Phó Tổng giám đốc Vietjet Hồ Ngọc Yến Phương. Ảnh: VGP. |
Vietjet là một trong những hãng hàng không hiếm hoi khi có cả Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc là nữ, những người đã, đang và sẽ thực hiện hàng loạt biện pháp để sẵn sàng cho sự phục hồi sớm nhất. Ngay khi dịch bệnh COVID-19 lan rộng, Tổng Giám đốc Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó Tổng Giám đốc Vietjet Hồ Ngọc Yến Phương cùng các cộng sự đã nhanh chóng triển khai nhiều biện pháp chủ động đối phó, áp dụng các chính sách tối ưu hóa nguồn lực tài chính, nhân lực, các sản phẩm thích nghi với một thị trường mới, ứng dụng công nghệ hiện đại nhất, chuyển đổi số…
Đến nay, những biện pháp tổng thể đã mang lại kết quả khi Vietjet là hãng hàng không vẫn hoạt động ổn định cho đến thời điểm hiện tại. Đặc biệt, Vietjet không thực hiện sa thải nhân viên khi doanh thu giảm sút nghiêm trọng, thậm chí, hãng hàng không này còn đang ghi nhận kết quả kinh doanh có lãi trong 6 tháng đầu năm 2020.
Phó Tổng Giám đốc Vietjet Hồ Ngọc Yến Phương cho biết, ngay từ khi dịch bệnh bùng phát, Vietjet đã kích hoạt Uỷ ban khẩn nguy phòng chống COVID-19 để theo dõi và đưa ra các giải pháp ứng phó trong mọi hoạt động của công ty.
“Uỷ ban đã hoạt động hiệu quả, toàn bộ hành khách và phi hành đoàn đều được an toàn trong khi chúng tôi thực hiện hàng ngàn chuyến bay quốc tế giải toả khách và không ít chuyến bay tới vùng dịch để đưa công dân Việt Nam về nước”, Phó Tổng Giám đốc Vietjet Hồ Ngọc Yến Phương cho biết.
Bên cạnh đó, khi Việt Nam dừng khai thác các chuyến bay thương mại quốc tế, giảm nhiều chặng bay, nhiều chuyến bay thương mại nội địa, Vietjet đã tăng cường các chuyến bay giải cứu công dân, tăng cường các chuyến bay vận chuyển trang thiết bị y tế, hàng hóa thiết yếu. Vietjet cũng là hãng hàng không thực hiện chuyển hướng vận chuyển hàng hóa và là hãng hàng không đầu tiên tại Việt Nam được phê chuẩn triển khai khai thác vận chuyển hàng hóa trên khoang hành khách.
Bà Yến Phương cho biết bên cạnh nỗ lực của doanh nghiệp, hãng hàng không hy vọng sẽ nhận được sự hỗ trợ của Chính phủ cho các hãng hàng không, trong đó có Vietjet, để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho những kế hoạch phát triển trong điều kiện mới.
Bà Supatra Chirathivat, Phó Chủ tịch thường trực Văn phòng Quản lý chính sách về quan hệ doanh nghiệp và trách nhiệm xã hội Central Group thì trao đổivề các biện pháp hỗ trợ, cách thay đổi tư duy, mô hình hoạt động để đối phó với giai đoạn khó khăn chưa từng có với kinh tế Thái Lan nói chung, ngành du lịch, bán lẻ nói riêng. Central Group đã thúc đẩy công nghệ với các mô hình bán hàng đa kênh, các sản phẩm an toàn…
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân nữ Indonesia Dyah Anita Prihapsari nhấn mạnh vai trò ứng dụng công nghệ, nền tảng số để các doanh nghiệp, các doanh nhân nữ Indonesia có thể điều hành công việc ngay trong giai đoạn cách ly xã hội, tiếp tục phát triển doanh nghiệp.
Trong khuôn khổ Hội nghị, các nữ doanh nhân đã cùng thảo luận về kinh nghiệm ứng phó, chia sẻ định hướng phát triển trong thời gian tới, hướng tới chuyển đổi số, ứng dụng những công nghệ mới, với các mô hình hoạt động hiệu quả hơn, tối ưu hóa nguồn lực để không chỉ khôi phục, phát triển mà còn thích ứng với môi trường kinh doanh mới, đảm bảo an toàn trước những thách thức dịch bệnh. Sự thành công ngày càng nổi bật của các nữ doanh nhân nói chung, nữ doanh nhân Việt nói riêng trên thị trường cũng góp phần nâng cao vai trò và thúc đẩy bình đẳng giới, đảm bảo các mục tiêu phát triển bền vững trên toàn cầu.