Đặc biệt, các làng nghề đã tạo việc làm ổn định cho hơn 250 nghìn lao động. Những năm gần đây, các làng nghề, cơ sở nghề nông thôn trên địa bàn thành phố Hà Nội đã chủ động nâng cao năng lực sản xuất, mở rộng thị trường để ổn định sản xuất, phát triển ngày càng toàn diện hơn.
Nằm ở phía tây Thủ đô Hà Nội, huyện Thạch Thất nổi tiếng với nhiều làng nghề truyền thống. Hiện, cả huyện có 59 làng có nghề với khoảng 14 nghìn hộ sản xuất, thu hút hơn 37 nghìn lao động nông thôn như làng nghề cơ kim khí Phùng Xá, xã Phùng Xá; Làng nghề đồ mộc - may xã Hữu Bằng; Làng nghề mây tre, giang đan ở xã Bình Phú; Làng nghề mộc Chàng Sơn, xã Chàng Sơn; Làng nghề mộc - xây dựng ở xã Canh Nậu, Dị Nậu; Làng nghề bánh chè lam thôn Thạch, xã Thạch Xá…
Trưởng phòng Kinh tế huyện Thạch Thất Hoàng Chí Lượng cho biết: Để phát huy được những tiềm năng lợi thế, thời gian qua, các làng nghề ở Thạch Thất đã không ngừng nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, mẫu mã phù hợp thị hiếu, nhu cầu của người tiêu dùng. Nhờ vậy, thị trường được mở rộng, doanh thu tăng đều qua từng năm.
Hiện nay, ngày công của một lao động tại các làng nghề ở vào khoảng từ 250.000 đến 300.000 đồng. Nhờ mức thu nhập ổn định, đời sống của người dân ở các làng nghề ngày càng nâng cao.
Cùng với làng nghề Thạch Thất, làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông) cũng nổi tiếng từ hàng nghìn năm nay. Trải qua bao thăng trầm và những thách thức về thị trường tiêu thụ, các sản phẩm lụa từ làng nghề này vẫn trụ vững và ngày càng góp phần đáng kể vào công cuộc xây dựng nông thôn mới của địa phương.
Hiện nay, đây không chỉ là nơi mua bán sản phẩm mà còn dần trở thành một điểm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Điều này một mặt gia tăng sức bán sản phẩm lụa, mặt khác tạo thêm việc làm từ các dịch vụ du lịch, tạo điều kiện cho người dân nâng cao thu nhập và quảng bá văn hóa truyền thống.
Làng nghề Bát Tràng (xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội)
Theo ông Nguyễn Văn Chí, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội, hiện thành phố Hà Nội có 1.350 làng nghề, làng có nghề. Trong đó có 313 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận thuộc 23 quận, huyện và thị xã; 207 làng có nghề đang phát triển, 287 làng có nghề có dấu hiệu mai một, 543 làng có nghề đã bị mai một.
Các sản phẩm của làng nghề đa dạng nhiều chủng loại, mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, một số có thế mạnh cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước, bao gồm: Sản phẩm may mặc; sản phẩm gốm sứ; sản phẩm dệt và thêu ren truyền thống; đồ gỗ phục vụ tiêu dùng và xây dựng; sản phẩm cơ khí; chế biến nông sản thực phẩm (bánh, bún, kẹo, giò chả, bánh chưng, chè…).
Làng lụa Vạn Phúc, Hà Đông
Ông Nguyễn Văn Chí, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng và trình UBND Thành phố ban hành Kế hoạch số 99/KH-UBND ngày 12/4/2021 về Phát triển ngành nghề nông thôn năm 2021; Kế hoạch hỗ trợ xây dựng thương hiệu và xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể làng nghề năm 2021.
Sở cũng đang tập trung xây dựng chính sách phát triển ngành nghề nông thôn và làng nghề trên địa bàn thành phố; Xây dựng Đề cương Đề án quy hoạch phát triển làng nghề Hà Nội giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2040; Kế hoạch bảo tồn, phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn trên địa bàn Thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch hỗ trợ dự án phát triển ngành nghề nông thôn và hỗ trợ đánh giá tác động môi trường làng nghề; kế hoạch cơ giới hóa trong nông nghiệp.
Mặc dù thu nhập bình quân của người lao động ở các làng nghề truyền thống nhìn chung là thấp, tuy nhiên vẫn cao hơn so với lao động thuần nông, phổ biến ở mức 5-6 triệu đồng/lao động/tháng. Bình quân tốc độ phát triển làng nghề tăng từ 6-15%/năm. Hoạt động sản xuất nghề nông thôn đã tạo ra việc làm ổn định cho hơn 250 nghìn lao động trên địa bàn nông thôn thành phố Hà Nội. Các làng nghề khác nhau, mức thu nhập của các lao động cũng có sự khác nhau, như: Các làng nghề truyền thống xôi Phú Thượng, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ thu nhập lao động bình quân đạt 18,5 triệu đồng/người/tháng; Làng nghề truyền thống nhiếp ảnh thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức thu nhập lao động bình quân đạt 10,8 triệu đồng/người/tháng; Làng nghề mây tre đan thôn Thái Hòa, xã Bình Phú, huyện Thạch Thất thu nhập bình quân đạt 11,2 triệu đồng/người/tháng… |
----
CHUYÊN TRANG VỚI SỰ HỖ TRỢ CỦA CHI CỤC PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN THÀNH PHỐ HÀ NỘI