GIÁO DỤC

Quy mô thương mại điện tử có thể đạt 12 tỷ USD trong năm nay

23/10/2020 08:10

Nếu dịch bệnh được kiểm soát như hiện nay, Bộ Công Thương dự báo thị trường thương mại điện tử có thể tăng trưởng 20% trong quý IV, đạt quy mô 12 tỷ USD.

Thống kê từ Bộ Công Thương cho thấy tốc độ tăng trưởng về doanh thu ngành thương mại điện tử trong nửa đầu năm nay giảm khoảng 6% so với cùng kỳ năm 2019, dù số lượng giao dịch tăng 25%.

Tuy vậy, nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt như hiện nay, Bộ cho rằng quy mô thị trường đến cuối năm có thể đạt 12 tỷ USD, khi tốc độ tăng trưởng trong quý IV đạt 20%.

Ở kịch bản xấu hơn, khi dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến sản xuất, tiêu dùng trong nước, khả năng tốc độ tăng trưởng chỉ đạt 13%, dẫn đến quy mô thị trường có thể nhỏ hơn, khoảng 11 tỷ USD.

Quy mo thuong mai dien tu co the dat 12 ty USD trong nam nay anh 1

Thương mại điện tử được dự báo đạt mốc 12 tỷ USD trong năm nay. Ảnh: Phan Nhật.

Nhưng nhìn chung, Việt Nam vẫn là một trong những thị trường thương mại điện tử phát triển năng động nhất trong khu vực và có tốc độ tăng trưởng thuộc top 3 Đông Nam Á.

Chính phủ cũng đặt mục tiêu đến năm 2025, 55% dân số tham gia mua sắm trực tuyến với giá trị hàng hóa, dịch vụ đạt trung bình 600 USD/người/năm. Từ đó, doanh số thương mại điện tử B2C tăng 25%/năm, đạt 35 tỷ USD, chiếm 10% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Đồng thời, khoảng cách phát triển thương mại điện tử giữa Hà Nội, TP.HCM với các địa phương khác cũng được kỳ vọng thu hẹp lại.

Để làm được điều này, bên cạnh việc hoàn thiện cơ chế, chính sách và đẩy mạnh chuyển đổi số, Bộ Công Thương cũng chú trọng nâng cao năng lực quản lý và tổ chức hoạt động thương mại điện tử, cũng như xây dựng thị trường và nâng cao lòng tin của người tiêu dùng.

Năm 2019, cơ quan chức năng kiểm tra hơn 2.400 vụ việc, xử lý trên 2.200 vụ việc vi phạm về thương mại điện tử và các hành vi lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, nhập lậu, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, xử phạt trên 16,9 tỷ đồng, trị giá hàng hóa vi phạm trên 40 tỷ đồng.

Riêng trong 9 tháng đầu năm nay, một số vụ việc nổi bật là kiểm tra, xử lý hệ thống Ansan Cosmetics, website Kagawa.vn và Minhchay.com.

Bên cạnh đó, từ đầu năm đến nay, Bộ Công Thương cũng yêu cầu các sàn thương mại điện tử rà soát, gỡ bỏ gần 223.600 gian hàng và hơn 1 triệu sản phẩm, qua đó xử lý trên 30.000 gian hàng với gần 48.000 sản phẩm vi phạm.