đủ khả năng thanh toán không?

(câu trả lời chắc chắn là: Đủ khả năng).

Vậy dựa trên cơ sở nào để khởi tố Phạm Thanh Hải về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản?

Dựa trên những chứng cứ vừa nêu trên cho thấy, trước khi bị bắt oan và bị khởi tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Phạm Thanh Hải không nợ quá hạn bất kỳ ai, Phạm Thanh Hải luôn sẵn sàng và đủ khả năng chi trả cho nhưng hợp đồng lần lượt đến hạn tiếp theo. Vì vậy, việc khởi tố Phạm Thanh Hải tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là không có cơ sở.

Qua đó cho thấy, việc các “bị hại” đã bền bỉ năm này qua năm khác liên tục kêu oan cho bị cáo, yêu cầu các cơ quan tiến hành tố tụng trả tự do cho Phạm Thanh Hải là hoàn toàn có cơ sở. Đây là hậu quả của tư duy cứ bắt đi, rồi sẽ tìm ra tội.

Lê Xuân