Bộ trưởng Tô Lâm báo cáo công tác phòng chống tội phạm trước Quốc hội. Ảnh: VGP/ Lê Sơn |
Theo Bộ trưởng Tô Lâm, công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về trật tự xã hội, đã điều tra, làm rõ 40.026 vụ phạm pháp về trật tự xã hội, đạt tỉ lệ 85,69%; triệt phá 3.070 băng, nhóm tội phạm hình sự các loại; các vụ án nổi cộm, gây bức xúc dư luận đều được khẩn trương điều tra làm rõ... Toàn quốc xảy ra 46.710 vụ phạm pháp về trật tự xã hội, giảm 2,76%, hầu hết các loại tội phạm nghiêm trọng đều giảm, một số loại tội phạm tăng như giết người, hiếp dâm, chống người thi hành công vụ, tội phạm liên quan đến cờ bạc... Tội phạm liên quan đến “tín dụng đen” tiếp tục được kiềm chế, tuy nhiên vẫn hoạt động biến tướng cho vay qua mạng internet; tội phạm liên quan đến chiếm đoạt tài sản (lừa đảo, trộm cắp, cướp, cướp giật) diễn ra phức tạp...
Trong phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, đã phát hiện 22.105 vụ phạm tội và vi phạm pháp luật về trật tự quản lý kinh tế (nhiều hơn 38,56%), 313 vụ phạm tội, vi phạm pháp luật về tham nhũng và các vi phạm khác về chức vụ (ít hơn 2,49%). Đã tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ án tham nhũng, kinh tế lớn, góp phần duy trì khí thế mạnh mẽ trong công tác phòng, chống tham nhũng; phát hiện xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh COVID-19 để trục lợi. Qua công tác đấu tranh cho thấy, tội phạm, vi phạm pháp luật về kinh tế, tham nhũng vẫn phức tạp tại một số lĩnh vực kinh tế trọng điểm, nhạy cảm (quản lý, sử dụng đất đai, quản lý tài sản công, đầu tư công, tài chính, ngân hàng, thuế, chứng khoán…); phát sinh một số loại tội phạm, vi phạm liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 như thu gom, đầu cơ để tăng giá, buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; sản xuất hàng giả là hàng hóa, trang thiết bị phục vụ phòng bệnh, lợi dụng công tác phòng, chống dịch bệnh để trục lợi...
Công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm, Chính phủ đã chỉ đạo tăng cường phòng ngừa, xử lý vi phạm trong hoạt động khai thác, tập kết bến bãi, kinh doanh khoáng sản, buôn bán động vật hoang dã, an toàn thực phẩm; bảo đảm an ninh, an toàn nguồn nước sinh hoạt... Đã phát hiện 25.256 vụ vi phạm pháp luật về môi trường (tăng 12,07%) với 3.093 tổ chức và 22.560 cá nhân vi phạm; cơ quan điều tra đã khởi tố 425 vụ, 432 bị can.
Về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông: Chính phủ ban hành Nghị định số 04/2019/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2019 quy định về trình tự, thủ tục áp dụng một số biện pháp bảo đảm an ninh mạng; đồng thời, chỉ đạo các bộ, ngành triển khai nhiều giải pháp phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông, xử lý các thông tin xấu, độc trên mạng internet. Các lực lượng chức năng đã phát hiện, triệt phá nhiều đường dây tội phạm lừa đảo, cờ bạc, cá độ bóng đá qua mạng Internet với số tiền hàng nghìn tỷ đồng... Tuy nhiên, tội phạm và vi phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông vẫn còn diễn biến phức tạp, hoạt động có tính chất xuyên quốc gia, gây thiệt hại lớn, nhất là hành vi sử dụng mạng viễn thông, Internet để lừa đảo, đánh bạc, tổ chức đánh bạc với quy mô lớn...
Trong phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và tệ nạn ma túy, đã phát hiện 30.332 vụ phạm tội về ma túy (nhiều hơn 30,02%), thu giữ hàng tấn ma túy các loại, tiếp tục triệt phá được nhiều đường dây mua bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia với số lượng lớn. Tuy nhiên, tội phạm ma túy vẫn diễn biến phức tạp trong điều kiện cách ly, giãn cách xã hội phòng chống dịch COVID-19; áp lực ma túy từ bên ngoài vào nước ta còn rất lớn; toàn quốc hiện có 235.012 người nghiện có hồ sơ quản lý, tiềm ẩn phát sinh nhiều phức tạp về tội phạm và vi phạm pháp luật...
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nêu rõ, năm 2021, dự báo tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp. Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, Chính phủ tiếp tục tập trung chỉ đạo, thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:
Một là, tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Quốc hội trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự, phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật.
Hai là, đẩy mạnh việc xây dựng và hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật.
Ba là, triển khai các chủ trương, giải pháp bảo vệ an ninh quốc gia, đấu tranh làm thất bại các âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động; bảo đảm tuyệt đối an toàn các sự kiện lớn của đất nước, nhất là Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; các hoạt động phục vụ bầu cử Quốc hội Khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp....
Bốn là, thực hiện tốt các mặt công tác phòng ngừa tội phạm với mục tiêu làm giảm tội phạm, kết hợp chặt chẽ công tác phòng ngừa xã hội và phòng ngừa nghiệp vụ, giữa phòng ngừa nghiệp vụ với đấu tranh, trấn áp tội phạm.
Năm là, tiếp tục mở các cao điểm đấu tranh, trấn áp tội phạm, tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc nổi lên về tội phạm hình sự, kinh tế, tham nhũng, ma túy, môi trường, tội phạm sử dụng công nghệ cao...
Sáu là, triển khai đồng bộ các kế hoạch, biện pháp bảo đảm trật tự an toàn xã hội, nhất là bảo đảm trật tự an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ, tăng cường quản lý người nước ngoài...
Bảy là, thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng công tác bắt, giam giữ, điều tra, xử lý tội phạm; nâng cao tỷ lệ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố.
Tám là, tăng cường mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật.
Chín là, nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ, bổ sung các nguồn lực cho công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, công vụ.
Lê Sơn