Vào tối 15/9, trên tài khoản cá nhân nghệ sĩ Lê Dương Bảo Lâm đăng tải bài viết phản ảnh việc một kênh YouTube lợi dụng hình ảnh và tên tuổi của anh, tung tin giả với mục đích tăng tương tác và view (lượng người xem).
Theo đó, kênh YouTube Trùm Sò **** đăng tải đoạn video với tiêu đề: "Hari Won cùng sao Việt đồng loạt chia buồn cùng gia đình Lê Dương Bảo Lâm". Ảnh bìa của video trên là cảnh Trấn Thành và Hari Won ôm nhau khóc cùng ảnh chụp tại một bệnh viện.
Hàng loạt video thông báo "tin dữ" của nghệ sĩ Việt vẫn được YouTube bật kiếm tiền. |
“Trong group fan rần rần tưởng em chết rồi… Đang hạnh phúc đọc xong tụt mood (cảm xúc - PV) ghê”, Lê Dương Bảo Lâm viết trên trang cá nhân.
Hiện video trên đã bị chủ kênh xóa bỏ sau khi đạt gần 500.000 lượt xem.
Đáng chú ý, kênh Trùm Sò *** được thành lập từ năm 2019, đã đăng tải gần 1.000 video và đạt hơn 36 triệu lượt xem. Nội dung chủ yếu của kênh này là đọc lại các bản tin không xác thực về những nghệ sĩ trong nước. Đa phần video đều sử dụng tiêu đề và ảnh bìa gây sốc.
Video có lượt xem cao nhất của kênh này có tiêu đề “Sao Việt lo lắng trước tình hình sức khỏe của Trương Minh Quốc Thái sau khi bị tủ rơi trúng đầu”, Ảnh bìa của video này là cảnh nghệ sĩ Hoài Linh khóc và ảnh chụp một giường bệnh.
Không chỉ Trương Minh Quốc Thái, các nghệ sĩ khác từ Trấn Thành, Hari Won, Nhật Kim Anh, Đàm Vĩnh Hưng… đều được kênh này gán vào hình ảnh khóc thương, quan tài, bệnh viện, chết chóc nhằm thu hút lượt xem.
"Video tin tức tại Việt Nam rất dễ làm nên được nhiều người tham gia. Công thức chính đem lại lượt xem cho dạng video này là ảnh bìa và tiêu đề thật giật gân. Bên trong nội dung là gì không quan trọng", Quan Dũng, YouTuber với 6 năm kinh nghiệm làm nội dung cho biết.
Tin giả trên YouTube gây ảnh hưởng lớn đến hình ảnh của nghệ sĩ tại Việt Nam. |
Dù là một kênh chuyên đăng video với tiêu đề và ảnh bìa giật gân, Trum Sò **** vẫn được YouTube bật kiếm tiền từ quảng cáo. Với cách tính 8 triệu đồng cho 1 triệu lượt xem, kênh này đã thu về gần 300 triệu đồng từ việc làm tin giả.
Đây không phải lần đầu những nội dung tin tức giả như vậy xuất hiện trên YouTube, nhắm vào giới nghệ sĩ Việt. Tháng 8, một kênh YouTube cũng đăng tải thông tin nghệ sĩ Hồng Vân qua đời với lý do đột quỵ.
"Dù phần cuối video đã đính chính thông tin trên là giả nhưng cách họ đặt tiêu đề là sai sự thật, cốt để thu hút sự chú ý. Việc đem tính mạng của người khác ra để câu lượt xem như vậy thật trái đạo đức", ông Ngô Văn Đạt, đại diện NSND Hồng Vân trao đổi với Zing.
Đại diện của NSND Hồng Vân cũng cho rằng tình trạng giới nghệ sĩ Việt Nam bị sử dụng hình ảnh, thông tin để giật tít, bôi nhọ và viết bài sai sự thật vốn không phải là hiếm.
"Bây giờ tin giả về nghệ sĩ trên mạng xã hội rất khó kiểm soát nhưng lại gây ảnh hưởng lớn đến tên tuổi nghệ sĩ. Chỉ cần một bình luận, tiêu đề ác ý câu view đã đủ đẩy nghệ sĩ vào một mớ rắc rối rồi. Không phải nghệ sĩ nào cũng đủ sức đi thưa kiện từng người", ông Đạt nói thêm.