Người dân ở chung cư New City (dự án có nguồn gốc từ dự án 1.330 căn hộ thuộc quỹ nhà tái định cư cho Khu đô thị mới Thủ Thiêm) cho biết, từ năm 2018, Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại Thuận Việt dù không phải là chủ đầu tư dự án nhưng đã ký Hợp đồng mua bán căn hộ với khách hàng.
Trước đó, công ty này thuộc liên danh nhà thầu xây dựng quỹ nhà 1.330 căn hộ cho thành phố. Khi thành phố thanh lý hợp đồng với liên danh này, dự án 1.330 căn hộ tái định cư trở nên “lơ lửng” về pháp lý, vì phần nhà đã xây thì thuộc sở hữu của liên danh nhà thầu, còn phần đất vẫn là đất công, thuộc quản lý của nhà nước.
Ngày 26/6/2019, Thanh tra Chính phủ có Thông báo số 1041/TB-TTCP, về công tác quản lý nhà nước và thực hiện pháp luật trong quy hoạch, quản lý xây dựng, đất đai tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, cho biết, TP.HCM đã thanh lý hợp đồng đầu tư xây dựng dự án 1.330 căn hộ, khi chưa có ý kiến chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ về giao đất là trái quy định tại Điểm I, Khoản 2, Điều 118, Luật Đất đai năm 2013.
Nội dung kết luận của thanh tra nêu rõ, nhà đầu tư (Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại Thuận Việt) đã thay đổi dự án New City, từ nhà tái định cư sang nhà ở thương mại. Nhà đầu tư này đã chuyển nhượng cho người mua 1.122 căn hộ.
Để bán được căn hộ cho hàng ngàn khách hàng, Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại Thuận Việt đưa ra thông tin doanh nghiệp này đã hoàn thành việc “tạm nộp” tiền sử dụng đất. Doanh nghiệp này cũng đưa ra những văn bản cho thấy, theo phương án trình UBND TP.HCM, Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại Thuận Việt được tạm nộp tổng giá trị quyền sử dụng đất dự án New City là 712.218.000.000 đồng. Con số này tương ứng đơn giá quyền sử dụng đất tạm nộp 26 triệu/m2, và diện tích dự án là 27.393m2. Đơn giá được xem là quá bèo so với vị trí đắc địa tại khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn luật sư TP.HCM cho rằng, trong hệ thống các văn bản pháp luật hiện hành, không có một quy định nào khái niệm “tạm nộp tiền sử dụng đất”, việc “tạm nộp tiền sử dụng đất”. Nhưng trong quá trình quản lý điều hành, thì các cơ quan chức năng lại ưu ái áp dụng cho chủ đầu tư, giống như trường hợp đã nộp hết tiền sử dụng đất. Từ đó dẫn đến tình trạng nhiều cơ quan biết, nhưng vẫn cho chủ đầu tư thực hiện việc thẩm định thiết kế, cấp phép xây dựng, hoàn công.
Như vậy, nhiều trường hợp chủ đầu tư đã được chính quyền cởi mở bằng việc “tạm nộp tiền sử dụng đất” một phần. Qua đó, chủ đầu tư được nhiều cơ quan cho phép triển khai dự án và không xử lý việc bán, bàn giao nhà cho khách hàng đưa vào sử dụng.
“Do đó, việc cấp giấy phép xây dựng, giao dịch với khách hàng khi chưa có thông báo Sở Xây dựng (hoặc Sở Xây dựng xác nhận đủ điều kiện giao dịch) khi dự án chỉ mới “tạm nộp tiền sử dụng đất”, mà chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất là không đúng quy định pháp luật. Việc “tạm nộp” chỉ xuất hiện ở một số chủ đầu tư và không có trong hệ thống văn bản pháp luật”, luật sư Phượng cho biết.
Được biết, thời điểm cuối năm 2017, Chủ tịch UBND TP.HCM, ông Nguyễn Thành Phong là người đã mạnh dạn với các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, bằng việc “tạm nộp” tiền sử dụng đất. Cơ chế này hoàn toàn không có trong quy định pháp luật, và chỉ một số ít doanh nghiệp được ưu ái. Đến nay, hàng chục ngàn hộ dân ở hàng loạt dự án đang phải chịu cảnh “treo” sổ hồng, do chính quyền đã ưu ái cho doanh nghiệp, ra những quyết định trái luật.
Tại dự án New City, dù Thanh tra Chính phủ đã chỉ rõ sai phạm từ giữa năm 2019, nhưng đến nay TP.HCM vẫn chưa có những giải pháp thực sự hiệu quả để ngăn chặn việc dự án này tiếp tục rao bán kèm những rủi ro cho khách hàng. Việc Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại Thuận Việt chỉ là nhà thầu xây dựng tự mạo nhận chủ đầu tư, rồi ký Hợp đồng mua bán với khách hàng, đến nay vẫn chưa được công bố xử phạt.
Hiện tại, dự án tiếp tục được rao bán qua đơn vị môi giới là Việt Á Real, Hoozing... Nhiều môi giới vẫn ra sức thuyết phục khách hàng rằng, dự án đã chuyển từ tái định cư sang thương mại, nhưng việc này đã được Thanh tra Chính phủ chỉ rõ là trái Luật Đất đai. Public Bank vẫn cho khách hàng vay mua căn hộ dù trước đó, Vietinbank đã rút lui vì dự án không đủ điều kiện pháp lý.
Sở Tài nguyên và Môi trường liệu có tháo được “ngòi nổ”?
Thời gian qua, nhiều dự án trên địa bàn TP.HCM đã xảy ra tình trạng người dân tụ tập căng băng rôn, tranh chấp căng thẳng vì tình trạng chậm ra sổ hồng. Trong bối cảnh đó, ngày 15/9, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM tổ chức buổi lễ trao 1.000 “sổ hồng tượng trưng”, cho 16 dự án (đây là những dự án đã làm đúng quy định, lẽ ra phải được cấp sổ hồng sớm hơn).
Tại buổi lễ, nhiều “thành tích” ấn tượng được chính Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Toàn Thắng nêu lên. Trong đó, nổi bật nhất là thông tin tính đến tháng 8/2020, thành phố đã cấp được hơn 1,5 triệu giấy chứng nhận, đạt tỉ lệ hơn 97%.
Một con số quá tuyệt vời, xua tan đi những thông tin tiêu cực về việc chậm cấp sổ hồng! Tuy nhiên, thời điểm thống kê đã bị che giấu. Và sự thật cũng đã bị phơi bày ngay sau đó.
Theo HoREA, con số hơn 1,5 triệu giấy chứng nhận được cấp là cộng dồn từ năm 1993 đến nay. Số liệu này không liên quan trực tiếp đến việc đánh giá hiệu quả và chất lượng công tác giải quyết cấp “sổ hồng” dự án nhà ở tại Sở Tài nguyên và Môi trường. Vậy phải chăng ông Nguyễn Toàn Thắng cố tình nhận “nhầm” thành tích từ nhiều nhiệm kỳ trước, để che lấp sự trì trệ trong nhiệm kỳ ông làm Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường?
Bên cạnh đó, việc chính quyền tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bằng những thủ tục hành chính trái luật, đẩy người dân vào tình thế bị thiệt thòi quyền lợi như ở dự án New City sẽ còn kéo dài đến bao giờ? Câu trả lời thỏa đáng cho cư dân New City và những hoàn cảnh tương tự phải là hành động thiết thực, chứ không phải là buổi lễ trao 16 “sổ hồng” to nhất Việt Nam, như đã từng được Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức.
Link nội dung: https://phano.net.vn/hang-ngan-dan-thu-thiem-bi-treo-so-hong-do-loi-chinh-quyen-a9994.html