Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội tại hội trường. |
Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trình bày kế hoạch cơ cấu hệ thống trường dạy nghề hướng tới đào tạo nguồn lao động chất lượng cao, cạnh tranh được với các nước…
Sáng 9/11, tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn trước Quốc hội, trả lời câu hỏi của đại biểu Đỗ Thị Lan về vấn đề quy hoạch mạng lưới giáo dục nghề nghiệp quốc gia, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung thông tin, sau 3 năm tổ chức việc sắp xếp mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp này, đến nay, cả nước đã hoàn thiện toàn bộ mạng lưới quy hoạch bằng pháp luật. Các địa phương, cơ sở, bộ ngành cũng đã hoàn thành việc rà soát, sắp xếp các đơn vị trong mạng lưới này.
Bộ trưởng nêu con số, riêng năm 2020, cả nước đã giảm được từ 1.996 cơ sở giáo dục nghề nghiệp xuống còn 1.909; giảm được 77 cơ sở công lập. Bộ trưởng khẳng định, điều đó có nghĩa ngành đã hoàn thành kế hoạch mục tiêu đề ra trước năm 2021 theo quy định.
Trong 3 năm qua, ngành lao động cũng đã hoàn thành 103-107 kế hoạch đào tạo. Riêng giáo dục nghề nghiệp, diễn đàn kinh tế thế giới từ chỗ không xếp hạng, đến nay đã đưa Việt Nam vào bảng xếp hạng, ở mức 90/158 quốc gia. Kết quả xếp hạng năm 2020 đã tăng 10 bậc so với năm 2019.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, thời gian tới, ngành đã được Thủ tướng giao trình Chính phủ kế hoạch hành động trước tháng 4/2021 về việc sắp xếp cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tập trung theo hướng “2 trong 1” và “3 trong 1” (là giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên, giáo dục tổng hợp).
Các trung tâm đào tạo “2 trong 1”, “3 trong 1” này, theo Bộ trưởng, ngoài nhiệm vụ đào tạo còn là cánh tay nối dài của cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Tư lệnh ngành lao động cũng nêu quan điểm kiên quyết giải thể các cơ sở giáo dục nghề nghiệp yếu kém, 3 năm liền hoạt động không hiệu quả, đồng thời sáp nhập các cơ sở có trùng chức năng, nội dung đào tạo. Mục tiêu, mỗi địa phương chỉ còn lại 1-2 cơ sở. Các cơ sở này sẽ đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực theo 3 hệ trung cấp, cao đẳng và sơ cấp theo hướng mở.
Bộ trưởng Dung nhấn mạnh việc khuyến khích thành lập các cơ sở đào tạo nghề tư thục có vốn đầu tư nước ngoài gắn với yêu cầu đào tạo nhân lực cho doanh nghiệp (đào tạo “đặt hàng).
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng muốn đầu tư hình thành hệ thống giáo dục chất lượng cao, ngành nghề trọng điểm đã được quy hoạch, dự kiến công bố ngay khung trình độ quốc gia theo khung tham chiếu ASEAN để triển khai, tổ chức công nhận văn bằng chứng chỉ với các nước có trình độ phát triển cao, trong đó tập trung 3 quốc gia Australia, Nhật, Đức.
Áp dụng một số phương thức đào tạo mới gắn với xã hội số như giáo dục trực tuyến, nhất là với lứa học sinh ở độ tuổi phân luồng, vừa học vừa làm việc từ xa.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu thông tin, ngành Lao động đặt mục tiêu đến 2030, Việt Nam đạt trình độ đào tạo nghề tiên tiến ASEAN, trong đó có 100 trường nghề chất lượng cao, 15 trường đạt chất lượng quốc tế, 50 trường tiếp cận trình độ ASEAN 4. Quy mô tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp sẽ gấp 3 lần hiện nay.
Bộ trưởng bày tỏ tin tưởng, với cách làm sáng tạo như vậy, việc thực hiện các mục tiêu được giao sẽ khả thi.
| ĐBQH. Lưu Bình Nhưỡng: Chúng ta không nên ‘ăn xổi ở thì’ với thiên nhiên TGVN. Theo ĐBQH. Lưu Bình Nhưỡng, chúng ta phải lấy thước đo an toàn của con người, xã hội, của nền kinh tế, tránh tình ... |
| PGS. TS. Nguyễn Văn Nhã: Không nên xem giáo dục như một thương vụ kiểu 'tiền nào của nấy' TGVN. Chia sẻ với báo TG&VN, PGS. TS. Nguyễn Văn Nhã (nguyên Trưởng ban Đào tạo - Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, ... |
| ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu: Nếu chúng ta không thay đổi... TGVN. ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu cho biết, vừa trở về từ miền Trung, ông thấu hiểu tình cảm của cả nước hướng về khúc ruột ... |
Link nội dung: https://phano.net.vn/bo-truong-dao-ngoc-dung-muc-tieu-den-2030-viet-nam-dat-trinh-do-dao-tao-nghe-tien-tien-asean-a9706.html