Sáng 11/11, Tạp chí Kinh tế Việt Nam - VnEconomy - Vietnam Economic Times phối hợp với Liên minh Invest Global tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp chuyển đổi số Việt Nam 2020 "Thoát hiểm & bứt tốc trong COVID-19".
Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Chử Văn Lâm, Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế Việt Nam - VnEconomy - Vietnam Economic Times chia sẻ về bối cảnh đặc biệt của năm 2020 - một năm bão táp với toàn thế nhân loại.
Ông cho biết đại dịch COVID-19 đã tác động và để lại hệ lụy nghiêm trọng đối với hầu hết các nền kinh tế. Ngân hàng Thế giới dự báo năm 2020 nền kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng âm tới -5,2% và đây là cuộc suy thoái kinh tế tồi tệ nhất kể từ chiến tranh thế giới lần thứ 2.
Theo ông Lâm, doanh nghiệp là lực lượng xung kích và nòng cốt của nền kinh tế, không thể khác, chuyển đổi số là điều kiện sống còn và cấp thiết nhất trong bối cảnh hiện nay.
Vị Tổng biên tập nhấn mạnh, COVID-19 chính là nguyên nhân đưa cả thế giới vào cuộc khủng hoảng, nhưng cũng chính là mệnh lệnh khiến cả thế giới phải thay đổi. Ý thức rõ tầm quan trọng của việc thúc đẩy chuyển đổi số hướng tới nền kinh tế số, với vai trò và sứ mệnh của cơ quan báo chí, truyền thông kinh tế, là cầu nối truyền tải thông tin, phải hồi và thúc đẩy phát triển.
Đặc biệt, năm 2020 Việt Nam giữ vai trò chủ tịch ASEAN và tuần lễ cấp cao ASEAN 37 đang diễn ra tại Thủ đô Hà Nội, là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam thể hiện tinh thần xung kích, sáng tạo, đổi mới và hội nhập vì một Việt Nam thịnh vượng và ASEAN phát triển bền vững.
Tại diễn đàn, ông Nguyễn Minh Vũ, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nhận định, hiện nay, các thành viên ASEAN đang tập trung nỗ lực phòng chống dịch bệnh các quyết sách ưu tiên đảm bảo tính mạng người dân. Việt Nam thành công chống dịch lây lan, là hình mẫu hiệu quả đối phó với COVID-19.
"COVID-19 có thể nói là cơ hội chưa từng có, là cú hích trăm năm tạo ra đột phá mới cho quá trình phát triển kinh tế số, xã hội số", Thứ trưởng nói.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ, kinh tế số là chiến binh tích cực trong thời gian qua, đóng vai trò quan trọng trong công nghệ thông tin xử lý tình huống cấp bách, phòng ngừa ứng phó với đại dịch COVID-19.
Bên cạnh đó, cuộc số hoá, chuyển đổi số, tổ chức sản xuất thương mại dịch vụ diễn ra mạnh mẽ thế giới, cả ASEAN và Việt Nam. Chính phủ Việt Nam nhận rõ chuyển đổi số là cơ hội để Việt Nam bứt phá để rút ngắn khoảng cách với các quốc gia thế giới. Quá trình chuyển đổi số giúp cộng đồng ASEAN gắn kết chặt chẽ hơn, thay đổi vị thế, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng GDP.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao dẫn chứng, theo con số Diễn đàn Kinh tế Thế giới, 10 năm tới là giai đoạn quyết định chuyển đổi số nhanh, chứng kiến đột phá chuyển đổi số thế giới, 2-3 năm tới phổ cập 5G tạo ra sự phát triển quy mô cao và tốc độ cao hơn của chuyển đổi số.
Hiện tại, ASEAN kinh tế số chiếm 7% GDP, 10 năm tới sẽ góp 100 tỷ USD. Xuất phát điểm thấp của ASEAN lại đang chính là lợi thế của khu vực này.
Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ cũng cho biết, Chính phủ đang rất quyết liệt chuyển đổi số và đang làm gương cho người dân. Đặc biệt, Chính phủ cho rằng đây là thuận lợi để phát triển công nghệ số. Đại dịch đã tác động tiêu cực đến kinh tế, với lòng tự hào dân tộc, Việt Nam đang cố gắng vượt qua khó khăn, các doanh nghiệp cần tận dụng hơn nữa từ cơ hội chuyển đổi số.
"Tôi xin có lời gửi đến các doanh nghiệp tại Việt Nam, đây cũng là câu nói nổi tiếng của Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới: Trong kỷ nguyên công nghệ là không phải cá lớn nuốt cá bé mà là cá nhanh nuốt cá chậm", Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ nói.
Vừa qua, Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn và rộng khắp.
Đến năm 2025, Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu kinh tế số chiếm 20% GDP, tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%, năng suất lao động tăng bình quân trên 7%/năm, thuộc nhóm 35 nước dẫn đầu về đổi mới, sáng tạo.