Chiến lược kiến tạo đô thị thông minh và đáng sống
Từ thành công của Khu đô thị Ecopark và Phú Mỹ Hưng tại Việt Nam và nhiều mô hình trên thế giới, ông Nguyễn Đỗ Dũng, Tổng Giám đốc enCity cho rằng có 9 chiến lược để tạo nên sự thành công của đô thị thông minh và đáng sống.
Theo đó, ông Nguyễn Đỗ Dũng đưa ra 9 chiến lược kiến tạo đô thị sống tốt đó gồm: Địa điểm chiến lược, kết nối vùng, phân khu và phân kỳ, đa dạng sản phẩm, tạo hệ sinh thái dịch vụ và việc làm, tập trung tiện ích, môi trường than thiện, vận hành bền vững và gắn kết cộng đồng.
Cụ thể hơn, địa điểm chiến lược là vị trí có đầy đủ các kết nối giao thông với các đô thị lân cận và đô thị vùng, đơn cử như khu công nghiệp Suzhou (Trung Quốc) với diện tích 28,8ha, dân số 1 triệu người, từ một vùng xa xôi của nội thành nhưng đây lại là đô thị nằm ở một vị trí chiến lược, kết nối ra các đường hàng hải, đường giao thông, hướng phát triển tiến ra biển.
Về liên kết vùng, thành phố Almere của Hà Lan là một ví dụ điển hình với kết nối với các sân bay và thành phố trung tâm rất thuận tiện. Tương tự, khu công nghệ Dubai silicon cũng kết nối để người dân có thể di chuyển thuận tiện từ nơi làm việc đến nơi sinh sống.
Về phân khu phân kỳ, quá trình này rất quan trọng, mục tiêu là tối ưu hiệu quả đầu tư trong tạo dựng hình ảnh dự án và kiến tạo cộng đồng; quy mô phù hợp với khả năng tiêu thụ của thị trường; quy mô đủ lớn để cung cấp tiện ích cộng đồng.
Đặc biệt, mỗi giai đoạn cần phải có cái mới và cái hay. Giải pháp chính là mỗi giai đoạn có quy mô trung bình 70 ha với quy mô dân số 15.000 - 20.000 người; thực hiện cuốn chiếu trong thời gian 5 năm; phát triển từ ngoài vào trong để tạo quy mô dân số cho hoạt động thương mại ở lõi.
Về sự đa dạng sản phẩm nhà ở, chúng ta luôn nói về câu chuyện nhà ở giá rẻ và nhu cầu sở hữu nhà ở của người dân. Nhưng có một thực tế rằng đây không chỉ là nhu cầu của xã hội mà còn là nhu cầu của nhà đầu tư trong quá trình đa dạng hóa sản phẩm, phát triển mở rộng thị trường.
Về tạo hệ sinh thái dịch vụ và việc làm, một khu đô thị không chỉ là nơi để ngủ, để ở mà còn có thể tạo ra việc làm. Tương tự như khu công nghệ của Dubai Silocon Oasis (UAE), tại đó họ chuyển đổi thành các mô hình văn phòng phục vụ nghiên cứu, thử nghiệm, co-working… để mở rộng tệp khách hàng, đáp ứng được ngày càng nhiều nhu cầu.
Về sự tập trung hóa tiện ích xã hội, để làm được việc này cần phải nhìn từ góc độ quy hoạch. Mục tiêu là cung cấp tiện ích đa dạng cho cư dân; thu hút nhà đầu tư thứ cấp về dịch vụ xã hội. Khi làm việc với các dự án, thay vì phân tán, cần tập trung diện tích lớn để hút được nhiều nhà đầu tư nhỏ đến cùng một chỗ.
Tập trung hóa tiện ích xã hội như trường học thành những khu có diện tích lớn để có thể xây dựng công trình có tiêu chuẩn cao và dễ thu hút đầu tư; tập trung tiện ích như câu lạc bộ để giảm chi phí vận hành và mở rộng đối tượng phục vụ; bố trí tiện ích trong bán kính đi bộ để mọi gia đình có thể tiếp cận dễ dàng.
Về sự gia tăng giá trị đất đai qua thiết kế và quản lý môi trường, có 2 cách gia tăng giá trị đất đai cơ bản: Thông qua diện tích thương mại hoặc thông qua đảm bảo môi trường xanh và hấp dẫn, vì việc này tạo ra giá trị lâu dài nhất cho chúng ta. Mục tiêu là tạo môi trường sống gần gũi với thiên nhiên; thu hút du khách và nhà đầu tư; giữ hình ảnh tích cực về dự án.
Có thể phối hợp công trình cao tầng với thấp tầng để tạo môi trường thân thiện với con người; Dành một tỷ lệ diện tích lớn cho cây xanh và mặt nước (12m2 diện tích không gian mở/người) và công viên hóa đất dự trữ phát triển; Bố trí cầu đi bộ để tăng kết nối với công viên; sử dụng cảnh quan như 1 phần của hệ thống hạ tầng.
Về việc đảm bảo vận hành hiệu quả và bền vững: Việc này tạo ra thương hiệu và sự phát triển bền vững cho dự án. Mục tiêu là tối thiểu chi phí đầu tư; Tối đa hiệu quả sử dụng của hạ tầng; Giảm chi phí bất động sản cho người mua; Giữ giá trị bất động sản theo thời gian.
Giải pháp là thiết kế và bố trí công trình hạ tầng để sử dụng được nhiều chức năng và ứng dụng mô hình chia sẻ như chỗ đỗ xe; Nguồn thu từ cho thuê sàn thương mại và hạ tầng đỗ xe dùng chung được tái đầu tư vào bảo trì/bảo dưỡng công trình. Như tại Ecopark, công trình có mô hình bán nhà thì không bán chỗ đậu xe. Chỗ đậu xe sở hữu chung và có thể dùng để chia sẻ, đây là mô hình của tương lai.
Cuối cùng là yếu tố gắn kết cộng đồng thông qua không gian công cộng và các hoạt động chung. Một đô thị không thể nào bền vững, thành công nếu như người dân không cảm thấy yêu thương vùng đất đó, dành thời gian cho vùng đất đó.
Ví dụ Dubai là một thành phố rất nóng, do đó họ phải có những quy hoạch tạo ra các không gian xanh, tạo bóng đổ ở giữa các nhà cao tầng để có khoảng không gian mát, thông qua đó gắn kết, kết nối cộng đồng.
Cẩm Anh