GIÁO DỤC

Các ngân hàng ''tiếp sức'' cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa

09/11/2020 17:22

Trước tình hình khó khăn của các doanh nghiệp, nhiều ngân hàng đang rất tích cực để tiếp sức cho DN, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) qua nhiều cách làm mới như dịch vụ tư vấn tài chính DN, tái cơ cấu nợ, tái cấu trúc DN...

Trước những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, nhiều DN đang phải đối mặt với sự thiếu hụt dòng tiền, đặc biệt là DNNVV khiến không ít DN rơi vào khủng hoảng, năng lực tài chính suy giảm nghiêm trọng; thậm chí đã có không ít DN phải rời bỏ thị trường. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 9 tháng đầu năm, số DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 38,6 nghìn DN, tăng 81,8%; có 27,6 nghìn DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể; gần 12,1 nghìn DN hoàn tất thủ tục giải thể - tăng 0,1%.

Bởi vậy, hỗ trợ DN phục hồi sản xuất kinh doanh là mục tiêu hàng đầu của Chính phủ hiện nay. Đồng hành cùng với Chính phủ, NHNN đã đưa ra nhiều giải pháp, chỉ đạo các NHTM áp dụng các chương trình tín dụng ưu đãi, giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ DN phục hồi sản xuất, trong đó chiếm đa số là đối tượng DNNVV.

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, chủ trương của NHNN là cố gắng để có thể phấn đấu tiếp tục giảm lãi suất cho vay. Do đó NHNN luôn điều tiết thanh khoản tạo thuận lợi cho các TCTD, sẵn sàng cho vay tái cấp vốn để các TCTD có nguồn vốn giá rẻ cung ứng cho các DN. Đồng thời chỉ đạo các TCTD tiếp tục cân đối nguồn lực tài chính, tiết giảm chi phí để hỗ trợ khách hàng vay vốn.Theo đó từ đầu năm đến nay, NHNN đã 3 lần điều chỉnh giảm đồng bộ các mức lãi suất điều hành với mức cắt giảm lên tới 2-2,5%/năm; trần lãi suất huy động và cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên cũng được cắt giảm tương ứng. So với nhiều nước trong khu vực, mức giảm lãi suất điều hành của Việt Nam là một trong các mức giảm mạnh nhất (Thái Lan -0,75%; Malaysia -1,25%; Indonesia -1,0%; Ấn Độ -1,15%...).

Một chuyên gia tài chính – ngân hàng nhìn nhận, thông điệp từ nhà điều hành thời gian qua đã lan toả khá sâu rộng trong hệ thống NHTM. Một loạt nhà băng đã công bố giảm lãi suất cho vay, đưa ra nhiều chương trình tín dụng ưu đãi, phù hợp để phần nào gỡ khó cho DN nói chung, DNNVV nói riêng có thêm vốn để tái sản xuất kinh doanh.

Đơn cử như Vietcombank giảm lãi suất chỉ còn từ 5,9%/năm cho DNNVV, áp dụng cho các khoản vay mới giải ngân từ ngày 13/10. Agribank giảm thêm 0,3% lãi suất cho vay đối với 5 lĩnh vực ưu tiên, đưa lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa chỉ còn 4,5%/năm và lãi suất cho vay trung, dài hạn tối thiểu 7,5%/năm. Từ nay đến hết ngày 30/6/2021, Agribank cũng cho triển khai các gói tín dụng ưu đãi nhằm hỗ trợ khách hàng DNNVV với tổng quy mô lên đến 35.000 tỷ đồng. HDBank giảm sâu lãi suất gói Swift SME 5.000 tỷ đồng dành cho khách hàng có nhu cầu bổ sung nguồn vốn và đáp ứng các điều kiện tín dụng tiêu chuẩn SME của nhà băng này, lãi suất chỉ từ 6,2%/năm. Đại diện HDBank cũng cho biết, bên cạnh lãi suất ưu đãi, ngân hàng còn miễn, giảm nhiều loại phí giúp DNNVV giảm thiểu tối đa chi phí…

Thừa nhận một trong những chính sách hỗ trợ DN hiệu quả là thông qua kênh truyền dẫn lãi suất, song một chuyên gia tài chính cũng chia sẻ thêm, tổng hòa của tất cả các chính sách đều sẽ có độ trễ nhất định để ngấm vào chủ thể nền kinh tế, đưa tới mục tiêu làm sao lãi vay thấp hơn cũng còn phụ thuộc vào điều chỉnh từ NHTM. “Cơ quan điều hành sẽ phải theo sát động thái và phản ứng NHTM để đưa ra chính sách lãi suất phù hợp, vì NHTM cho vay ra không chỉ phụ thuộc vốn huy động vào mà còn phụ thuộc vào chi phí hoạt động, nguồn vốn, phần bù rủi ro của đối tượng đi vay, trích lập dự phòng…”, vị này cho hay.

"Tiếp sức" doanh nghiệp nhỏ và vừa phục hồi

Bên cạnh các giải pháp tài chính, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhìn nhận các ngân hàng đang rất tích cực để tiếp sức cho DN, đặc biệt DNNVV qua nhiều cách làm mới như dịch vụ tư vấn tài chính DN, hỗ trợ DN tìm kiếm khách hàng và thị trường đầu ra để tăng hiệu quả kinh doanh và khả năng trả nợ, tái cơ cấu nợ, tái cấu trúc DN... Các giải pháp này không chỉ làm tăng chất lượng tín dụng của ngân hàng nói riêng mà còn giúp phát triển thành phần kinh tế các DN nhỏ và siêu nhỏ tại Việt Nam nói chung.

Cùng quan điểm, PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh – Học viện Tài chính chia sẻ, DNNVV bao giờ cũng cần vốn nhưng không chỉ “gia cố” thêm về nguồn lực tài chính, mà việc cung cấp các giải pháp tài chính đi kèm với nguồn vốn ưu đãi từ phía các ngân hàng cũng là yếu tố quan trọng để giúp DNNVV tự tin đứng vững hơn.

Báo cáo mới đây được công bố bởi Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cho hay, “đại dịch Covid-19 đã chứng minh thương mại điện tử không chỉ là một công cụ hay giải pháp hữu ích đối với người tiêu dùng trong thời kỳ khủng hoảng, mà còn là động lực kinh tế đối với sự tăng trưởng của thương mại nội địa và quốc tế, từ đó góp phần hỗ trợ các DNNVV”.

Ông Vũ Tuấn Anh - Giám đốc Khối Khách hàng DN của SHB cho biết, nhà băng này sẽ hỗ trợ gói tín dụng 3.000 tỷ đồng cho khách hàng vay vốn để bán hàng trên Amazon. Theo đó, với khách hàng DN có nhu cầu vay vốn sẽ giảm từ 0,5% - 1%/năm lãi suất cho vay, hạn mức vay lên đến 10 tỷ đồng, cho vay tín chấp (không cần tài sản bảo đảm) với hạn mức lên tới 3 tỷ đồng với các khách hàng đang vay vốn tại SHB. Phía SHB cũng chia sẻ, ngân hàng đã xây dựng các đội ngũ chuyên viên chuyên trách của ngân hàng trên cơ sở phối hợp với Amazon, các đối tác ban ngành nhà nước, hiệp hội ngành, Logistics để tư vấn cho khách hàng tại các Trung tâm hỗ trợ DN Việt Nam xuất khẩu tại SHB ở tất cả các mặt liên quan đến đăng ký tài khoản, tạo danh sách bán hàng, quản lý tài khoản, hoàn thiện đơn hàng… SHB cùng với T&T Group cũng đã cam kết phối hợp cùng Amazon Global Selling, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đào tạo miễn phí cho tối thiểu 1.000 DN về các kỹ năng bán hàng trên Amazon và kỹ năng Marketing số.

Trao đổi với phóng viên, đại diện VietinBank cho hay nhà băng này nhấn mạnh để đạt được mục tiêu cung cấp dịch vụ tài chính toàn diện cho DN, nhất là với đối tượng DNNVV thì ngân hàng buộc phải hiểu rõ khách hàng, đề cao vai trò tư vấn giải pháp tài chính ưu việt và phù hợp với DN. Theo vị này, việc thiết kế, ban hành các sản phẩm, dịch vụ đặc thù, theo nhóm ngành hoạt động của DNNVV phải đi cùng với điều chỉnh cơ chế, chính sách. Các sản phẩm tài trợ chuỗi cung ứng, dịch vụ thanh toán, tài trợ thương mại, bảo hiểm, trả lương, giải pháp quản lý tài chính, thu hộ, quản lý dòng tiền, dịch vụ ngân hàng điện tử… nếu được các ngân hàng triển khai mạnh mẽ và hiệu quả thì cũng là đòn bẩy giúp DN tiết kiệm chi phí, thời gian, nhân lực, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh.