Trên cương vị tổng thống, ông
Tổng thống Trump có thể trở thành mối đe dọa cho an ninh quốc gia sau khi hết nhiệm kỳ. Ảnh: Nhà Trắng.
Sau khi ông Trump rời Nhà Trắng, các quan chức và nhà phân tích nói với Washington Post rằng họ lo lắng ông sẽ thỉnh thoảng buột miệng hay lỡ lời, từ đó gây ra tình huống khó xử về an ninh quốc gia cho chính quyền mới.
Sự lỡ lời cũng dẫn đến nguy cơ
Mọi tổng thống, ngay cả khi hết nhiệm kỳ, đều nắm những bí mật quốc gia có giá trị. Đó là thủ tục phóng vũ khí hạt nhân, khả năng thu thập thông tin tình báo của nước mình - bao gồm cả mạng lưới nằm sâu trong chính phủ nước ngoài - và sự phát triển của các hệ thống vũ khí mới.
Tuy nhiên, đối với vị tổng thống Mỹ thứ 45, ông hội tụ đủ các tiêu chí của một rủi ro phản gián: công ty gia đình vướng nhiều khoản nợ lớn, và bản thân ông có sự bất mãn với chính quyền, đặc biệt là chính quyền sắp tới của tổng thống đắc cử Joe Biden.
“Bất cứ ai bất bình hoặc không hài lòng với chính quyền đều được xem là nguồn nguy cơ tiết lộ thông tin mật - dù là cán bộ nghỉ hưu hay đương nhiệm. Ông Trump phù hợp với mô tả này”, David Priess, cựu nhân viên CIA, cho biết. Priess là tác giả quyển Những quyển sổ chứa đựng bí mật của tổng thống.
Nhà Trắng không bình luận về quan ngại của giới an ninh.
Là tổng thống, ông Trump có quyền tiếp cận tất cả thông tin mật trong chính phủ. Tổng thống cũng có quyền giải mật và chia sẻ bất kỳ thông tin nào, vì bất kỳ lý do gì.
Sau khi rời nhiệm sở, ông Trump vẫn có quyền tiếp cận thông tin mật liên quan đến chính quyền của mình, theo Washington Post. Tuy nhiên, quyền giải mật sẽ không còn sau khi tổng thống mới tuyên thệ nhậm chức.
Nhiều chuyên gia chỉ ra rằng ông Trump ít khi chú ý trong các buổi cập nhật thông tin tình báo, có thể không hiểu rõ cách thức hoạt động của bộ máy an ninh quốc gia. Tuy nhiên, chính sự lơ là này làm giảm rủi ro lộ tin mật từ ông Trump.
“Một tổng thống hiểu biết và có đầy đủ thông tin nhưng tính cách khó lường mới thực sự là nguy cơ. May mắn là ông Trump không quan tâm mấy đến các buổi cập nhật tình báo”, Jack Goldsmith, người điều hành Văn phòng Cố vấn Pháp lý tại Bộ Tư pháp dưới thời tổng thống George W. Bush, nói với Washington Post.
Tuy nhiên, chuẩn tướng Peter B. Zwack không chia sẻ góc nhìn "lạc quan" như trên. “Ông Trump có lẽ không biết nhiều về các thông tin chi tiết, nhưng ông ấy có từng mảnh ghép”. Tướng Zwack từng là sĩ quan tình báo quân đội và là tùy viên quốc phòng cấp cao của Mỹ tại Nga giai đoạn 2012-2014.
Ông Trump ít có khả năng biết từng chi tiết cụ thể của thông tin tình báo, như tên của một điệp viên hoặc nơi cơ quan tình báo đặt thiết bị giám sát. Tuy nhiên, tổng thống chắc chắn biết quá trình thu thập tình báo, mà đây cũng là thông tin giá trị không kém đối với nước đối thủ.
Theo John Fitzpatrick, cựu sĩ quan tình báo và chuyên gia về các hệ thống an ninh được sử dụng để bảo vệ thông tin mật, những loại thông tin Tổng thống Trump có thể biết bao gồm khả năng quân sự đặc biệt, thông tin về vũ khí mạng và gián điệp, các loại vệ tinh Mỹ sử dụng. Một số hoạt động bí mật chỉ được tiến hành nếu có sự chấp thuận của tổng thống.
Tổng thống Trump cũng nắm thông tin đến từ các mạng lưới tình báo và gián điệp của Mỹ. Do đó, ông có thể vô tình làm lộ nguồn tin, ngay cả khi không biết thông tin đó được thu thập bằng cách nào.
Trong một cuộc họp tại Phòng Bầu dục năm 2017, ông Trump đã tiết lộ với ngoại trưởng Nga và đại sứ nước này tại Mỹ về một "thông tin tuyệt mật".
Cụ thể, tổng thống nói Washington được đồng minh báo tin rằng tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) có thể uy hiếp ngành hàng không, theo Washington Post.
Hành động này gây nguy hiểm cho nguồn tin, theo những người biết về sự cố trên.
Ông Trump đã tiết lộ thông tin tình báo tuyệt mật cho ngoại trưởng và đại sứ Nga tại Mỹ. Ảnh: Getty. |
Bằng cách khoe khoang về khả năng tình báo, Tổng thống Trump gây ra rủi ro cho mạng lưới.
Ông cũng bất cẩn khi cố gắng đe dọa đối thủ. Tháng 8/2019, tổng thống đăng bức ảnh chi tiết về bệ phóng tên lửa của Iran lên Twitter. Những bức ảnh này là một trong những thông tin tình báo tuyệt mật nhất vì nó có thể tiết lộ chính xác khả năng do thám của Mỹ.
Bằng thông tin này, các cơ quan tình báo có thể xác định vệ tinh nào đã chụp bức ảnh, và tìm ra quỹ đạo của nó nhờ tấm ảnh tổng thống đăng tải.
Truy tố hình sự là giải pháp cuối cùng
Ông Trump cũng thể hiện mình sẵn sàng giải mật thông tin vì lợi ích chính trị. Ông thúc ép các quan chức cấp cao tiết lộ tài liệu từ cuộc điều tra năm 2016 về việc Nga can thiệp bầu cử và các mối liên hệ với chiến dịch tranh cử.
Tháng trước, Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia (DNI) John Ratcliffe, người trung thành với Tổng thống Trump, công khai các ghi chú viết tay và thư từ gửi cho FBI liên quan đến thông tin tình báo về Nga mà Mỹ có được.
Trong các ghi chú, DNI tin rằng chiến dịch tranh cử của bà Hillary Clinton cố gắng quy trách nhiệm về sự cố rò rỉ email của đảng Dân chủ cho Nga, nhằm đánh lạc hướng luồng tranh cãi về việc bà Clinton sử dụng email cá nhân.
Tổng thống Trump từng đăng tải ảnh chụp chi tiết bệ phóng tên lửa của Iran lên Twitter. Ảnh: Twitter. |
Những tài liệu giải mật này đã được biên tập lại rất nhiều. Tuy nhiên, chúng có thể hé mở cho chính phủ Nga đầu mối về nguồn tin tình báo quý giá mà Mỹ sở hữu.
Các chuyên gia nhất trí rằng rủi ro lớn nhất mà ông Trump có thể tạo ra khi mãn nhiệm là vô tình tiết lộ thông tin mật. Tuy nhiên, họ cũng không loại trừ khả năng ông Trump có thể trao đổi bí mật để lấy đặc ân, lấy lòng khách hàng tiềm năng ở nước ngoài, hoặc trả đũa những người ông xem là kẻ thù.
Khi rời Nhà Trắng, ông Trump sẽ phải đối mặt với các khoản vay hàng trăm triệu USD do ông tự đứng ra đảm bảo.
“Những người nhiều nợ nần luôn là mối quan tâm của các chuyên gia bảo mật”, Larry Pfeiffer, sĩ quan tình báo kỳ cựu và tham mưu trưởng cựu của Giám đốc CIA Michael V. Hayden, cho biết.
“Những người trong tình huống khó khăn sẽ đưa ra quyết định tồi tệ. Nhiều người từng có hoạt động gián điệp gây hại cho Mỹ là những người có tình trạng tài chính eo hẹp", ông Pfeiifer nói.
Trên thực tế, chính quyền của tổng thống mới không có nhiều lựa chọn để ngăn ông Trump tiết lộ bí mật quốc gia. Các tổng thống sắp mãn nhiệm không ký thỏa thuận không tiết lộ thông tin mật nào.
Tuyến phòng thủ cuối cùng - truy tố hình sự - sẽ tạo ra tình huống chưa từng có. Đạo luật Gián điệp từng được áp dụng thành công để kết tội quan chức và cựu quan chức tiết lộ thông tin gây tổn hại đến an ninh quốc gia của Mỹ.
Nhưng đạo luật này chưa bao giờ được sử dụng để chống lại một cựu tổng thống.
Sau khi rời Nhà Trắng, ông Trump sẽ trở thành công dân bình thường, nên quyền miễn trừ truy tố hình sự của ông sẽ không còn.
Link nội dung: https://phano.net.vn/nguy-co-ro-ri-tin-tuyet-mat-sau-khi-ong-trump-roi-nha-trang-a9998.html