PGS.TS Đào Thế Anh chia sẻ về "An ninh lương thực toàn cầu" với VTV1
Ông David Beasley - Giám đốc Chương trình Lương thực Thế giới chia sẻ: "Ngay cả trước cuộc xung đột tại Ukraine, tôi đã cảnh báo về một cuộc khủng hoảng lương thực thế giới và chúng ta đang đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai".
Xung đột, biến đổi khí hậu và đại dịch, chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy, giá lương thực tăng cao chưa từng thấy..., đó là các yếu tố dẫn đến nguy cơ khủng hoảng lương thực toàn cầu.
Bà Annalena Baerbock - Bộ trưởng Ngoại giao Đức cho rằng: "Cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu sẽ không thể giải quyết trong một sớm một chiều, đó là lý do tại sao chúng ta phải tập trung vào tất cả các yếu tố góp phần gây ra nạn đói".
Là một nước xuất khẩu lương thực hàng đầu thế giới, Việt Nam đang tích cực đóng góp vào nỗ lực chung tìm giải pháp "Chuyển hướng một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu".
Theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái: "Về trước mắt thì chúng ta cũng phải viện trợ nhân đạo cấp bách cho một số quốc gia hiện nay đang đối mặt với nạn thiếu lương thực. Và cũng phải phục hồi hệ thống cung ứng lương thực toàn cầu".
Chuyển hướng khủng hoảng lương thực toàn cầu
An ninh lương thực lại trở thành câu chuyện quốc tế nóng tuần qua, khi được đưa ra thảo luận một loạt diễn đàn toàn cầu: tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos. Thông điệp chung của các nhà lãnh đạo các nước và các tổ chức quốc tế hàng đầu thế giới là cần hành động toàn cầu nhằm giảm thiểu tác động của một cuộc khủng hoảng an ninh lương thực.
Phiên thảo luận đã nêu bật những thách thức từ cuộc khủng hoảng kép đại dịch COVID-19 và căng thẳng địa chính trị, mà hệ quả là những tác động cộng hưởng chưa từng có lên nguồn cung, giá cả và chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu.
Phiên thảo luận "Chuyển hướng một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu" được xếp ngay trong ngày đầu tiên của Diễn đàn Kinh tế thế giới. Thế giới đang phải đối phó với nguy cơ khủng hoảng lương thực tồi tệ nhất trong hàng chục năm trở lại đây do tác động của biến đổi khí hậu, của đại dịch và gần đây nhất lại thêm tác động của cuộc xung đột tại Ukraine.
Ông David Beasley - Giám đốc Chương trình Lương thực Thế giới nhấn mạnh: "Khủng hoảng đang buộc chúng ta phải lấy thức ăn của người đang đói để cứu trợ cho người sắp chết đói. Điều gì sẽ xảy ra khi một quốc gia vẫn cung cấp lương thực đủ nuôi 400 triệu người và bây giờ quốc gia đó bị phong tỏa. Cộng thêm giá nhiên liệu, giá thực phẩm, giá vận chuyển, tất cả đều tăng vọt, thiệt hại không chỉ cho hoạt động của chúng tôi, mà còn cho an ninh lương thực toàn cầu".
Diễn đàn Kinh tế Thế giới không chỉ xới lên các vấn đề cấp bách, đâu là những ưu tiên toàn cầu và phải hành động ra sao để ngăn chặn nguy cơ nạn đói quay trở lại, mà trong một phiên thảo luận khác có Tổng thống Ba Lan tham dự, còn nêu ra những thách thức có thể nảy sinh từ nguy cơ thiếu đói. "Tây Ban Nha và toàn bộ các nước Nam Âu sẽ phải đối phó với làn sóng di cư nếu nạn đói bùng phát tại châu Phi. Đói kém dẫn tới di cư, thậm chí tạo ra bất ổn nghiêm trọng ở Bắc Phi và trên thế giới".
Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu ngũ cốc hàng đầu thế giới, và có thể tham gia vào nỗ lực chung đẩy lùi nguy cơ thiếu đói, cùng những hệ lụy từ nguy cơ đó.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị: "Về trước mắt chúng ta cũng phải viện trợ nhân đạo cấp bách cho một số quốc gia hiện nay đang đối mặt với nạn thiếu lương thực và cũng phải phục hồi hệ thống cung ứng lương thực toàn cầu, dỡ bỏ các rào cản thương mại trong cung cấp lương thực. Chúng tôi đề nghị là các nước cũng như là các tổ chức quốc tế và các doanh nghiệp của WEF hỗ trợ và ủng hộ cho việc thành lập một trung tâm sáng tạo về hệ thống cung ứng lương thực và thực phẩm ở Đông Nam Á và đặt tại Việt Nam".
Một hướng đi nữa là hỗ trợ phát triển nông nghiệp tại chỗ cho các nước vẫn phải lệ thuộc vào nguồn lương thực nhập khẩu. Hướng đi này thì Việt Nam đã có nhiều kinh nghiệm. Từ hàng chục năm nay, Việt Nam vẫn cử chuyên gia sang một số nước châu Phi và Mỹ Latin, hướng dẫn nông dân bản địa tự chủ lương thực tại chỗ. Trong bối cảnh toàn cầu hóa đang phân cực, tự chủ về lương thực, năng lượng, nguyên liệu đã trở thành chủ đề chính của các cuộc thảo luận diễn ra tại đây.
Nguy cơ mất an ninh lương thực toàn cầu
Có thể nói, Việt Nam tiếp tục thể hiện vai trò và trách nhiệm trong mục tiêu chung đảm bảo an ninh lương thực trên thế giới. Đây cũng là thông điệp được chia sẻ tại các diễn đàn của Liên Hợp Quốc những ngày qua, trong bối cảnh an ninh lương thực toàn cầu đang đứng trước nguy cơ lớn và được đặt vào trọng tâm trong các chương trình nghị sự của LHQ.
Trong chưa đầy 1 tuần từ 18 đến 23/5, LHQ đã tổ chức ba cuộc họp về an ninh lương thực toàn cầu, 2/3 cuộc họp đã được đưa ra bàn thảo ở những cơ quan quyền lực nhất là Hội đồng Bảo an và Đại hội đồng LHQ. Nhiều lãnh đạo cấp cao của LHQ và các nước đã tham gia phát biểu. Nguy cơ mất an ninh lương thực được cảnh báo với những con số biết nói.
Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres nói: "Nạn đói trên toàn cầu đang ở mức độ vô cùng nghiêm trọng. Chỉ trong hai năm, số người bị mất an ninh lương thực đã tăng gấp đôi từ 135 triệu người trước đại dịch lên 276 triệu người hiện nay. Hơn nửa triệu người đang sống trong điều kiện đói kém, tăng hơn 500% kể từ năm 2016".
Ngày 23/5, Đại hội đồng LHQ đã thông qua nghị quyết về "Tình trạng mất an ninh lương thực toàn cầu" mà không cần bỏ phiếu. Bên cạnh việc thành lập Nhóm Ứng phó khủng hoảng toàn cầu về lương thực, năng lượng và tài chính. Nghị quyết kêu gọi các quốc gia thành viên LHQ và các bên liên quan cần duy trì chuỗi cung ứng nông sản và thực phẩm; nhấn mạnh sự cần thiết phải giữ cho các hoạt động thương mại thông suốt, hạn chế tích trữ lương thực và hàng hóa.
Đối với Việt Nam, là một trong những quốc gia xuất khẩu lương thực hàng đầu thế giới. Trong tất cả các diễn đàn của LHQ, chúng ta đều khẳng định sẽ tham gia tích cực vào các nỗ lực toàn cầu về an ninh lương thực.
Đại sứ Đặng Hoàng Giang - Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại LHQ: "Thông qua các mô hình nông nghiệp sáng tạo và bền vững, chúng tôi mong muốn trở thành một "trung tâm sáng tạo về lương thực" trong khu vực. Với mục tiêu đó, chúng tôi sẽ tiếp tục đóng góp có ý nghĩa vào các nỗ lực chung trong việc giải quyết các thách thức về an ninh lương thực toàn cầu".
Theo đánh giá của LHQ, biến đổi khí hậu, COVID-19 và xung đột Nga - Ukraine là những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng mất an ninh lương thực hiện nay. Dự báo tới cuối năm, thế giới sẽ có thêm 40 triệu người rơi vào cảnh đói nghèo. Và thời điểm này cần có cách tiếp cận toàn cầu để giải quyết vấn đề về an ninh lương thực.
Đầu tư cho nông nghiệp bền vững
Trong các mặt hàng lương thực, ngoài mặt hàng chủ lực là gạo duy trì vị trí số 2 thế giới, Việt Nam còn đứng số 1 thế giới về xuất khẩu hạt điều, chiếm 18% chuỗi giá trị toàn cầu, và đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu sắn - cũng là mặt hàng xuất khẩu tỷ đô của Việt Nam. Sự tham gia của Việt Nam trong chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu càng có ý nghĩa trong thời điểm hiện nay, khi mà có tới 23 quốc gia khắp nơi trên thế giới đã đưa ra các biện pháp hạn chế chặt chẽ đối với xuất khẩu lương thực kể từ khi nổ ra cuộc xung đột Nga - Ukraine.
Trong bối cảnh thách thức chung toàn cầu đối với lĩnh vực nông nghiệp do những tác động của đại dịch COVID-19 và biến đổi khí hậu, sự thay đổi từ tư duy địa phương sang tư duy toàn cầu là một bước chuyển quan trọng đối với ngành nông nghiệp Việt Nam, với tầm nhìn phát triển nông nghiệp bền vững. Đây cũng là xu thế chung của thế giới để tránh lặp lại các cuộc khủng hoảng lương thực trong tương lai.
Tham gia cung cấp bò thịt cho cả vùng, gần đây trang trại nhà ông Tim bị ảnh hưởng bởi chuỗi cung ứng đứt gãy. Thiết bị nông nghiệp, thức ăn cho gia súc thường về muộn… Ở chiều ngược lại, nguồn thực phẩm từ trang trại cũng khó tiếp cận thị trường hơn.
Ông Tim White - Chủ trang trại White, bang Kentucky chia sẻ: "Thị trường đang thiếu thịt bò, nhưng sản phẩm thì đâu có thiếu, đó là do đứt gãy chuỗi cung ứng. Trước kia chúng tôi chưa bao giờ gặp như vậy, từ khâu vận chuyển tắc nghẽn tới nhân công đắt đỏ, rồi dính COVID nên ít lao động đi làm trở lại".
Cách nhà ông Tim 20 phút lái xe, các nhà nghiên cứu, doanh nhân thế giới đang tụ họp và cố gắng gỡ nút thắt cho những khó khăn của nền nông nghiệp thế giới 2 năm qua. Đứt gãy chuỗi cung ứng, khan hiếm thực phẩm được cho chỉ là hai vấn đề tạm thời, nhưng để giải quyết chúng, cần có sự đầu tư, quan tâm đúng mức tới nông nghiệp.