Trong bối cảnh nợ xấu taị các ngân hàng đang tăng đáng kể trong 9 tháng vừa qua, hoạt động rao bán, phát mại tài sản cũng đang được các nhà băng đẩy mạnh.
NHIỀU BẤT ĐỘNG SẢN GIÁ TRỊ LỚN ĐƯỢC NGÂN HÀNG PHÁT MẠI
Mới đây, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam (Vietinbank)- Chi nhánh Tp.HCM thông báo bán đấu giá 3 khoản nợ với tổng giá trị khởi điểm là 2.634 tỷ đồng.
Bao gồm khoản nợ 828,7 tỷ của Công ty Cổ phần Đầu tư Quốc tế Liên Hiệp Quốc và khoản nợ 1.371 tỷ đồng của Công ty Cổ phần Đầu tư Phương Nam Land.
Khoản nợ của 2 công ty trên được đảm bảo bằng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất tại số 117 Nguyễn Đình Chiểu, phường 6, quận 3, Tp.HCM (dự án Léman Luxury Apartments) và Tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai tại 117 Nguyễn Đình Chiểu, phường 6, quận 3, Tp.HCM (Trung tâm thương mại, dịch vụ, khách sạn, căn hộ cho thuê), không bao gồm tầng hầm B1 và 6 tầng thương mại (từ tầng 1 đến tầng 6); Nhà, đất tại số 136 Trần Huy Liệu, Phường 15, quận Phú Nhuận, Tp.HCM; 5 tài sản tại xã Vĩnh Thạnh, TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa và cơ số cổ phần/cổ phiếu.
Khoản nợ thứ 3 là 397,5 tỷ đồng của Công ty TNHH MTV Vina Mall được bảo đảm bằng Quyền tài sản phát sinh từ phần vốn góp tại Công ty TNHH MTV Vina Mall và Quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng mua bán tài sản số 225/2016/HĐMBCH - C.TPN ngày 8/6/2016 giữa Công ty Cổ phần Đầu tư Phương Nam Land và Công ty TNHH MTV Vina Mall (là Khối đế gồm tầng hầm B1 và 6 tầng thương mại từ tầng 1 đến tầng 6 của tòa nhà xây dựng tại 117 Nguyễn Đình Chiểu, Phường 6, Quận 3, Tp.HCM. Diện tích tạm tính: 17.380 m2).
Ba công ty liên quan đến khoản nợ này đều có liên quan đến Tập đoàn C.T Group - tập đoàn bất động sản lớn của ông Trần Kim Chung.
Ở ngân hàng lớn khác là Vietcombank, một bất động sản mới đây cũng được đưa ra phát mại là Nhà xưởng sản xuất gạo tại Thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang với giá 199 tỷ đồng. Trong vòng 1 tháng, bất động sản này được rao bán 3 lần nhưng chưa có người mua trong khi giá trị mỗi lần rao bán đều giảm cả chục tỷ đồng.
Trong năm vừa qua, các ngân hàng liên tục đưa ra thông tin rao bán, phát mại bất động sản, thế nhưng việc nhiều tài sản dù liên tục giảm giá và nhiều lần rao bán không thành là tình trạng chung ở các nhà băng hiện nay.
HƠN 300 TỶ USD BẤT ĐỘNG SẢN ĐANG THẾ CHẤP TẠI 20 NGÂN HÀNG
Báo cáo tài chính tự lập của các ngân hàng thường hiếm đưa ra con số bất động sản thế chấp.
Báo cáo soát xét bán niên của 20 ngân hàng có thuyết minh hạng mục này cho thấy, đến giữa năm 2020, tài sản thế chấp, cầm cố là bất động sản ở 20 ngân hàng này có tổng giá trị trên 7,3 triệu tỷ đồng (tương đương hơn 313 tỷ USD) và con số này vẫn ngày một tăng. So với cuối năm 2019, tổng tài sản trên đã tăng hơn 9,5%.
Hai ngân hàng quốc doanh là Agribank và Vietinbank đang có giá trị bất động sản thế chấp lớn nhất (trên 1 triệu tỷ đồng). Tính đến 30/6/2020 đang có 10 ngân hàng có giá trị bất động sản thế chấp chiếm trên 200 nghìn tỷ đồng.
Thông tin từ 17 ngân hàng thương mại niêm yết cho thấy nợ xấu tăng đáng kể trong quý 3/2020. Vào cuối tháng 9 năm 2020, các ngân hàng này ghi nhận 97.280 tỷ đồng nợ xấu, tăng 30,7% so với cuối năm 2019, và tỷ lệ nợ xấu tương đương 1,8% tổng tài sản. VDSC cho rằng nhiều khả năng nợ xấu tiếp tục gia tăng trong thời gian tới do ảnh hưởng của đại dịch, và vượt ngưỡng 3,0% do Ngân hàng Nhà nước đặt ra vào năm 2021.
Dù phần lớn ngân hàng không tiếp tục thuyết minh phần này trong báo cáo tự lập quý 3, tuy nhiên con số từ 8 ngân hàng công bố cho thấy giá trị bất động sản cầm cố vẫn tiếp tục tăng.
Cụ thể, tổng giá trị bất động sản thế chấp ở 8 nhà băng là Vietcombank, VPBank, Techcombank, VIB, MSB, Kienlongbank, BVB và PGBank chiếm 2.138 nghìn tỷ đồng, tăng 24% so với cuối năm ngoái.
Trong khối tài sản thế chấp khổng lồ này, nhiều bất động sản được rao bán để xử lý nợ xấu, tuy nhiên với diễn biến thị trường bất động sản hiện tại, các bất động sản thế chấp sẽ còn khó xử lý hơn.
(Theo VnEconomy)
Link nội dung: https://phano.net.vn/hon-300-ty-usd-bat-dong-san-dang-the-chap-tai-20-ngan-hang-a9754.html