Về mặt Hiến pháp, không có luật nào quy định Tổng thống Trump phải nhận thua.
Nhưng nếu không nhượng bộ trước ông Biden, người đứng đầu Nhà Trắng sẽ trở thành tổng thống Mỹ thời hiện đại đầu tiên bỏ qua “truyền thống” đánh dấu sự chuyển giao hòa bình giữa hai chính phủ.
Đa dạng trong cách nhượng bộ
Hầu hết bài phát biểu nhận thua đều bày tỏ sự thiện chí, ít đề cập đến người thất cử và tập trung hơn vào tổng thống đắc cử. Một số người còn xen lẫn chút hài hước để bài diễn văn bớt khô khan.
Richard Nixon, người thất bại trước John F. Kennedy trong cuộc bầu cử năm 1960, đã nói trong bài phát biểu của mình: “Một trong những đặc trưng của nước Mỹ nằm ở những trận đấu trên chính trường. Đây đều là những cuộc bầu cử hết sức cam go. Do đó, một khi kết quả cuối cùng được ấn định, chúng ta cùng đoàn kết lại để ủng hộ người được cử tri tin tưởng”.
Cựu Tổng thống Mỹ Richard Nixon công khai nhượng bộ trước John F. Kennedy năm 1960. Ảnh: A&E Television. |
Tương tự, khi Jimmy Carter thất cử vào năm 1980, ông công khai thể hiện sự nhượng bộ trước đối thủ: “Người dân Mỹ đã đưa ra lựa chọn của họ. Tất nhiên, tôi tôn trọng và chấp nhận quyết định đó”.
Sau khi thất bại trong nỗ lực tái đắc cử vào năm 1992, George H.W. Bush trích lời của cố Thủ tướng Anh Winston Churchill và hài hước nói rằng bản thân “đã bị sa thải”.
Tổng thống Mỹ thứ 41 cũng cho biết ông sẵn sàng chấp nhận thua cuộc vì “sự cống hiến sâu sắc của ông đối với nền chính trị mà đất nước này đã xây dựng trong hai thế kỷ”.
Cựu Tổng thống Mỹ George H.W. Bush tuyên bố thua cuộc trước Bill Clinton vào năm 1992. Ảnh: AP. |
Truyền thống nhượng bộ khi thất cử có chút vấp váp vào năm 2000 khi Al Gore kêu gọi George W. Bush nhận thua, song sau đó tự công khai rút lui.
Khi Tòa án Tối cao đưa ra phán quyết cuối cùng về những lùm xùm xoay quanh cuộc bầu cử, ông Gore đã có bài phát biểu nhượng bộ đối thủ lần thứ hai.
“Chỉ vài phút trước, tôi đã nói chuyện với George W. Bush và chúc mừng ông ấy đã đắc cử tổng thống Mỹ thứ 43”, ông Gore nói.
Ứng viên tổng thống đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử năm 2000, cựu Phó tổng thống Al Gore. Ảnh: AP. |
Hầu hết bài phát biểu nhượng bộ có nội dung xoay quanh việc hàn gắn nước Mỹ vốn bị chia rẽ bởi lằn ranh giữa các đảng phái chính trị.
Sau khi thất bại trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2008, Thượng nghị sĩ John McCain của đảng Cộng hòa phát biểu: “Người Mỹ đã lên tiếng một cách rõ ràng và dõng dạc thông qua lá phiếu của mình. Tôi vừa có vinh hạnh gọi cho Thượng nghị sĩ Barack Obama chúc mừng ông ấy được bầu làm tổng thống tiếp theo của đất nước mà cả hai chúng tôi đều yêu quý”.
“Tôi kêu gọi toàn thể người dân Mỹ đã ủng hộ tôi hãy chúc mừng ông Obama, đồng thời thể hiện thiện chí và tinh thần hợp tác với tổng thống mới để hướng tới tương lai tốt đẹp hơn”, ông McCain nói.
Cựu Thượng nghị sĩ John McCain của đảng Cộng hòa. Ảnh: AFP. |
Những người tham gia các cuộc bầu cử sơ bộ nhằm tìm ra ứng viên đại diện đảng tranh cử tổng thống cũng thường xuyên phát biểu nhận thua.
Vào năm 1976, sau khi thất bại trong cuộc đua để trở thành ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ, nghị sĩ Morris Udall hài hước nói: “Cử tri đã lên tiếng về nguyện vọng của họ rồi - rõ là một lũ tồi”.
Khó chịu vì thua cuộc
Năm nay, ông Trump không có dấu hiệu sẽ chấp nhận thất bại trước ông Biden, dù là trên Twitter.
Tuy nhiên, tổng thống đương nhiệm không phải là người duy nhất bày tỏ sự không hài lòng với kết quả thua cuộc.
Tổng thống thứ hai của Mỹ, ông John Adams, đã thể hiện sự thất vọng và buồn bã sau khi thất bại trong nỗ lực tái tranh cử hồi năm 1800.
Chân dung tổng thống thứ 2 của Mỹ, ông John Adams, người được cho là đã rất bức xúc vì không thế tái đắc cử vào năm 1800. Ảnh: FFFF. |
“Adams đã rất cay cú sau khi thất cử vào năm 1800”, giáo sư khoa học chính trị John Vile tại Đại học bang Middle Tennessee nhận xét.
“Ông ấy rời thủ đô Washington trước ngày bầu cử và không nán lại dự lễ nhậm chức của người kế nhiệm”, ông Vile cho biết.
Tuy nhiên, giáo sư từ Đại học bang Middle Tennessee cho rằng thời điểm đầu thế kỷ 19 vẫn chưa hình thành các tiền lệ về việc một ứng viên tổng thống thất cử nên hành xử như thế nào.
Theo đó, giáo sư Vile cho biết truyền thống phát biểu nhận thua bắt đầu vào cuối thế kỷ 19, sau khi ông William Jennings Bryan của đảng Dân chủ gửi điện mừng cho tổng thống đắc cử William McKinley thuộc phe Cộng hòa.
"Chúng ta đã phó thác vấn đề lựa chọn người điều hành đất nước cho cử tri quyết định. Nguyện vọng của họ chính là luật định mà chúng ta phải thi hành", ông Bryan ghi trong bức điện mừng.
Link nội dung: https://phano.net.vn/ong-trump-khong-phai-tong-thong-duy-nhat-buc-boi-sau-khi-that-cu-a9661.html