Truyền thông thế giới đang xôn xao trước kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, các cuộc giao tranh trong và xung quanh Nagorno-Karabakh và làn sóng dịch COVID-19. Tuy nhiên, tình hình ở Syria vẫn nằm trong tầm ngắm của các nhà phân tích và các nhà khoa học chính trị.
Tuy nhiên, diễn biến ở Syria cũng thu hút sự chú ý của các phương tiện truyền thông quốc tế, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến quan hệ giữa Nga và Cộng hòa Hồi giáo Iran (IRI).
Iran là quốc gia đầu tiên tham gia cuộc nội chiến nổ ra ở Syria vào năm 2011. Chính Tehran đã hỗ trợ khẩn cấp cho Tổng thống Bashar Assad, ngăn chặn lực lượng đối lập lật đổ ông Assad. Tuy nhiên, những gì xảy ra tiếp theo đã không diễn ra theo cách mà Tehran mong đợi.
Vào mùa hè năm 2014, tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (hay còn gọi là IS) đã nắm quyền kiểm soát phần phía đông của đất nước, tuyên bố thành lập một “nhà nước” ở các vùng của Syria và Iraq.
Vào năm 2015, quân chính phủ Syria, quân đội của Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), do Tướng Qasem Soleimani chỉ huy đã phải chịu một loạt thất bại nghiêm trọng.
Để cứu vãn tình hình, Tướng Soleimani có hai chuyến thăm tới Moscow vào cuối tháng 7 và đầu tháng 8/2015, để thảo luận về tình hình ở Syria.
Ngay sau đó, Nga nhận được yêu cầu hỗ trợ chính thức từ Damascus và vào ngày 30/9, Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga đã tiến hành các chiến dịch quân sự nhắm vào những kẻ khủng bố IS, và tiêu diệt các nhóm khủng bố ở Syria và Syria duy trì vị thế chủ quyền của đất nước.
Trước những thành công của lực lượng chống khủng bố ở Syria, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết đã đến lúc phải rút toàn bộ lực lượng vũ trang nước ngoài khỏi Syria.
“Chúng tôi tin rằng sau những chiến thắng quan trọng của lực lượng vũ trang Syria trong cuộc chiến chống khủng bố và với việc bắt đầu tiến trình chính trị tích cực hơn ở đó, các lực lượng vũ trang nước ngoài sẽ được rút khỏi lãnh thổ của Cộng hòa Ả Rập Syria”, Tổng thống Putin chia sẻ khi gặp ông Bashar Assad ở Sochi ngày 17/5/2018.
Tuyên bố của ông Putin gây phản ứng trái chiều ở Tehran. Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif tuyên bố các lực lượng Iran đang ở Syria dưới sự cho phép chính thức của chính quyền Syria, đồng thời ám chỉ rằng Tehran sẽ không rời khỏi lãnh thổ quốc gia Trung Đông này.
Nga coi trọng quan hệ hữu nghị với Syria và tôn trọng lợi ích của nước này cả ở Damascus cũng như ở Trung Đông nói chung. Thêm nữa, một điều quan trọng không kém là việc Nga rất đề cao việc Syria giữ quan hệ bình thường với các nước láng giềng của mình, như Israel và Thổ Nhĩ Kỳ.
Sau khi tiêu diệt tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng, Moscow tin rằng cần phải hình thành một “Syria mới”. Và điều này chỉ có thể được đảm bảo bằng các biện pháp hòa bình thông qua quy trình lập hiến có sự tham gia của tất cả các bên liên quan bao gồm cả những người phản đối Bashar Assad.
Trong suốt 5 năm hiện diện tại Syria, Nga đã tổ chức lại, hiện đại hóa và trang bị cho quân đội Syria, nâng cao trình độ chuyên môn, khôi phục lực lượng chỉ huy và sự sẵn sàng chiến đấu. Nga cũng góp phần vào việc tổ chức lại đội quân đặc nhiệm tinh nhuệ Hổ Syria và giành nhiều chiến thắng trước khủng bố.
Hồi sinh các lực lượng vũ trang cho nhà nước Syria, Nga đã góp phần củng cố chính quyền ông Bashar Assad.
Về phần mình, Iran coi Syria là tiền đồn trong cuộc đấu tranh chiến lược chống lại Israel. Tehran đã hy sinh rất lớn về nhân lực và vật chất để xây dựng “pháo đài” này. Kể từ năm 2011, Tehran được cho là đã chi từ 5 tỷ đến 20 tỷ USD hàng năm để hỗ trợ Damascus.
Tại Syria, Iran đang thiết lập các căn cứ quân sự của mình trên những địa bàn chiến lược nhất và xây dựng các kho chứa vũ khí, khí tài, vật chất kỹ thuật.
Iran cũng đang tiến hành mở rộng kinh tế quy mô lớn ở Syria. Người Iran tích cực mua bất động sản ở Syria. Iran đang tích cực mở rộng sự hiện diện của mình trong nhiều lĩnh vực kinh tế của Syria.
Về phía Thổ Nhĩ Kỳ, các nước Ả Rập theo dòng Sunni, Mỹ và Israel đều tỏ ra cảnh giác với chính sách của Tehran ở Syria.
Iran coi Israel là đối thủ chính của họ trong khu vực. Đối với Nga, Israel là một đối tác đáng tin cậy với việc hai nước có quan điểm chung về nhiều khía cạnh của vấn đề Syria. Vì vậy, ngay trước khi bắt đầu chiến dịch trên không của Nga ở Syria (ngày 30/9/2015), Nga và Israel đã thiết lập một trung tâm điều phối đặc biệt để đảm bảo sự tương tác giữa quân đội của họ trong khu vực này.
Nga và Israel duy trì các mối quan hệ chính trị và kinh tế chặt chẽ, bao gồm mối quan hệ thường trực ở cấp cao nhất, tương tác trong cuộc chiến chống khủng bố, trong lĩnh vực an ninh và tình báo, trong lĩnh vực quân sự-kỹ thuật và thăm dò không gian. Năm 2019, thương mại của Nga với Nhà nước Do Thái ở mức 2,25 tỷ USD, trong khi với Iran - chỉ 1,59 tỷ USD.
Mối quan hệ giữa người Nga và người Israel cũng đang phát triển nhanh chóng. Trong vài năm nay, máy bay chiến đấu của Israel đã tấn công các cơ sở của Iran và Hezbollah ở Syria với tần suất một lần/tuần. Khi cuộc tấn công xảy ra, lực lượng phòng không Nga không nhắm vào các máy bay chiến đấu của Israel vì Moscow muốn tránh leo thang xung đột.
Nga đang đóng góp rất nhiều vào việc giảm căng thẳng giữa một bên là Israel với Iran và các vệ tinh của nước này.
Mặc dù không có cuộc đối đầu nghiêm trọng nào giữa Moscow và Tehran ở Syria, nhưng những năm qua đôi lúc chứng kiến các cuộc đụng độ giữa các lực lượng an ninh thân Nga và thân Iran ở đó. Tuy nhiên, điều này chắc chắn không thể dẫn đến một cuộc đối đầu trực tiếp giữa Nga và Iran.
Nói về tương lai, các chuyên gia về Syria và Iran cho rằng Tehran khó có thể sớm rời khỏi Syria. Như Tướng Chvarkov đã nhấn mạnh, “việc Iran đến Syria là để ở lại và điều này được ghi dấu bằng các hiệp ước đã được ký kết giữa Syria và Iran gần đây”.
Link nội dung: https://phano.net.vn/ly-do-khien-nga-doi-dien-voi-su-cung-dau-cua-iran-tai-syria-a9703.html