GIÁO DỤC

Chủ tịch Quốc hội dự Đại hội Thi đua yêu nước ngành tư pháp

07/11/2020 19:20

(Chinhphu.vn) - Sáng 1/11, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức Đại hội Thi đua yêu nước ngành tư pháp lần thứ V. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tới dự.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu một số nội dung trọng tâm mà ngành Tư pháp cần triển khai trong thời gian tới. Ảnh: VGP/Lê Sơn

Tới dự Đại hội thi đua yêu nước ngành tư pháp lần thứ V còn có: Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc; Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu; Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, lãnh đạo và nguyên lãnh đạo các Ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương.

Với chủ đề “Toàn ngành Tư pháp đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, tích cực thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao”, Đại hội tiến hành đánh giá kết quả thực hiện các phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2015-2020; tuyên dương thành tích của tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến; xác định phương hướng tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước của ngành tư pháp trong giai đoạn 2021-2025 theo tinh thần Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 07/4/2014 của Bộ Chính trị.

Phát biểu tại Đại hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh ngành tư pháp đã tích cực tham mưu giúp Đảng, Quốc hội, Chính phủ trong việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhất là trong việc triển khai thực hiện và tổng kết Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020; Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020; kịp thời nhận diện, đề xuất giải pháp ứng phó với những vấn đề mới phát sinh trong quá trình hội nhập quốc tế, tác động của cách mạng Công nghiệp lần thứ 4. Đặc biệt, cùng với việc nâng cao chất lượng, tính dự báo của các chương trình lập pháp, lập quy theo các nhiệm kỳ của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tư pháp đã tham mưu, đề xuất được những định hướng chính sách lớn, then chốt trong xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật, cải cách hành chính, cải cách tư pháp.

Trong nhiệm kỳ này, Bộ Tư pháp đã phối hợp với các bộ, ngành tham mưu giúp Chính phủ trình Quốc hội ban hành 65 luật, trong đó có những đạo luật quan trọng liên quan trực tiếp tới quyền con người, quyền công dân, điều chỉnh các quan hệ dân sự, kinh tế, trong đó chú trọng thiết lập môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch, thông thoáng hơn; cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp; thủ tục hành chính được cải thiện. Tôi cũng đánh giá cao thời gian qua Bộ Tư pháp đã rất nỗ lực, chủ động phối hợp với các bộ, ngành hữu quan tham mưu giúp Chính phủ báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tình hình rà soát văn bản quy phạm pháp luật, kịp thời kiến nghị, xử lý các quy định mâu thuẫn, chồng chéo, gỡ bỏ các quy định về thủ tục hành chính gây khó khăn, cản trở, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.

Chủ tịch Quốc hội cho biết hiện nay, nước ta đã hình thành hệ thống pháp luật cơ bản đầy đủ, thống nhất, minh bạch, thể chế hóa kịp thời các chủ trương của Đảng về cải cách pháp luật, cải cách tư pháp; bảo đảm sự vận hành thông suốt của bộ máy nhà nước theo nguyên tắc pháp quyền xã hội chủ nghĩa; tạo hành lang pháp lý vững chắc để phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đẩy mạnh hội nhập quốc tế, góp phần quan trọng trong tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Vị thế và uy tín của đất nước trên trường quốc tế ngày càng được khẳng định, đánh giá cao.

Bên cạnh đó, chất lượng công tác thẩm định dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật  ngày càng được nâng  cao; công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm. Nhiều quy định, văn bản trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo đã được xử lý, nhận được sử đồng tình, ủng hộ của xã hội, người dân.

Công tác thi hành án dân sự có nhiều chuyển biến tích cực; góp phần thiết thực bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức và cá nhân…

Theo Chủ tịch Quốc hội, đạt được những kết quả nêu trên có phần đóng góp quan trọng của các phong trào thi đua yêu nước do ngành tư pháp phát động, tổ chức thực hiện hiệu quả với nhiều đổi mới, sáng tạo, bám sát nhiệm vụ chính trị được giao có sức lan tỏa sâu rộng.

Các phong trào thi đua đã khơi dậy lòng tự hào, đề cao tinh thần trách nhiệm, tính chủ động, sáng tạo và trí tuệ, cố gắng khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị chuyên môn, đạt nhiều thành tích, đóng góp thiết thực vào thành tựu chung của đất nước.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị thời gian tới, ngành Tư pháp cần lưu ý một số nội dung để tập trung chỉ đạo trong thời gian tới.

Thứ nhất, tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng. Từng cơ quan, đơn vị trong ngành cần chủ động, sáng tạo hơn nữa trong tổ chức, đổi mới nội dung các phong trào thi đua gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao. Trọng tâm là tham mưu cho Đảng, Quốc hội, Chính phủ trong xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế trong bối cảnh hiện nay.

Ngành tư pháp cần tích cực, chủ động tham mưu cho Ban Cán sự Đảng Chính phủ trình Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII xem xét, ban hành Nghị quyết về Chiến lược xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam với 2 nội dung rất quan trọng về cải cách tư pháp và Chiến lược pháp luật Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhằm thể chế hóa Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, triển khai hiệu quả, thiết thực các Kết luận số 83, Kết luận số 84 của Bộ Chính trị.

Thứ hai, Bộ Tư pháp phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, các cơ quan của Quốc hội nâng cao hơn nữa chất lượng và tính dự báo của các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng như việc hoạch định chiến lược, quy hoạch phát triển ngành, nghề Tư pháp; tiếp tục thể chế hoá các nghị quyết của Đảng, nhất là Văn kiện Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng sắp tới; tham mưu xây dựng, ban hành các dự án luật trực tiếp triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, trong đó ưu tiên hoàn thiện pháp luật về Nhà nước pháp quyền XHCN, thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, pháp luật về bảo đảm quyền con người, phát huy quyền làm chủ của nhân dân; kịp thời phát hiện, đề xuất giải pháp xử lý các quy định mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập hoặc không phù hợp với thực tiễn, gây khó khăn, kìm hãm sự phát triển.

Thứ ba, tham mưu, đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật, bảo đảm gắn kết chặt chẽ công tác theo dõi thi hành pháp luật với công tác xây dựng, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật; bảo đảm tính thượng tôn, nghiêm minh của pháp luật, để pháp luật thực sự trở thành chuẩn mực ứng xử trong các cơ quan nhà nước, xã hội và người dân.

Thứ tư, tiếp tục hoàn thiện tổ chức, thể chế quản lý các lĩnh vực và hoạt động của ngành tư pháp theo đúng lộ trình, định hướng. Nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong các lĩnh vực hành chính tư pháp, thi hành án dân sự, thi hành án hành chính; đẩy mạnh xã hội hóa việc cung cấp các dịch vụ công trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý, bảo đảm sự gắn kết giữa quản lý nhà nước với tự quản của các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đưa các lĩnh vực công tác này thực sự đến với cuộc sống, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho ngành tư pháp. Ảnh: VGP/Lê Sơn

Thứ năm, tăng cường hơn nữa vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền các cấp đối với công tác thi đua, gắn công tác khen thưởng với kết quả thực hiện nhiệm vụ, đảm bảo công minh đúng người, đúng việc; quan tâm phát hiện và nhân rộng gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến, tạo sự phát triển bền vững, sức lan tỏa, động lực trong toàn ngành tư pháp. Muốn như vậy, chúng ta cần tăng cường hơn nữa công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ tư pháp chuyên nghiệp, liêm chính, trong sạch, vững mạnh; chú trọng kiện toàn hệ thống tổ chức, đảm bảo cơ sở vật chất, điều kiện làm việc để nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy các cơ quan trong ngành tư pháp, đặc biệt là cấp cơ sở để kỳ Đại hội thi đua yêu nước lần tới sẽ có nhiều hơn các điển hình tiên tiến, nhiều tấm gương sáng trên tất cả các lĩnh vực, cương vị công tác.

Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho ngành tư pháp.

Lê Sơn