GLP sẽ phát triển ba cơ sở với SEA Logistic Partners tại Việt Nam (SLP). Theo GLP, liên doanh này có kế hoạch phát triển tổng cộng 335.000m2 đất tại các tỉnh giáp Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh để phát triển 3 dự án bất động sản hậu cần hiện đại với tổng diện tích sàn sử dụng là 210.000m2 sau khi hoàn thành. Hai trong số này là SLP Park Bắc Giang và SLP Park Bắc Ninh, hai vị trí chiến lược tại miền Bắc Việt Nam.
Dự án thứ ba là SLP Park Long Hậu, nằm tại Khu Công Nghiệp Long Hậu, tỉnh Long An - một vị trí chiến lược tiếp giáp Thành phố Hồ Chí Minh, đóng vai trò cầu nối giữa Thành phố Hồ Chí Minh và 12 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.
Các dự án này sẽ là cơ sở hạ tầng đầu tiên của GLP ở Đông Nam Á. Thời gian vừa qua, Việt Nam trở nên hấp dẫn đối với các nhà đầu tư ngoại nhờ khả năng kiểm soát sự lây lan của dịch COVID-19, qua đó giữ cho nền kinh tế hầu như luôn mở cửa trong năm nay. Điều này chính là yếu tố then chốt giúp Việt Nam thu hút các nhà đầu tư vốn đang có kế hoạch rời khỏi Trung Quốc khi họ cố gắng tránh tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.
"Việt Nam đang được hưởng lợi từ việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu và sản xuất. Điều này sẽ thúc đẩy nhu cầu về cơ sở hạ tầng hậu cần để hỗ trợ hoạt động của các công ty trong nước và toàn cầu", Chih Cheung, một đối tác tại SLP cho biết.
Trong vài năm qua, GLP đã củng cố dấu ấn toàn cầu của mình lên 64 triệu m2 bằng cách mua tài sản, danh mục đầu tư, doanh nghiệp và hình thành quan hệ đối tác, và hiện đang hoạt động tại nhiều nơi như Brazil, Trung Quốc, châu Âu, Ấn Độ, Nhật Bản, Mỹ và sắp tới là Việt Nam.
Được biết, nhiều khách hàng của GLP cũng đang có kế hoạch tiếp cận thị trường Việt Nam. Jusda, công ty từng là một chi nhánh hậu cần của Foxconn, cho biết họ có kế hoạch thuê một nửa cơ sở hạ tầng tại SLP Park Bắc Giang.
Thành công của Việt Nam trong việc ngăn chặn đại dịch COVID-19 đã cho phép các nhà máy tiếp tục hoạt động cho các công ty như Intel. Nhà sản xuất chip lớn nhất của Mỹ cho biết dịch bệnh này chưa bao giờ khiến họ phải tạm dừng dây chuyền lắp ráp tại Việt Nam.
Mary Tarnowka, giám đốc điều hành Phòng Thương mại Mỹ tại Thành phố Hồ Chí Minh, từng phát biểu tại một diễn đàn rằng: "Nhiều thành viên của chúng tôi chia sẻ rằng, chỉ có ở Việt Nam, họ mới có thể duy trì hoạt động của mình".
Theo Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam, thị trường trực tuyến tại đây đang vô cùng phát triển và được dự báo sẽ tăng trưởng hơn 30% trong năm nay, qua đó vượt mức giá trị 15 tỷ USD.
Ming Mei, Người đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của GLP, cho biết: "Khi GLP gia nhập thị trường mới, sự tăng trưởng và khả năng mở rộng là hai yếu tố chính mà chúng tôi cân nhắc. Chúng tôi nhận thấy nhiều điểm tương đồng giữa Việt Nam và các doanh nghiệp hậu cần khác của chúng tôi tại Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản và chúng tôi tin rằng có thể tận dụng kiến thức và kinh nghiệm của mình từ những thị trường đó để tạo lập công cuộc kinh doanh bền vững của mình tại Việt Nam".
Theo tìm hiểu, SLP (SEA Logistic Partners) là một nền tảng phát triển và vận hành các cơ sở công nghiệp và hậu cần được hỗ trợ bởi GLP, nhà cung cấp hàng đầu thế giới về các cơ sở hậu cần hiện đại và giải pháp quản lý công nghệ.
Trong khi đó, GLP là nhà quản lý đầu tư toàn cầu hàng đầu và là đơn vị phát triển kinh doanh trong lĩnh vực hậu cần, bất động sản, cơ sở hạ tầng, tài chính và các công nghệ liên quan. Công ty đã có mặt và hoạt động tại 16 quốc gia và đang quản lý khối tài sản trị giá 89 tỷ USD trong các quỹ bất động sản và vốn cổ phần tư nhân.