GIÁO DỤC

13 nhà máy nhiệt điện than chiếm 64% tổng lượng phát thải của cả nước

20/11/2020 09:01

Tính đến cuối năm 2020, tổng lượng tro, xỉ nhiệt điện đã tiêu thụ trên cả nước khoảng 44,5 triệu tấn, tương đương với 42% tổng lượng phát thải qua các năm.

Bộ Công Thương vừa cho biết hiện cả nước có 25 nhà máy nhiệt điện đốt than đang hoạt động, phát thải ra tổng lượng tro, xỉ khoảng 13 triệu tấn/năm, trong đó tro bay chiếm từ 80% đến 85%. Lượng phát thải tập trung chủ yếu ở khu vực miền Bắc, chiếm 65%, miền Trung chiếm 23% và miền Nam chiếm 12% tổng lượng thải.

Lượng tro xỉ phát thải từ 13 nhà máy nhiệt điện than thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là 8,57 triệu tấn, chiếm 64% tổng lượng phát thải của cả nước. Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) có 6 nhà máy với lượng tro, xỉ phát thải là 2,05 triệu tấn, chiếm 15% tổng lượng phát thải và 1 nhà máy thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam với 0,784 triệu tấn chiếm khoảng 6% tổng lượng tro xỉ phát thải.

Cùng với đó là 5 nhà máy của các chủ đầu tư BOT và các chủ đầu tư khác phát thải khoảng 2 triệu tấn, chiếm 15% tổng lượng phát thải của cả nước.

Qua gần 4 năm, triển khai thực hiện Quyết định số 452/QĐ-TTg của Thủ tướng (ngày 12/4/2017) về việc phê duyệt Đề án đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và sử dụng trong các công trình xây dựng, mặc dù đã có nhiều nỗ lực, kết quả thực tế vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra.

Theo đó, tính đến cuối năm 2020, tổng lượng tro, xỉ nhiệt điện đã tiêu thụ trên cả nước khoảng 44,5 triệu tấn, tương đương với 42% tổng lượng phát thải qua các năm. EVN tiêu thụ khoảng gần 23 triệu tấn, TKV tiêu thụ được khoảng hơn 6 triệu tấn, PVN tiêu thụ được gần 1,5 triệu tấn. Các nhà máy BOT và các chủ đầu tư khác tiêu thụ khoảng 4 triệu tấn.

nhiet-dien

Đến cuối năm 2020, tổng lượng tro, xỉ nhiệt điện đã tiêu thụ trên cả nước khoảng 44,5 triệu tấn, tương đương với 42% tổng lượng phát thải qua các năm. Ảnh: Báo Đầu tư.

Báo cáo của Bộ Công Thương cũng cho hay tro, xỉ được sử dụng nhiều nhất là lĩnh vực làm phụ gia khoáng cho xi măng, ước khoảng 24 triệu tấn, chiếm 70%; sản xuất gạch đất sét nung và gạch không nung ước khoảng 4 triệu tấn, chiếm 12%; làm phụ gia cho sản xuất bê tông tươi, bê tông cho các công trình thủy lợi, công trình giao thông (đường bê tông xi măng vùng nông thôn) và công trình xây dựng dân dụng (kết cấu móng khối lớn ít tỏa nhiệt) ước khoảng 3 triệu tấn, chiếm 8%; và làm vật liệu san lấp, đắp đường giao thông các loại khoảng 3,5 triệu tấn, chiếm 9%.

Theo phân tích của Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), các nhà máy điện ở Việt Nam đang sử dụng một trong 3 công nghệ xử lý khí sulfur: Xử lý bằng nước biển (SFGD); xử lý bằng bột đá vôi sau khi đốt; xử lý bằng bột đá vôi đốt kèm than. Hiện Việt Nam có 9/25 nhà máy đốt đá vôi kèm than dẫn đến tro bay có lẫn bột đá vôi nên khó làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng

Về công nghệ thải xỉ, một số nhà máy dùng công nghệ thải xỉ ướt sử dụng nước biển để thải hỗn hợp tro, xỉ ra bãi chứa dẫn tới tro, xỉ bị nhiễm mặn, gây khó khăn trong quá trình xử lý, tiêu thụ. Ngoài ra, một số nhà máy thải xỉ bằng công nghệ ướt nhưng trộn lẫn tro và xỉ vào nước và bơm ra bãi chứa, dẫn tới tro, xỉ lẫn lộn gây khó khăn trong quá trình xử lý, sử dụng làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng.

Do sử dụng thiết bị công nghệ đốt chưa phù hợp để đốt cháy triệt để than chất lượng thấp, một số nhà máy sử dụng than antraxit thải ra tro, xỉ có tỉ lệ carbon chưa cháy cao trên 12%, không phù hợp với tiêu chuẩn làm phụ gia cho xi măng, phụ gia bê tông như nhiệt điện Vĩnh Tân 2, nhiệt điện Duyên Hải 1.

Vụ Vật liệu xây dựng cũng cho rằng mặc dù đã có tiêu chuẩn và hướng dẫn kỹ thuật trong việc sử dụng tro, xỉ nhiệt điện làm vật liệu san lấp, nhưng việc sử dụng tro, xỉ làm vật liệu san lấp vẫn chưa cạnh tranh được về giá thành so với các loại vật liệu san lấp truyền thống. Trong khi đó một số đơn vị xả thải còn bán tro xỉ thay vì có cơ chế hỗ trợ, khuyến khích các đơn vị tiêu thụ nên dẫn đến tiêu thụ chậm.

"Văn bản hướng dẫn xử lý tro, xỉ, thạch cao và hướng dẫn sử dụng tro, xỉ, thạch cao để hoàn nguyên mỏ chưa được ban hành cũng là một trong những nguyên nhân gây khó khăn cho việc xử lý, tiêu thụ tro xỉ thải phát sinh trong quá trình sản xuất của các nhà máy nhiệt điện than trong thời gian qua", Vụ Vật liệu xây dựng đánh giá.