IDT từng được vinh danh trên thương trường |
Doanh nhân Phạm Thanh Hải bị bắt tạm giữ lần đầu 19/10/2015, với tội danh “Kinh doanh trái phép” mặc dù hợp đồng là ủy thác đầu tư giữa nhà đầu tư (NĐT) với cá nhân Hải, cũng không có đơn kiện nào về việc huy động vốn hay Hải không chia sẻ lợi nhuận như cam kết. Được thả ra 2 ngày, anh lại bị bắt lại với tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” vì một lá đơn mà người viết cũng khẳng định không tố cáo Hải, và Hải ngồi tù cho đến hôm nay đã gần 5 năm.
Công an Hà Nội vẫn mải miết đi tìm bị hại nhưng không thấy. Trong những cuộc làm việc với các nhà đầu tư (NĐT), công an cứ một mực khẳng định Phạm Thanh Hải lừa đảo, cố gợi ý cho các NĐT rằng hãy làm đơn nhờ công an đòi tiền giúp nhưng bị các NĐT từ chối, chỉ có một số ít nghe theo nhưng họ không tố cáo Phạm Thanh Hải lừa đảo, chỉ đơn giản là Hải đã bị bắt nên họ muốn lấy lại tiền đã đầu tư.
Hơn 2000 nhà đầu tư còn làm đơn khẳng định Hải vô tội, đề nghị trả tự do cho anh và cam kết không kiện Hải cả về dân sự lẫn hình sự tại phòng công chứng quận Hai Bà Trưng. Họ không kiện anh vì anh chưa bao giờ làm sai, họ vẫn nhận đủ tiền sinh lời từ các dự án cho đến khi anh bị bắt; Họ không kiện anh vì họ biết anh dùng tất cả tiền đó rót vào các dự án tiềm năng và luôn thực hiện đúng cam kết trong hợp đồng. Không những thế, trong suốt gần 5 năm qua họ kiên trì đi gặp tất cả các cơ quan chức năng kêu oan cho Phạm Thanh Hải, đề nghị thả người và không chịu nhận mình là bị hại.
Đã gần 5 năm họ vẫn gặp nhau vào mỗi thứ hai hàng tuần kiên trì làm đơn kêu oan cho Phạm Thanh Hải gửi đi các nơi. Họ yêu Hải, xót thương Hải bởi họ biết anh là một người có tài, có tâm và có tầm. Trong khốn khó vì tiền đầu tư bị phong tỏa nhưng chính họ lại thường xuyên rủ nhau đến thăm và động viên người mẹ già của Hải. Họ đã khóc, đã phẫn nộ phản đối khi Hải bị Tòa Sơ thẩm tuyên án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, và họ vui mừng nhảy múa khi Hải được Tòa Phúc thẩm tuyên hủy bản án sơ thẩm kết tội anh.
Có thể nói đây là vụ án hiếm có trong lịch sử. Một vụ án thật kỳ lạ: “Bị hại làm đơn kêu oan cho bị cáo”!
Thực tế, Phạm Thanh Hải là một doanh nhân có tài, luôn có tư duy đột phá trong kinh doanh. Anh luôn đi trước thời đại, đưa công nghệ 4.0 áp dụng và triển khai thực hiện thành công nhiều dự án siêu lợi nhuận, tạo ra một môi trường kinh doanh mới và hiệu quả. “Hệ sinh thái thịnh vượng” của anh là một mô hình kinh doanh bài bản đã giúp nhiều tổ chức, cá nhân thành công trong kinh doanh và trở nên giàu có. Anh chỉ mong muốn đem tri thức đã tích lũy được giúp thật nhiều người làm giàu trên chính quê hương mình, tạo điều kiện cho mọi người cùng có cơ hội đóng góp tích cực hơn nữa vào công cuộc chấn hưng, phát triển đất nước, góp phần xây dựng xã hội ổn định, nhân dân no ấm, đất nước mạnh giàu. Học tập qua mạng, bán hàng qua mạng, giao dịch qua mạng… mà ngày nay chúng ta thấy rất hiệu quả đã được Phạm Thanh hải triển khai từ hơn 10 năm trước.
Trong vụ án Phạm Thanh Hải, quan hệ giữa các nhà đầu tư với Phạm Thanh Hải là quan hệ dân sự thông qua hợp đồng góp vốn, hợp đồng ủy thác đầu tư. Phạm Thanh Hải ký hợp đồng kinh tế cá nhân với cá nhân, là quan hệ dân sự tại sao lại bị hình sự hóa? Đây là vụ hình sự hóa quan hệ dân sự rất điển hình.
Những nhà đầu tư vẫn một lòng kiên trì minh oan cho doanh nhân tài năng Phạm Thanh Hải |
Sau hai ngày xét xử phúc thẩm, Tòa án cấp cao tại Hà Nội đã tuyên hủy bản án sơ thẩm vì “vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng”, trả hồ sơ điều tra lại. Trong Bản án phúc thẩm, trang 22, Tòa án Cấp cao tại Hà Nội đã nhận định: "Căn cứ các hợp đồng thì bị cáo Hải huy động vốn với tư cách cá nhân, hợp đồng thể hiện bị cáo được toàn quyền quản lý, sử dụng, quyết định khai thác có lợi nhất số tiền do nhà đầu tư góp và thực tế bị cáo có đầu tư vào nhiều dự án, các dự án đang trên đà phát triển".
Như vậy, căn cứ vào hợp đồng và quá trình thực hiện hợp đồng thì Phạm Thanh Hải không có hành vi gian dối, không chiếm đoạt tài sản của bất cứ ai nên không có ai bị hại. Một vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản không có bị hại thì hiển nhiên không có bị cáo. Vậy lý do gì để bắt và giam giữ Phạm Thanh Hải và ai đã “vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng” như Tòa Phúc thẩm đã chỉ ra?
Qua điều tra, chúng tôi thấy Hải không phải là kẻ lừa đảo, bởi: Thứ nhất, từ 2007 đến ngày bị bắt, 19.10.2015, doanh nhân này chưa bao giờ lỗi hẹn với các nhà đầu tư. Ông luôn lấy chữ tín làm đầu; Thứ hai, gia đình, vợ con, họ hàng đều yên ổn làm ăn ở trong nước, không ăn chơi sa hoa; Thứ ba, ông luôn ấp ủ các ý tưởng kinh doanh bền vững, có lợi cho sự nghiệp chung, kể cả những ngành nghề sinh lãi chậm như nông nghiệp, giáo dục.
Thực ra, ngành nghề nào cũng có bí quyết, nếu tất cả mọi ý tưởng đều công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng thì thế giới không tồn tại cơ quan tình báo kinh tế. Phạm Thanh Hải là một doanh nhân giỏi hơn người bởi anh biết tìm cho mình hướng đi riêng đúc kết từ tri thức tích lũy trong những năm du học ở nước ngoài cộng với kinh nghiệm và sức sáng tạo không ngừng để luôn chủ động, biết dùng vốn đúng lúc, đầu tư đúng chỗ, luôn kiểm soát dòng vốn và tiến trình hoạt động của mình.
“Lấy đâu ra lãi “khủng” để trả cho nhà đầu tư” là cách nghĩ của những người kinh doanh theo lối mòn xưa cũ. Cơ quan điều tra nên tiếp xúc với các nhà đầu tư, lắng nghe ý kiến của họ, không nên cứ suy đoán theo hướng có tội và hình sự hóa quan hệ dân sự.
Làm sao có thể nói, có thể nghĩ, nếu tôi không bắt anh, tương lai anh sẽ phạm tội?!
Đỗ Hằng