Nhà ở giá phải chăng đang trở thành "gót chân Achilles" ở các thành phố lớn trên toàn thế giới. "Nhưng không nơi nào tình hình tồi tệ hơn Hong Kong", TS. Anson Au tại Đại học Toronto viết trên South China Morning Post.
"Mức thu nhập không theo kịp giá nhà ở và chi phí sinh hoạt tăng cao càng làm trầm trọng tình trạng bất bình đẳng tại Hong Kong. Hơn bao giờ hết, việc giải quyết khủng hoảng nhà ở là yếu tố then chốt cho sự ổn định của thành phố", ông nhấn mạnh.
Trong một bài báo đăng trên tạp chí nghiên cứu Asian Affairs, cựu sĩ quan Cảnh sát Hoàng gia Martin Purbrick cho rằng một trong những nguyên nhân chính dẫn đến các cuộc biểu tình hồi năm ngoái tại Hong Kong là chi phí và khả năng tiếp cận nhà ở.
Trong bài phát biểu hồi năm ngoái, Đặc khu trưởng Hong Kong Carrie Lam Cheng công bố các sáng kiến nhằm tăng nguồn cung nhà ở. Bà nhấn mạnh rằng "chỗ ở đầy đủ cũng là nền tảng cho sự hài hòa và ổn định xã hội".
Đại dịch Covid-19 càng khiến vấn đề nhà ở tại Hong Kong trở nên trầm trọng. Ảnh: Getty. |
"Gót chân Achilles"
"Chúng ta đang cạn kiệt thời gian. Tình hình nhà ở của Hong Kong đã đạt tới điểm nóng", ông Anson Au nhận xét. Theo chỉ số bong bóng bất động sản toàn cầu được ngân hàng Thụy Sĩ UBS công bố tuần trước, rủi ro bong bóng bất động sản của Hong Kong cao hơn Tokyo, Los Angeles, San Francisco và gấp ba lần New York.
Theo ước tính của tập đoàn CBRE, giá thuê nhà ở Hong Kong thấp hơn 7% so với New York. Tuy nhiên, thu nhập trung bình của người lao động Hong Kong chỉ bằng 35% cư dân New York.
Để giải quyết cuộc khủng hoảng nhà ở tại Hong Kong, trước tiên phải hiểu về nguồn gốc của nó. Nguyên nhân không bắt nguồn từ nguồn cung đất mà là vấn đề tư nhân hóa.
Thứ nhất, nguồn cung nhà ở không liên kết trực tiếp với nguồn cung đất. Trước khi đất được chuyển thành nhà ở, nó đi vào quỹ đất của các công ty phát triển bất động sản tư nhân. Khoảng cách giữa nguồn cung đất và nguồn cung nhà ở nắm vai trò then chốt.
Như vậy, nguồn cung đất không phải nút thắt cổ chai trong việc tạo ra nguồn cung nhà ở. Thay vào đó, những quyết định xây dựng của các tập đoàn bất động sản Hong Kong không được thúc đẩy bởi nhu cầu, mà là lợi nhuận.
Thu nhập của người Hong Kong không theo kịp giá nhà ở và chi phí sinh hoạt tăng cao. Ảnh: Getty. |
Nghiên cứu về thị trường nhà ở Hong Kong cho thấy các chủ đầu tư có xu hướng hạn chế số lượng căn hộ và thời gian xây dựng để tận dụng mùa mua cao điểm, cũng như khi nền kinh tế tăng trưởng tốt.
Thêm vào đó, các chính sách nhà ở đo lường mật độ dân cư bằng cách sử dụng tỷ lệ lô đất (tổng sàn xây dựng trên diện tích lô đất) nghiêm ngặt. Điều này hạn chế tổng diện tích sàn xây dựng, dẫn đến nguồn cung nhà ở càng hạn chế.
Thứ hai, thị trường nhà ở Hong Kong về cơ bản đã trở thành độc quyền. Theo nghiên cứu được công bố hồi năm ngoái trên Tạp chí Kinh tế và Chính trị, thị phần nhà ở dân cư của các tập đoàn bất động sản vì lợi nhuận ở Hong Kong đã tăng từ 50% năm 1995 lên 90% vào năm 2017.
Tư nhân hóa
Vấn đề càng trở nên trầm trọng sau tuyên bố của bà Lam về việc "không can thiệp vào khu vực tư nhân". Trong vụ sập tòa nhà hồi năm 2010 khiến 4 người thiệt mạng, bà Lam - khi đó quản lý các vấn đề phát triển của Hong Kong - tuyên bố "trách nhiệm duy trì các tòa nhà thuộc về chủ sở hữu".
Sự phụ thuộc vào khu vực tư nhân cũng là lý do khiến kế hoạch chia sẻ đất đai gần đây của chính quyền thành phố không hiệu quả. Kế hoạch này đề xuất khai thác nguồn dự trữ của các nhà phát triển tư nhân.
Thứ ba, mặc dù chính quyền Hong Kong thu hơn 20% doanh thu hàng năm từ phí bảo hiểm đất đai và thuế bất động sản, họ chỉ phân bổ 5% chi tiêu công cho nhà ở.
Theo ông Au, thay vì những nỗ lực từng phần như giới hạn tiền thuê hoặc cung cấp thêm đất cho các nhà phát triển, chính quyền thành phố cần mạnh tay giải quyết vấn đề tư nhân hóa và kiểm soát trực tiếp thị trường.
Tổng giá thuê nhà tại Hong Kong đã giảm trong năm qua, nhưng cuộc sống của người nghèo vẫn không được cải thiện. Vào tháng 8, giá thuê trung bình cho một chỗ ngủ có diện tích 1,67 m2 đã tăng 15% so với một năm trước đó, theo Tổ chức Cộng đồng Xã hội.
Việc mất thu nhập khiến nhiều người không thể trả tiền thuê cho các căn nhà "quan tài". Ảnh: Getty. |
Một cuộc khảo sát chỉ ra gần 50% trong số 439 người được hỏi sống trong những ngôi nhà chia nhỏ, nhà lồng cho biết chủ nhà đã tăng tiền thuê nhà trong 3 năm qua.
Số lượng người ngủ ngoài đường đã tăng lên 1.423 người từ tháng 4/2019 đến tháng 3/2020, so với 1.297 người một năm trước đó. Con số này cũng chỉ phản ánh số người được các tổ chức phi chính phủ tiếp cận mà chưa tính hết những người không có nhà ở Hong Kong.
"Chính quyền Hong Kong cần một cách tiếp cận nhanh chóng, dứt khoát và mạnh mẽ để đảo ngược quá trình tư nhân hóa đã vượt quá ranh giới của nó", TS. Anson Au tại Đại học Toronto nhấn mạnh. "Nếu không, thành phố sẽ phải trả bằng chi phí về con người, xã hội và chính trị do tình trạng bất bình đẳng và bất ổn công cộng", ông nói thêm.