GIÁO DỤC

Cảnh báo gian lận trốn thuế ở mặt hàng sắt thép nhập khẩu

25/11/2020 21:16

Nhiều doanh nghiệp cố tình khai sai tên hàng, chủng loại, mã đối với mặt hàng sắt thép nhập khẩu để trốn thuế nhập khẩu và thuế tự vệ, thuế chống bán phá giá...

Đề xuất gia hạn nộp các khoản phí đối với doanh nghiệp "mùa COVID"

Kinh nghiệm săn hàng hiệu giá rẻ ngày Black Friday

Qua công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại thời gian vừa qua, Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan đã phát hiện một số doanh nghiệp nhập khẩu mặt hàng thép không hợp kim, dạng cuộn, cán phẳng khai báo sai tên hàng, chủng loại, mã số hàng hóa nhập khẩu để gian lận trốn thuế nhập khẩu và thuế tự vệ, thuế chống bán phá giá.

canh bao gian lan tron thue o mat hang sat thep nhap khau
Cảnh báo gian lận trốn thuế ở mặt hàng sắt thép nhập khẩu

Cũng theo Tổng cục Hải quan, các dấu hiệu thường gặp gồm:

Thứ nhất: Hàng hóa nhập khẩu của các doanh nghiệp thường khai báo vào nhóm mã 7208, 7210 nhưng khai vào các mã hàng có mức thuế thấp (thuế suất nhập khẩu: 0% và 5% theo Biểu thuế ưu đãi) mà không khai đúng vào các dòng mã số HS có thuế suất nhập khẩu cao (thuế nhập khẩu: 10% theo Biểu thuế ưu đãi).

Thứ hai: Hàng hóa nhập khẩu của các doanh nghiệp khai báo vào các mã HS thuộc nhóm mã 7208, 7210 nhưng có mức thuế thấp (thuế suất nhập khẩu: 0% và 5% theo Biểu thuế ưu đãi) mà không khai đúng vào các dòng mã số HS có thuế suất nhập khẩu cao hơn để tránh khai vào nhóm mã số 7207 phải chịu thuế tự vệ 15,3%, hoặc các mã HS cùng thuộc nhóm mã số 7210 nhưng phải chịu thuế chống bán phá giá từ 3,17% đến 38,34%.

Thứ ba: Hàng hóa khai báo là hàng loại 2 nhưng trên mác thép, trên hồ sơ hải quan không thể hiện là hàng loại 2, việc này có dấu hiệu các doanh nghiệp lợi dụng khai phẩm chất hàng hóa loại 2 để khai báo trị giá tính thuế thấp, nhằm trốn thuế qua giá.

Thứ tư: Hàng hóa khai báo là hàng mới 100% nhưng thực tế doanh nghiệp nhập khẩu hàng đã qua sử dụng, hàng tận dụng từ các nhà máy thép tại nước ngoài để nhập về, đã dạng về chủng lợi, kích thước trên cùng một lô hàng được đóng trong container, nhằm tránh bị quản lý chính sách mặt hàng đối với sắt, thép phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất.

Trước tình hình trên, nhằm tăng cường công tác quản lý, kịp thời phát hiện, xử lý các doanh nghiệp nhập khẩu mặt hàng nêu trên có dấu hiệu vi phạm pháp luật về khai báo sai tên hàng, chủng loại, mã số hàng hóa nhập khẩu để gian lận trốn thuế nhập khẩu và thuế tự vệ, thuế chống bán phá giá, lãnh đạo Tổng cục Hải quan vừa có yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm soát mặt hàng sắt, thép nhập khẩu.

Theo đó, Lãnh đạo Tổng cục yêu cầu các đơn vị chỉ đạo các Chi cục Hải quan tiến hành rà soát các lô hàng có dấu hiệu rủi ro để lựa chọn các lô hàng/ tờ khai trọng điểm, chuyển luồng kiểm tra thực tế hàng hóa; thực hiện tham vấn giá đối với các lô hàng khai báo là hàng loại 2 nhưng trên hồ sơ, chứng từ kèm theo bộ hồ sơ hải quan không thể hiện phẩm cấp hàng hóa loại 2.

Căn cứ nội dung cảnh báo, Tổng cục Hải quan yêu cầu các Cục Hải quan tỉnh, thành phố thực hiện tại địa bàn quản lý nhằm phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả và chịu trách nhiệm trước lãnh đạo Tổng cục Hải quan nếu không làm hết trách nhiệm, để xảy ra các vụ việc buôn lậu, gian lận liên quan tới các hành vi nêu trên tại địa bàn được giao quản lý.

Theo thông tin cập nhật của Tổng cục Hải quan, hết tháng 10 cả nước nhập khẩu gần 11,3 triệu tấn sắt thép các loại, tổng kim ngạch hơn 6,6 tỷ USD, giảm 7,5% về lượng và giảm 17,6% về trị giá so với cùng kỳ 2019.

Trong đó, Việt Nam vẫn mua sắt thép nhiều nhất từ thị trường Trung Quốc với 2,84 triệu tấn, tương đương gần 1,78 tỉ USD, giá nhập khẩu trung bình 626,5 USD/tấn. Nhưng số lượng này đã giảm mạnh 33,8% so với cùng kỳ năm trước, kéo theo kim ngạch giảm 34,6% và giá cũng giảm 1,2%. Nếu như nhiều năm trước, lượng sắt thép từ Trung Quốc nhập vào Việt Nam chiếm hơn 40% thì nay chỉ còn chiếm 29,4% trong tổng kim ngạch nhập khẩu sắt thép của cả nước.