GIÁO DỤC

Băn khoăn Cà phê Thắng Lợi - nhà đầu tư đề xuất bộ đôi dự án điện tái tạo 5.000 tỷ ở Đắk Lắk

27/10/2020 11:41

Sự xuất hiện của Xuân Thiện trong tờ trình của Cà phê Thắng Lợi được kỳ vọng là một căn cứ quan trọng để dự án điện mặt trời nổi 3.000 tỷ đồng có thêm cơ sở nhận được cái "gật đầu" của lãnh đạo Đắk Lắk, cũng như xa hơn là Bộ Công thương.

nhadautu - tinh hinh tai chinh cac cong ty kinh doanh dien gio

Dù đề xuất 2 dự án rất lớn, song sức khoẻ tài chính của nhóm nhà đầu tư Cà phê Thắng Lợi không thực sự ấn tượng (Ảnh minh họa: Internet)

UBND tỉnh Đắk Lắk vừa có văn bản số 9033/UBND-CN đề nghị Bộ Công Thương bổ sung dự án nhà máy điện gió Thắng Lợi Đắk Lắk (xã Hòa Đông, huyện Krông Pắc) vào quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2016 - 2025, có xét đến năm 2035. Dự án có quy mô công suất 49,5 MW, tổng mức đầu tư 2.090 tỷ đồng. Nhà đầu tư là CTCP Cà phê Thắng Lợi (UpCom: CFV).

Trước đó, Cà phê Thắng Lợi vào ngày 1/9/2020 đã có tờ trình đề xuất UBND tỉnh Đắk Lắk chủ trương khảo sát, bổ sung quy hoạch đầu tư điện mặt trời nổi Thắng Lợi tại xã Cuôr Đăng, huyện Cư M’gar. Dự án này có quy mô 140 ha, diện tích trên bờ 2 ha, tổng công suất dự kiến 200 MW, vốn mức đầu tư 3.000 tỷ đồng.

Cà phê Thắng Lợi sở hữu diện tích đất đai rất lớn, lên đến 2.081,19 ha tính riêng tại Đắk Lắk, trong đó 1.822,39 ha là đất trồng cây lâu năm; 258,81 ha đất sản xuất nông nghiệp; 18,63 ha là đất lâm nghiệp. 

Năng lượng tái tạo là hướng đi mới của Cà phê Thắng Lợi trong năm 2020. Xuất phát từ mảng kinh doanh thu mua – xuất khẩu cà phê gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của khí hậu biến đổi, giá cả biến động giảm lớn,… HĐQT Cà phê Thắng Lợi đã có báo cáo tại ĐHĐCĐ thường niên 2020 (ngày 4/6/2020) về việc nghiên cứu định hướng đầu tư kinh doanh điện gió, điện mặt trời, kết hợp nông – công nghiệp nhằm đảm bảo hiệu quả kinh tế.  

Đến ngày 6/10/2020, tờ trình định hướng phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo và việc bổ sung quy hoạch đầu tư dự án điện mặt trời nổi Thắng Lợi đã được ĐHĐCĐ năm 2020 của Cà phê Thắng Lợi chấp thuận (lấy ý kiến bằng văn bản), với tỷ lệ 99,486%.

Cà phê Thắng Lợi tiền thân là doanh nghiệp nhà nước, được cổ phần hoá vào đầu năm 2019. Hơn 6,2 triệu cổ phần IPO đã được 2 nhà đầu tư cá nhân mua trọn. Giá đấu thành công bình quân là 21.300 đồng/cổ phần, bằng đúng với mức khởi điểm. Tính ra, UBND tỉnh Đắk Lắk đã thu về hơn 133,2 tỷ đồng sau phiên đấu giá này.

Trong 9 tháng đầu năm 2020, doanh thu thuần Cà phê Thắng Lợi đạt 184 tỷ đồng. Trừ đi các chi phí, thuế, lãi ròng công ty còn gần 6 tỷ đồng.   

CPTL

*Kết quả kinh doanh 3 tháng cuối năm 2019, tính bắt đầu từ thời điểm Cà phê Thắng Lợi chuyển đổi sang mô hình CTCP

Trên bảng cân đối kế toán, tính đến ngày 31/9/2020, tổng tài sản công ty hơn 163 tỷ, giảm 16,12% so với số đầu kỳ. Trong đó, chiếm chủ yếu là đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (53,7 tỷ), tài sản cố định hữu hình (41,1 tỷ).

Với thực trạng tình hình tài chính như vậy, giới đầu tư không khỏi băn khoăn vì sao Cà phê Thắng Lợi lại tự tin đề xuất bộ đôi dự án hơn 5.000 tỷ.

Chưa rõ cơ cấu nguồn vốn tại dự án điện gió, còn ở dự án điện mặt trời nổi, theo tờ trình gửi UBND tỉnh Đắk Lắk, Cà phê Thắng Lợi sẽ hợp tác với 2 doanh nghiệp, tổng giá trị góp vốn là 600 tỷ đồng. Cụ thể, Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Nam Phương góp 480 tỷ đồng (tương đương 16% tổng mức đầu tư dự án); CTCP Khu công nghiệp Cái Lân – QNC góp 90 tỷ đồng (tương ứng 3%) và Thắng Lợi góp 30 tỷ đồng (tương ứng 1%).

Phần vốn 80% còn lại, Thắng Lợi sẽ xin cấp tín dụng của ngân hàng với số tiền tối đa là 2.400 tỷ đồng.

Năng lực của Cà phê Thắng Lợi đã rõ, song với Cái Lân – QNC và Nam Phương, thực lực tài chính của bộ đôi doanh nghiệp này lại chưa từng được đề cập đến công chúng.

Ẩn số Nam Phương và Cái Lân - QNC

Dữ liệu của

Các chỉ số tài chính của Nam Phương đều đạt mức cao nhất trong năm 2019

Trong khi đó, lợi nhuận thuần của Cái Lân – NQC các năm 2018 và 2019 lần lượt là 7 triệu đồng và 132,9 triệu đồng. Trên bảng cân đối kế toán, tổng tài sản Cái Lân – NQC tính đến ngày 31/12/2019 đạt 124,5 tỷ, tăng mạnh so với số đầu kỳ. Nguyên nhân chủ yếu do vốn chủ sở hữu tăng từ 7 triệu lên 100,1 tỷ đồng.

Screen Shot 2020-10-27 at 9.22.57 AM

Các chỉ tiêu tài chính của Cái Lân - QNC cũng khá khiêm tốn 

Công ty mẹ, nắm 51% vốn Cái Lân - QNC là CTCP Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh (HOSE: QNC). Ông Đỗ Hoàng Phúc – Chủ tịch HĐQT Cà phê Thắng Lợi, cũng là Chủ tịch HĐQT QNC.

Cái Lân – QNC được thành lập nhằm quản lý, vận hành Khu công nghiệp Cái Lân, tiếp nhận các dự án liên quan đến khu công nghiệp mà công ty đang thực hiện dở dang. Tuy nhiên, do tài sản cố định góp vốn của QNC đang thế chấp tại ngân hàng và chưa được giải chấp nên công ty chưa thể hoàn thành thủ tục để góp vốn bằng tài sản vào Cái Lân – QNC.

Về phần công ty mẹ QNC, doanh thu nửa đầu năm 2020 đạt 720 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Lãi ròng gần 61,4 tỷ đồng, tăng gấp khoảng 4 lần.

Dù vậy, kiểm toán AASC đã nhấn mạnh về việc nợ ngắn hạn tại ngày 30/6/2020 (1.099 tỷ) của công ty vượt quá tài sản ngắn hạn (530,4 tỷ) là 568,34 tỷ đồng, nợ quá hạn chưa thanh toán 128,84 tỷ, chậm nộp thuế là 55,87 tỷ, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối âm 202,4 tỷ, tương đương 52,27% vốn góp của chủ sở hữu. Cùng với đó, vào ngày 25/5/2020, công ty nhận Quyết định số 4108/QĐ-CT của Cục thuế tỉnh Quảng Ninh về việc áp dụng cưỡng chế do không chấp hành thông báo tiền thuế nợ và tiền phạt, tiền chậm nộp tiền thuế quá 90 ngày.

QNC

 

"Phép tính" của Cà phê Thắng Lợi

Tính đến ngày 2/10/2019, cơ cấu cổ đông Cà phê Thắng Lợi gồm: Bà Phạm Thị Linh (7,7 triệu cổ phần – 61,36%), UBND tỉnh Đắk Lắk (4,55 triệu cổ phần - 36%).

Yếu tố nhà nước phần nào giải thích vì sao Cà phê Thắng Lợi nhận được sự quan tâm không nhỏ từ lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk, thể hiện rõ nhất qua việc địa phương này vừa trình Bộ Công thương bổ sung quy hoạch dự án điện gió 2.000 tỷ vừa qua. 

Trong lúc này, một vấn đề được quan tâm, là danh tính chủ mới Cà phê Thắng Lợi sau cổ phần hoá. 

Bà Phạm Thị Linh - cổ đông lớn nhất, nắm 61,36% vốn Cà phê Thắng Lợi là phu nhân của Chủ tịch HĐQT doanh nghiệp - ông Đỗ Hoàng Phúc. 

Nữ doanh nhân sinh năm 1961 là Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Nam Phương (bên góp 16% tổng mức đầu tư dự án điện mặt trời nổi Thắng Lợi). Trong khi ông Đỗ Hoàng Phúc là Chủ tịch HĐQT CTCP Khu công nghiệp Cái Lân – QNC, bên góp góp 90 tỷ đồng (tương ứng 3% vốn dự án).

Vợ chồng đại gia Đỗ Hoàng Phúc cùng Nam Phương (trước đây là Doanh nghiệp tư nhân Nam Phương) là những tên tuổi ít nhiều có chỗ đứng tại Ninh Bình, với khẩu vị đầu tư vào các doanh nghiệp cổ phần hoá có quỹ đất lớn trên cả nước, sẽ được Nhadautu.vn đề cập trong một dịp khác. 

Với những dữ liệu đã phân tích, sẽ không bất ngờ nếu Cà phê Thắng Lợi chỉ tham gia dự án với vai trò nhà đầu tư sơ cấp. 

Giả thiết này không phải không có cơ sở. Nên nhớ, thuận lợi của Cà phê Thắng Lợi là quỹ đất khổng lồ, và quan trọng không kém, là "sợi dây" 36% vốn nhà nước được quản lý bởi chính UBND tỉnh Đắk Lắk. Thêm vào đó, trong tờ trình gửi UBND tỉnh Đắk Lắk vào đầu tháng 9 vừa qua, Cà phê Thắng Lợi cho biết sẽ ký hợp đồng hợp tác với Công ty TNHH Xuân Thiện Ninh Bình về việc hỗ trợ nghiệp vụ chuyên môn, kỹ thuật và kinh nghiệm trong toàn bộ quá trình triển khai thực hiện dự án và bàn giao, nghiêm thu, vận hành dự án.

Là tập đoàn nổi danh của một đại gia Ninh Bình khác - ông Nguyễn Văn Thiện, Xuân Thiện Group hiện là một trong những tay chơi lớn nhất trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. 

Xuân Thiện thông qua các công ty thành viên đang đầu tư nhiều dự án quy mô rất lớn, là dự án Nhà máy điện năng lượng mặt trời Xuân Thiện Thuận Bắc (giai đoạn 1 và 2) tại xã Bắc Phong, tỉnh Ninh Thuận với tổng diện tích là 256,4ha, tổng vốn đầu tư hơn 7.000 tỷ đồng; cụm dự án Điện mặt trời Xuân Thiện – Ea Súp (xã Ia Lốp và Ia R’vê, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk), diện tích 4.180 ha, tổng vốn đầu tư gần 1.300 tỷ đồng; hay đáng chú ý nhất là dự án Nhà máy điện mặt trời Xuân Thiện – Ea Súp (Đăk Lăk) có công suất thiết kế 2.800 MWp, tổng mức đầu tư hơn 50.000 tỷ đồng.

Sự xuất hiện của Xuân Thiện trong tờ trình của Cà phê Thắng Lợi được kỳ vọng là một căn cứ quan trọng để dự án điện mặt trời nổi Thắng Lợi thêm cơ sở nhận được cái "gật đầu" của lãnh đạo Đắk Lắk, cũng như xa hơn là Bộ Công thương.

Tất nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc Cà phê Thắng Lợi "xin hộ" dự án cho Xuân Thiện. Và không loại trừ khả năng, đây cũng không phải là "phép tính" của vợ chồng doanh nhân Đỗ Hoàng Phúc.