Theo New York Times, vào những ngày đầu của tháng 3, một người châm lửa bên trong toa tàu điện ngầm ở New York (Mỹ) khiến một nhân viên tàu thiệt mạng và sáu người khác bị thương. Trong các tháng tiếp theo, gần 500 cửa kính toa tàu điện ngầm trên tuyến số 7 bị đập vỡ.
Vào tháng 8, một gã đàn ông tấn công tình dục một phụ nữ trẻ tại nhà ga ở Upper East Side. Tháng 9, một đoàn tàu trật bánh sau khi một người đàn ông ném những chiếc kìm kim loại trộm được xuống đường ray.
Khi đại dịch tấn công New York, số người đi tàu điện ngầm sụt giảm, số lượng tội phạm được báo cáo giảm 40% trong khoảng tháng 1 đến tháng 9 so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, tội phạm bạo lực và phá hoại đang gia tăng. Tình trạng này khiến hành khách lo ngại và đặt ra một thách thức khác đối với hệ thống vận chuyển vốn đã tê liệt bởi dịch Covid-19.
Tội phạm gia tăng
Tính từ đầu năm đến nay, số vụ giết người, hãm hiếp, trộm cắp và cướp trong tàu điện ngầm đều tăng so với năm ngoái, theo thống kê của Sở Cảnh sát. Các vụ phá hoại cũng tăng đột biến.
Tàu điện ngầm ngày nay vẫn an toàn hơn nhiều so với những năm 1970, 1980. Đó là khi các hình vẽ bạo lực tràn lan hệ thống, khách hàng không dám đi tàu vào ban đêm hay ở trên những toa trống.
Sau hai thập kỷ trọng tội giảm liên tục, sự gia tăng gần đây của các vụ việc này khiến hành khách lo ngại rằng hệ thống sẽ rối loạn trở lại. Tình trạng trên diễn ra khi Cơ quan Giao thông Đô thị (MTA) đang chật vật tìm lại khách hàng trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất lịch sử của cơ quan này.
"Điều quan trọng hơn bao giờ hết là khiến các khách hàng cảm thấy an toàn khi trở lại hệ thống", bà Lisa Daglina, Giám đốc điều hành Ủy ban Cố vấn Công dân Thường trực tại MTA, bình luận.
"Họ không nên cảm thấy rằng đang mạo hiểm sức khỏe hay tính mạng của mình. Hành khách có cảm giác an toàn hơn khi có đông người cùng đi hơn. Bây giờ, các ga và toa tàu đang ít người đi", bà nói thêm.
Các tội phạm bạo lực gia tăng khi số lượng hành khách trên tàu điện ngầm giảm. Ảnh: New York Times. |
Tính đến nay, số vụ giết người đã đạt mức cao nhất trong vòng ba năm. 6 người bị giết trên tàu điện ngầm, so với 2 vụ hồi năm ngoái, 1 vụ năm 2018 và không có vụ nào xảy ra năm 2017. 5 vụ hãm hiếp cũng được báo cáo trong năm nay, so với 2 vụ năm ngoái.
Các vụ cướp tăng 16% từ 394 vụ hồi năm ngoái lên 457 vụ trong năm nay. Số vụ trộm tăng từ 5 vụ năm ngoái lên 22 vụ vào năm nay. Những hành vi phá hoạt cũng leo dốc 24% từ 702 vụ lên 868 vụ sau một năm.
Các quan chức cảnh sát cảnh báo rằng không nên quá cảnh giác. Bởi tội phạm không còn tệ hại như những thập kỷ trước. Chẳng hạn, vào năm 1990, có đến 26 vụ giết người xảy ra trong hệ thống.
Tuy nhiên, sự sụt giảm số người đi tàu đã thúc đẩy tội phạm nói chung. Những ngày nay, số lượng hành khách chỉ bằng 30% so với thời điểm trước đại dịch.
Ít hành khách hơn đồng nghĩa với việc giảm tội phạm vặt như móc túi. Tuy nhiên, toa tàu vắng cũng có nghĩa là sẽ có ít nhân chứng hơn, từ đó thúc đẩy kẻ xấu ra tay.
Đánh đổi
Để giải quyết những lo ngại về vấn đề an toàn, MTA đã thuê 85 nhân viên an ninh mặc đồng phục và không có vũ khí để tuần tra trên tàu điệm ngầm. Có đến 60 cảnh sát MTA và 300 cảnh sát thành phố túc trực trong tàu điện ngầm mỗi ca.
Trong những tháng gần đây, các quan chức đã kêu gọi bổ sung cảnh sát thành phố mặc đồng phục tuần tra tại hệ thống, sau khi hành khách và nhân viên vận chuyển phàn nàn về việc ít cảnh sát trong tàu điện ngầm.
Đối với nhiều hành khách sử dụng phương tiện giao thông công cộng, các toa tàu trống rỗng tạo cảm giác bất an và làm dấy lên nỗi sợ hãi về việc bị chặn hoặc tấn công khi đang chờ ở sân ga hoang lạnh hoặc toa tàu trống.
Các quan chức kêu gọi bổ sung cảnh sát thành phố mặc đồng phục tuần tra để đảm bảo an toàn tại hệ thống. Ảnh: New York Times. |
"Trước đây, không phải lúc nào chúng tôi cũng cảm thấy an toàn. Nhưng chắc chắn bây giờ chúng tôi không khi nào thấy an toàn", cô Dana Drazila chia sẻ.
Người mẹ 68 tuổi của cô đã bị đẩy xuống đường ray xe lửa tại Manhattan. Những người qua đường cố gắng kéo bà lên khỏi đường ray trước khi tàu đi đến. Tuy nhiên, bà vẫn bị gãy 5 xương cột sống và 2 xương sườn.
Hai tháng sau vụ tấn công, bà tránh hoàn toàn các phương tiện công cộng. Nhưng vào cuối tháng 9, bà Drazila phải trở lại để làm việc. "Mẹ tôi rất lo lắng nhưng bà ấy vẫn cần đi làm kiếm tiền. Anh trai tôi van xin bà nghỉ việc. Nhưng bà ấy không thể", cô Drazila kể.
Những hành khách khác cũng thay đổi thói quen để đảm bảo an toàn. Cô Sandra Avila, 49 tuổi, cho biết cô đã tránh các toa tàu trống sau khi bị một người đàn ông quấy rối.
Việc đi các toa tàu đông đúc cũng là một sự đánh đổi trong bối cảnh dịch Covid-19. Ảnh: New York Times. |
Tuy nhiên, việc đi những toa tàu đông đúc cũng là một sự đánh đổi. Chen lấn với toàn người lạ, cô Sandra Avila lo sợ sẽ bị lây nhiễm virus. "Tôi không cảm thấy thỏa mái. Đôi khi tôi nhìn thấy những người không đeo khẩu trang và điều đó làm tôi thực sự lo lắng", cô than phiền.
Theo một khảo sát trên 20.000 người của MTA, mối quan tâm hàng đầu của hành khách là vấn đề sức khỏe. Lo ngại về tội phạm và quấy rối đứng thứ ba.
Đối với các nhân viên trên tàu, an toàn cá nhân cũng trở thành vấn đề lớn. Những vụ tấn công đối với nhân viên trong tàu điện ngầm đã tăng 57% so với cùng kỳ năm ngoái, theo MTA.
"Nó nhắc nhở tôi về những ngày tồi tệ, khi sự hỗn loạn hoành hành khắp thành phố", anh Erik Garces, một nhân viên tàu điện ngầm, bày tỏ. Hồi tháng 9, anh bị một hành khách từ sân ga tiếp cận và đập một chai thủy tinh lên đầu.