GIÁO DỤC

Doanh nghiệp mắc kẹt với 'đất vàng' BT

11/11/2020 10:29

Văn Phú - Bắc Ái đã ký thỏa thuận chuyển nhượng khu đất 10.000 m2 trong hợp đồng BT ký với TP.HCM cho đối tác, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được văn bản chuyển giao từ TP.

Dự án Phạm Văn Đồng - Gò Dưa (quận Thủ Đức) dài 2,75 km với tổng giá trị hơn 2.765 tỷ đồng được thực hiện theo hình thức BT (Xây dựng - Chuyển giao) giữa UBND TP.HCM và liên danh Công ty CP Văn Phú - Bắc Ái, Công ty CP Tư vấn Đầu tư Xây dựng Bắc Ái và Công ty CP Đầu tư HNS Việt Nam. Theo đó, khi hoàn thành dự án, chủ đầu tư sẽ được UBND TP.HCM thanh toán bằng 6 khu đất.

Các khu đất thanh toán cho Văn Phú - Bắc Ái theo hợp đồng BT bao gồm khu đất 234 Lý Tự Trọng (quận 1), 129 Đinh Tiên Hoàng (Bình Thạnh), 582 Kinh Dương Vương (Bình Tân), 132 Đào Duy Từ (quận 10), 12 Kỳ Đồng (quận 3) và 42 Trương Định (quận 3).

Chuyển nhượng đất dù chưa được giao?

Tháng 3/2017, Công ty CP Văn Phú - Bắc Ái đã ký hợp đồng nguyên tắc chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại khu đất số 132 Đào Duy Từ, phường 6, quận 10 cho Công ty TNHH Joming - thành lập vào tháng 9/2016 - với người đại diện là Vòng Pảy Pắn.

Theo hợp đồng, khu đất có chức năng xây dựng là hỗn hợp nhà ở cao tầng, văn phòng, trung tâm thương mại với quy mô 25 tầng. Giá trị chuyển nhượng khu đất là 370 tỷ đồng, tương đương khoảng 35 triệu đồng/m2. Khi ký hợp đồng, phía công ty Joming đã thanh toán trước 20% giá trị khu đất, tương đương 70 tỷ đồng.

Hợp đồng BT giữa UBND TP.HCM và liên doanh Văn Phú - Bắc Ái được ký vào tháng 11/2016 và đến cuối 2017 khởi công dự án. Đến nay, UBND TP.HCM vẫn chưa có văn bản chính thức về việc giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng về khu đất 132 Đào Duy Từ cho phía chủ đầu tư.

Van Phu Bac Ai chuyen nhuong lo dat 132 Dao Duy Tu anh 1

Lô đất 132 Đào Duy Từ, quận 10 đang được sử dụng làm bãi gửi xe. Ảnh: Chí Hùng.

Trao đổi với Zing, đại diện phía Công ty CP Văn Phú - Bắc Ái cho biết văn bản hợp đồng nguyên tắc về việc chuyển nhượng lô đất 132 Đào Duy Từ được ký vào tháng 3/2017 là thỏa thuận nguyên tắc và được thực hiện đúng theo quy định.

Trong đó, các bên thống nhất Văn Phú - Bắc Ái sẽ chuyển nhượng dự án sau khi đáp ứng đủ các điều kiện chuyển nhượng và được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chấp thuận.

Đại diện công ty cho biết, giữa Văn Phú - Bắc Ái và Công ty Joming chưa thực hiện bất cứ thủ tục nào và sẽ chỉ ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thực hiện các thủ thục mua bán, chuyển nhượng sau khi dự án đã đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, giá chuyển nhượng khu đất 370 tỷ đồng là giá dự kiến tại thời điểm ký hợp đồng nguyên tắc. Giá chuyển nhượng chính thức sẽ được thống nhất trong hợp đồng chuyển nhượng. Chính vì vậy, đại diện doanh nghiệp này khẳng định "không có chuyện Văn Phú - Bắc Ái xẻ thịt, bán đất công".

Đã thi công 44% nhưng dự án còn vướng mắc

Theo phía chủ đầu tư, công tác thi công giá trị sản lượng dự án đầu tư xây dựng đoạn tuyến kết nối từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa đã đạt khoảng 448 tỷ đồng, tương đương gần 44% tổng sản lượng dự án. Công tác đền bù và giải phóng mặt bằng hiện đã hoàn thành đến 91,45%. Tuy nhiên, dự án vẫn còn rất nhiều vướng mắc.

Văn Phú - Bắc Ái cho biết đã tạm ứng kinh phí đền bù, giải phóng mặt bằng và chi phí thi công tuyến đường hơn 2 năm qua đến nay đã đạt gần 1.400 tỷ đồng. Tuy nhiên, do một số vướng mắc về chính sách nên UBND TP.HCM chưa giải ngân cho chủ đầu tư theo thỏa thuận hợp đồng BT.

Dự án Phạm Văn Đồng - Gò Dưa đang bị dừng do chậm tiến độ giải phóng mặt bằng vì nhiều hộ dân chưa đồng ý chính sách bồi thường, chưa nhận tiền và bàn giao mặt bằng. Nhiều trường hợp đền bù phức tạp cần phải có ý kiến của các cơ quan cấp trên nên thời gian triển khai bị kéo dài hơn dự kiến.

Cũng theo đại diện Công ty Văn Phú - Bắc Ái, doanh nghiệp đã kiến nghị các sở ngành và UBND thành phố hướng dẫn giải quyết dứt điểm những khó khăn, nếu không sẽ ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành dự án.

Van Phu Bac Ai chuyen nhuong lo dat 132 Dao Duy Tu anh 2

Văn phòng của Công ty CP Văn Phú - Bắc Ái tại số 129 Đinh Tiên Hoàng (quận Bình Thạnh). Ảnh: Chí Hùng.

Trước đó, Kiểm toán Nhà nước đã có thông báo số 722/TB-KTNN về việc thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức BT trên địa bàn TPHCM.

Theo đó, dự án Phạm Văn Đồng - Gò Dưa lập dự toán bóc tách khối lượng, áp dụng đơn giá chưa chính xác hơn 10,5 tỷ đồng. Qua kiểm toán, điều chỉnh giảm lãi vay tương ứng phần vốn thực hiện dự án gần 12 tỷ đồng và phần vốn giải phóng mặt bằng gần 32,7 tỷ đồng.

Kiểm toán Nhà nước yêu cầu Công ty CP Văn Phú - Bắc Ái điều chỉnh giảm chi phí đầu tư thực hiện và chi phí lãi vay số tiền hơn 46,5 tỷ đồng. Giảm giá trị hợp đồng còn lại các gói thầu hơn 38,7 tỷ đồng. Giảm thuế GTGT đầu vào được khấu trừ số tiền hơn 33,8 tỷ đồng, yêu cầu doanh nghiệp phối hợp với cơ quan Nhà nước điều chỉnh cơ cấu tổng mức đầu tư và thời gian thực hiện dự án.

Công ty Văn Phú - Bắc Ái cho biết tính đến tháng 3/2020, doanh nghiệp đã hoàn thành việc điều chỉnh tất cả nội dung liên quan theo kết luận và kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước. Sau khi có kết luận kiểm toán, dự án vẫn được triển khai bình thường.

Bạn đang đọc bài viết "Doanh nghiệp mắc kẹt với 'đất vàng' BT" tại chuyên mục Bất động sản.