Phát triển đô thị thông minh: Nhiệm vụ cốt lõi trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia Đảm bảo an ninh mạng: Ưu tiên sử dụng các sản phẩm “Make in Vietnam” |
Các cuộc tấn công mạng ngày càng nguy hiểm, tinh vi
Ngày 10/11, tại Hà Nội, đã diễn ra Hội thảo và Triển lãm quốc tế về an toàn, an ninh mạng Việt Nam 2020 (Vietnam Security Summit 2020) với chủ đề “An toàn bảo mật thông tin trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn”, dưới sự bảo trợ và chỉ đạo của Ban Kinh tế Trung ương và Bộ Thông tin và Truyền thông; Tập đoàn IEC phối hợp cùng Vụ Công nghiệp (Ban Kinh tế Trung ương) và Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) đồng tổ chức sự kiện.
TS. Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh: Bảo đảm an toàn, an ninh mạng được coi là yếu tố then chốt để chuyển đổi số thành công |
Phát biểu khai mạc diễn đàn, TS. Nguyễn Đức Hiển - Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương - cho biết: Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã xác định ngành an toàn, an ninh mạng là một trong những ngành ưu tiên, đồng thời nhấn mạnh nhiệm vụ xây dựng và triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 30-NQ/TW, ngày 25/7/2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược an ninh mạng quốc gia.
Bảo đảm an toàn, an ninh mạng được coi là yếu tố then chốt để chuyển đổi số thành công và bền vững, đồng thời là phần xuyên suốt, không thể tách rời của chuyển đổi số. Quá trình chuyển đổi số dẫn đến số lượng thiết bị IoT và dung lượng dữ liệu sinh ra, được xử lý tăng theo cấp số nhân. Dữ liệu này đã trở thành tài nguyên quan trọng của quốc gia cũng như của mỗi tổ chức và cá nhân nhưng cùng với đó, các nguy cơ về đánh cắp, hủy hoại và giả mạo thông tin, dữ liệu ngày càng tăng cao.
Thực tiễn cho thấy, chúng ta đang phải đối mặt với các cuộc tấn công mạng ngày càng nguy hiểm, tinh vi hơn. Để an toàn hơn trên không gian mạng, mỗi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người sử dụng phải luôn sẵn sàng để ứng phó các nguy cơ, mối đe dọa. “Tại Việt Nam, theo số liệu thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, trong 10 tháng đầu năm 2020, số lượng cuộc tấn công mạng gây ra sự cố đã ghi nhận là 4.161 cuộc, trung bình 1 ngày chúng ta đã cảnh báo và xử lý cho khoảng 14 cuộc tấn công mạng” - TS. Nguyễn Đức Hiển dẫn chứng.
Đồng quan điểm, đại tá Nguyễn Đăng Lực - Phó Trưởng ban Cơ yếu chính phủ - nhận định: Thời gian gần đây, các cuộc tấn công mạng, gián điệp, tội phạm mạng không ngừng gia tăng nhằm đánh cắp dữ liệu, thông tin bí mật nhà nước, phá hoại hệ thống thông tin. Ngày càng nhiều tổ chức tội phạm mạng, tổ chức phản động được thành lập, hoạt động tinh vi, gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, đe dọa đến trật tự an toàn xã hội, sự ổn định chính trị, an ninh quốc gia.
Theo báo cáo của Trung tâm Công nghệ thông tin và Giám sát an ninh mạng, Ban Cơ yếu chính phủ đang triển khai giám sát, đảm bảo an toàn thông tn cho 20 mạng công nghệ thông tin trọng yếu của cơ quan Đảng, Nhà nước và hệ thống Chính phủ điện tử, trung bình hàng năm phát hiện hàng trăm nghìn tấn công mạng nguy hiểm nhằm vào hệ thống mạng công nghệ thông tin các cơ quan trọng yếu của Đảng và Nhà nước. Từ đầu năm 2020 đến nay, đã ghi nhận hơn 500.000 cảnh báo tấn công mạng với nhiều hình thức tinh vi, trong đó phần lớn liên quan đến tấn công khai thác lỗ hổng bảo mật và tấn công sử dụng mã độc.
Quyết liệt bảo đảm an ninh mạng
Trong thời gian qua, công tác bảo đảm an ninh mạng đã được Đảng, Chính phủ quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt; các cơ quan có chức năng và vai trò chính như Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Cơ yếu chính phủ, Bộ Công an, Bộ Tư lệnh 86 đã có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ và hiệu quả.
Qua tổng hợp, phục vụ xây dựng Báo cáo sơ kết 1 năm triển khai Nghị quyết 52-NQ/TW của các bộ, ngành, địa phương cho thấy, riêng trong lĩnh vực bảo đảm an ninh, an toàn thông tin, số bộ, ngành địa phương triển khai bảo đảm an ninh thông tin theo mô hình 4 lớp đạt 82% (trong đó các bộ, ngành đạt 65%, địa phương đạt 87%); đã triển khai trung tâm giám sát, điều hành an toàn thông tin mạng (SOC) bảo vệ 2 lớp đạt 95% (trong đó các bộ, ngành đạt 82% và địa phương đạt 97%); triển khai giám sát từ xa cho 85 cơ quan, trực tiếp cho 15 cơ quan tại 23 địa điểm; cấp tài khoản giám sát kỹ thuật và tài khoản giám sát thông tin trên hệ thống của Trung tâm Giám sát an toàn an ninh mạng quốc gia cho 63 Sở Thông tin và Truyền thông.
Đến nay, đã có 215 cơ quan tham gia mạng lưới ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng. Về phát triển thị trường và hệ sinh thái sản phẩm an toàn thông tin mạng, Bộ Thông tin và Truyền thông đã thực hiện cấp phép cho 87 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực an toàn thông tin mạng, tỷ lệ nhóm chủng loại sản phẩm an toàn thông tin nội địa chiếm khoảng 72,7% so với hệ sinh thái sản phẩm an toàn thông tin mạng; đã thành lập liên minh phát triển sản phẩm an toàn thông tin mạng Việt Nam với sự tham gia của 21 doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, cơ chế, chính sách phát triển hạ tầng an toàn, an ninh thông tin đã được chú trọng hoàn thiện, đã hoàn thành xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021-2030, ban hành hướng dẫn về danh mục yêu cầu bảo đảm an toàn thông tin cho trạm gốc 5G, ban hành 13 tiêu chuẩn quốc gia về an toàn thông tin mạng, 9 văn bản hướng dẫn chi tiết cho các bộ, ngành, địa phương phục vụ công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng… Những nỗ lực đó đã góp phần nâng cao xếp hạng của Việt Nam về an toàn, an ninh mạng.
Năm 2021, một số nghiên cứu quốc tế đã dự báo các chi phí liên quan đến vấn đề vi phạm bảo mật, tội phạm mạng, an ninh mạng sẽ tiêu tốn của các tổ chức, doanh nghiệp trên thế giới 24,7 USD mỗi phút, tăng 2 USD mỗi phút so với năm 2020, điều này có nghĩa là sẽ mất ít nhất 11,4 triệu USD mỗi phút cho các vấn đề liên quan đến vi phạm an ninh mạng trong năm 2021, tăng 100% so với năm 2015. Dự báo tính trung bình, cứ mỗi phút sẽ có 1,5 cuộc tấn công vào máy tính có kết nối Internet, 375 mối đe dọa mới được phát hiện, 16.172 bản ghi dữ liệu bị xâm phạm…
Triển lãm quốc tế về an toàn, an ninh mạng Việt Nam |
Đối với Việt Nam, năm 2021 là năm diễn ra Đại hội khóa XIII của Đảng; năm đầu tiên Việt Nam triển khai thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu đến năm 2030 trở thành nước có nền công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao… Việt Nam phải thực hiện mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số trong tất cả các ngành, các lĩnh vực.
“Vì vậy, nhiệm vụ bảo đảm an ninh mạng tiếp tục được coi là nhiệm vụ trọng yếu, then chốt cần được đặc biệt ưu tiên trong thời gian tới, nhất là trong bối cảnh các doanh nghiệp chuyển đổi mô hình kinh doanh và tăng cường áp dụng công nghệ số trước tác động của dịch Covid-19 và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư” - TS. Nguyễn Đức Hiển nêu.
Ở góc độ của Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Nguyễn Khắc Lịch - Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin - chia sẻ, muốn Việt Nam trở thành cường quốc về an ninh mạng, lọt vào nhóm 30 nước dẫn đầu về chỉ số an toàn, an ninh mạng (GCI) vào năm 2030, chúng ta cần tập trung phát triển định hướng theo 5 trụ cột gồm pháp lý, kỹ thuật, tổ chức, nâng cao năng lực, hợp tác.
“Mục tiêu lọt vào nhóm 30 các nước dẫn đầu về chỉ số GCI là một mục tiêu đầy thách thức. Thực hiện mục tiêu này không phải là “ngày một, ngày hai” mà cần có một chiến lược và lộ trình thực hiện cụ thể” - ông Nguyễn Khắc Lịch nói, đồng thời khẳng định, an toàn thông tin là yếu tố sống còn, không thể tách rời quá trình chuyển đổi số quốc gia.
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, bảo đảm an ninh mạng được Việt Nam xác định có vị trí đặc biệt quan trọng, là nhiệm vụ trọng yếu thường xuyên, vừa cấp bách, vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị, của toàn dân, của các cấp, các ngành. |
Link nội dung: https://phano.net.vn/bao-dam-an-toan-an-ninh-mang-yeu-to-then-chot-de-chuyen-doi-so-a9922.html