GIÁO DỤC

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng: Phát huy giá trị nền tảng, tạo thế và lực mới để phát triển

23/10/2020 23:18

Trong công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, Việt Nam đã có những bước phát triển và tăng trưởng khá trên mọi mặt, trong bước phát triển đó có đóng góp của ngành khoa học và công nghệ.

Năng lực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của Việt Nam đã từng bước rút ngắn “khoảng cách” so với khu vực và thế giới. Cơ chế, chính sách quản lý khoa học và công nghệ cũng đã hướng đến tiệm cận với các thông lệ và chuẩn mực quốc tế… Để rõ hơn về những đóng góp của ngành khoa học và công nghệ thời gian qua, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng.

thu truong bo khoa hoc va cong nghe tran van tung phat huy gia tri nen tang tao the va luc moi de phat trien
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng

Xin Thứ trưởng đánh giá tổng quan về những đóng góp của ngành khoa học và công nghệ trong sự phát triển chung của đất nước trong năm 2019 cũng như thời gian qua?

Thứ trưởng Trần Văn Tùng: Trong công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, với sứ mệnh được định hình là phục vụ đắc lực mục tiêu quốc gia về sản xuất, dân sinh và quốc phòng, ngành khoa học và công nghệ đã từng bước đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý khoa học và công nghệ, hướng đến tiệm cận với các thông lệ và chuẩn mực quốc tế, tạo môi trường ngày càng thuận lợi trong nghiên cứu và đổi mới sáng tạo, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Đặc biệt, khoa học và công nghệ đã có đóng góp lớn trong một số lĩnh vực, ngành trọng điểm như: Công nghệ sinh học, hóa dầu, vật liệu, năng lượng, tự động hóa, nano, công nghệ tính toán, y học…

Năm 2019, được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương, sự đồng hành của doanh nghiệp và người dân, khoa học và công nghệ đã có nhiều kết quả đáng khích lệ, đóng góp vào thành công chung của cả nước. Ngành khoa học và công nghệ từng bước tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tạo hành lang pháp lý ngày càng thông thoáng hơn cho hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Khoa học và công nghệ ngày càng gắn bó mật thiết và đồng hành với các mục tiêu phát triển của các ngành, lĩnh vực, giúp nâng cao năng lực và sức cạnh tranh của doanh nghiệp và cả nền kinh tế.

Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp với mục tiêu đưa khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển các ngành, lĩnh vực, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của quốc gia. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật được hoàn thiện góp phần hỗ trợ, thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp khoa học và công nghệ; khuyến khích nhập khẩu công nghệ cao vào những ngành, lĩnh vực ưu tiên và ngăn chặn nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ lạc hậu; xây dựng hệ thống sở hữu trí tuệ phù hợp với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, phát huy tốt vai trò của sở hữu trí tuệ là công cụ thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, góp phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Đồng thời, Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục thực hiện đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành, cắt giảm điều kiện đầu tư, kinh doanh; thực hiện nhiệm vụ đầu mối triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Bộ Khoa học và Công nghệ cũng được giao nhiệm vụ đầu mối theo dõi Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo (GII) của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) và Nhóm chỉ số công nghệ và đổi mới sáng tạo theo đánh giá mức độ sẵn sàng cho sản xuất tương lai của Diễn đàn Kinh thế thế giới (WEF).

Đặc biệt, năm 2019 là năm Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện nhiều giải pháp thúc đẩy sự phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia, tiếp cận với hệ sinh thái khởi nghiệp quốc tế. Ngoài "Ngày hội đổi mới sáng tạo" - Techfest quốc gia, lần đầu tiên Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức các kỳ Techfest quốc tế tại Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Singapore để quảng bá các startup và hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam với thế giới. Đồng thời, Bộ Khoa học và Công nghệ đã triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc để công khai, minh bạch các thông tin truy xuất nguồn gốc của sản phẩm, hàng hóa trên thị trường phục vụ hội nhập quốc tế và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, bảo đảm chất lượng, sự an toàn của sản phẩm, hàng hóa; quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử trong các ngành, lĩnh vực.

Bộ Khoa học và Công nghệ cũng chủ động phối hợp với các Bộ, ngành triển khai nhiệm vụ trọng tâm, phục vụ mục tiêu phát triển của các ngành, lĩnh vực và phát triển kinh tế - xã hội địa phương và có sự đóng góp ngày càng cụ thể như: Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và phóng thành công vệ tinh quan sát trái đất MicroDragon; Tăng cường năng lực dự báo, cảnh báo, phòng tránh thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu; Thực hiện các chương trình khoa học và công nghệ phục vụ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới; hỗ trợ theo chuỗi giá trị cho các sản phẩm quốc gia, chủ lực, sản phẩm trọng điểm của địa phương (OCOP). Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến; Triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cho sản phẩm, hàng hóa; bảo hộ sở hữu trí tuệ; truy xuất nguồn gốc sản phẩm; phòng, chống gian lận thương mại. Các Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia đã hỗ trợ doanh nghiệp trong các lĩnh vực trọng điểm, mũi nhọn, ưu tiên nghiên cứu, làm chủ nhiều công nghệ tiên tiến, thiết kế, chế tạo các sản phẩm có giá trị lớn, tỷ lệ nội địa hóa cao...

Đáng chú ý, những thành tựu khoa học và công nghệ trong lĩnh vực y tế cũng đáng ghi nhận khi lần đầu tiên thực hiện thành công tách một lá gan từ người cho chết não ghép cho hai bệnh nhân, đánh dấu một bước đột phá về kỹ thuật ghép tạng của Việt Nam; nghiên cứu, sản xuất thành công vaccine cúm mùa tam giá dạng mảnh bất hoạt (IVACFLU-S), vaccine cúm đầu tiên do Việt Nam tự sản xuất, có khả năng ngăn ngừa ba chủng virus cúm thông thường gồm A/H1N1/09; A/H3N2 và cúm B.

Bên cạnh đó, hoạt động khoa học và công nghệ ở địa phương được triển khai theo định hướng thúc đẩy phát triển sản phẩm chủ lực của vùng, thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Ngày càng có nhiều doanh nghiệp quan tâm đến việc ứng dụng khoa học và công nghệ, công nghệ cao trong sản xuất, phát triển sản phẩm, hàng hóa theo chuỗi giá trị, giúp nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa.

Chặng đường phía trước vẫn còn nhiệm vụ khá “nặng nề” để khẳng định vai trò và vị trí của ngành trong bước đường phát triển, xin Thứ trưởng cho biết giải pháp trong thời gian tới?

Thứ trưởng Trần Văn Tùng: Có thể nói, ngành khoa học và công nghệ đã có những đóng góp nhất định trong sự phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu, để ngành khoa học và công nghệ khẳng định hơn nữa vai trò và vị trí trong sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung, ngành đã đề ra nhiều giải pháp để khoa học và công nghệ thật sự trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh và bền vững trong thời gian tới.

Năm 2020 và những năm tiếp theo, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tập trung triển khai các Chương trình, đề án trọng tâm cũng như thực hiện đồng bộ các giải pháp về kinh tế, thương mại, đầu tư và cải thiện môi trường kinh doanh để kích cầu công nghệ và nhu cầu đổi mới sáng tạo từ khu vực doanh nghiệp. Tăng cường năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp thông qua việc tiếp tục khuyến khích doanh nghiệp đầu tư lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ, thành lập viện nghiên cứu, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Tăng cường hợp tác công tư trong triển khai các dự án công nghệ quy mô lớn và hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo.

Thời gian tới, Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý để thúc đẩy sự phát triển của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo theo hướng hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn nội dung chi và quản lý Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp nhằm trao quyền tự chủ, tự quyết định sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ cho hoạt động nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ, đổi mới sáng tạo và đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo phục vụ trực tiếp hoạt động sản xuất kinh doanh. Triển khai xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ để trình Quốc hội vào năm 2021.

Bộ Khoa học và Công nghệ cũng sẽ tập trung triển khai các giải pháp nhằm tiếp tục đổi mới tư duy trong công tác quản lý khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Một số giải pháp cụ thể như: Tiếp tục đổi mới hệ thống sáng tạo quốc gia theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm và trường đại học là chủ thể nghiên cứu mạnh. Thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia để phát triển mạnh lực lượng doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo có tiềm năng tăng trưởng nhanh. Thúc đẩy gắn kết, hợp tác giữa các trường đại học, viện nghiên cứu với khu vực công nghiệp và doanh nghiệp để đẩy mạnh thương mại hóa kết quả nghiên cứu trong thực tiễn sản xuất, kinh doanh. Tiếp tục đổi mới hoạt động quản lý khoa học và công nghệ theo hướng dỡ bỏ các rào cản, giải phóng tối đa tiềm năng sáng tạo. Phát triển đội ngũ cán bộ khoa học mạnh, kết hợp đồng thời biện pháp động viên, khuyến khích và đặt yêu cầu trở lại đối với nhà khoa học. Quan tâm thúc đẩy sự phát triển của thị trường khoa học và công nghệ, các hoạt động kết nối cung cầu công nghệ.

Có thể khẳng định một trong những giải pháp quan trọng trong năm 2020 - năm Việt Nam thực hiện vai trò Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021 là đẩy mạnh hợp tác và hội nhập quốc tế, thúc đẩy hợp tác nghiên cứu chung để tranh thủ nguồn lực và tri thức của các quốc gia tiên tiến, đồng thời từng bước nâng tầm năng lực và trình độ nghiên cứu trong nước. Thu hút, khai thác thế mạnh của đội ngũ các nhà khoa học tài năng là người Việt Nam ở nước ngoài.

Bài học lớn nhất các thế hệ đi trước để lại là bài học về giấc mơ lớn trong khoa học, khát vọng phụng sự đất nước bằng khoa học và nỗ lực phi thường để bằng mọi giá biến giấc mơ, khát vọng đó trở thành hiện thực. Đó là giá trị tinh thần quý báu rất cần được kế thừa, tiếp tục nuôi dưỡng và phát huy trong thời đại mới. Vì vậy, Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục đổi mới đưa khoa học và công nghệ phát triển lên một tầm cao mới, đóng góp ngày càng to lớn và thiết thực hơn cho sự nghiệp phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

PV