Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Trà Vinh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 xác định Trà Vinh sẽ thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững theo hướng xây dựng Trà Vinh trở thành một trong những tỉnh trọng điểm phát triển kinh tế biển vùng ĐBSCL. Tại Đại hội, nhiều ý kiến, tham luận đã đóng góp thiết thực vào định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2020 -2025. Trong đó, tham luận của Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Trà Vinh Dương Hoàng Sum đã nhận được sự quan tâm, đánh giá cao tại Đại hội.
Giám đốc Sở VHTTDL Trà Vinh Dương Hoàng Sum phát biểu tại Đại Hội
Theo Giám đốc Sở VHTTDL Dương Hoàng Sum, Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 xác định các vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh thì lĩnh vực du lịch được đề cập khá rõ nét trên cả 3 vùng kinh tế quan trọng, từ kinh tế biển, kinh tế nông nghiệp đến kinh tế đô thị. Phát triển du lịch sẽ tạo đòn bẩy cho các ngành và lĩnh vực khác phát triển. Trà Vinh là vùng đất mang nét đặc trưng cho sự giao thoa chuyển vùng từ đồng bằng sang vùng biển. Với vị trí nằm giữa hai nhánh sông Mêkông và tiếp giáp biển Đông, gồm vùng đất trẻ bên cạnh vùng đất châu thổ lâu đời hình thành nên nhiều cù lao, cồn nổi ven sông, ven biển với những vườn cây ăn trái chuyên canh đã tạo cho Trà Vinh có lợi thế để phát triển loại hình du lịch biển, du lịch sinh thái sông nước miệt vườn và du lịch nghỉ dưỡng. Đồng thời Trà Vinh còn là vùng đất gắn bó lâu đời của ba dân tộc Kinh, Khmer, Hoa đã hình thành một nền văn hóa đặc trưng với nhiều lễ hội truyền thống lâu đời diễn ra quanh năm. Đây là điều kiện thuận lợi để tỉnh nhà phát triển du lịch văn hóa gắn với du lịch tâm linh.
Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, Du lịch Trà Vinh đã có những chuyển biến tích cực. Một số địa phương như thị xã Duyên Hải, huyện Duyên Hải, huyện Tiểu Cần, huyện Cầu Ngang đã và đang xây dựng đề án phát triển du lịch giai đoạn 2020 – 2025 và định hướng đến năm 2030; các huyện Cầu Kè, Trà Cú, Càng Long, Châu Thành và Tp. Trà Vinh đã ban hành kế hoạch chuyên đề phát triển du lịch. Những Đề án, kế hoạch, cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển du lịch của các địa phương đã và đang góp phần tạo động lực, làm đòn bẩy, vốn mồi cho đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh. Cơ sở hạ tầng du lịch từng bước được hoàn thiện, xã hội hóa đầu tư xây dựng hệ thống nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi giải trí, trung tâm mua sắm… tạo thêm nhiều sản phẩm du lịch, hình thành các tuyến điểm du lịch sinh thái, văn hóa, cộng đồng thu hút và giữ chân khách du lịch, điển hình như Khu du lịch Biển Ba Động, danh thắng Ao Bà Om, Cù lao Tân Quy (Cầu Kè), Cồn Chim (Châu Thành), Chùa Cò (Trà Cú)… Hiện nay, nhiều công ty lữ hành du lịch nổi tiếng như Sài Gòn Tourist, Vietravel và doanh nghiệp du lịch trong và ngoài tỉnh đã mở tour và kết nối tuyến đưa du khách về Trà Vinh ngày càng đông và ổn định. Hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch được triển khai, kịp thời cung cấp những thông tin cần thiết cho doanh nghiệp và khách du lịch, mang hình ảnh, đất nước con người Trà Vinh đến với bạn bè trong và ngoài nước. Tốc độ phát triển Du lịch Trà Vinh tăng trưởng bình quân tăng 8,59%/năm, trong đó khách du lịch tăng 26,59%, khách lưu trú tăng 26,79% trong giai đoạn 2015-2020, chiếm tỉ trọng đáng kể trong GRDP của tỉnh. Để Du lịch Trà Vinh phát triển bền vững, hướng đến mục tiêu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, Giám đốc Sở VHTTDL Dương Hoàng Sum đề xuất một số nhiệm vụ trọng tâm.
Tiếp tục nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy về phát triển du lịch: Cần quán triệt sâu rộng Kế hoạch số 48-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, nhằm thống nhất nhận thức phát triển du lịch là nhiệm vụ quan trọng, cần tập trung nguồn lực, để thực hiện với quyết tâm và tinh thần trách nhiệm cao từ tỉnh đến cơ sở.
Tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng tham gia phát triển du lịch, khuyến khích doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo, đa dạng hóa các loại hình sản phẩm du lịch, phù hợp với định hướng phát triển du lịch của tỉnh: phấn đấu trong nhiệm kỳ, mỗi địa phương hình thành ít nhất một điểm đến tiêu biểu dựa trên tiềm năng và lợi thế đặc trưng của từng địa phương, ví dụ như Tp. Trà Vinh xây dựng trở thành đô thị du lịch xanh đầu tiên của cả nước với các loại hình tham quan, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí; thị xã Duyên Hải, huyện Duyên Hải phát triển du lịch sinh thái biển, rừng ngặp mặn gắn với du lịch văn hóa tâm linh Thiền Viện Trúc Lâm và tham quan điện gió ven biển; huyện Cầu Ngang khai thác du lịch sinh thái Hàng Dương gắn với các cồn nổi ven biển; huyện Trà Cú khai thác du lịch văn hoá gắn với làng nghề truyền thống của đồng bào dân tộc; huyện Châu Thành và Càng Long tập trung vào du lịch sinh thái cộng đồng; huyện Tiểu Cần và Cầu Kè ưu tiên phát triển loại hình du lịch sinh thái sông nước miệt vườn. Trên địa bàn toàn tỉnh phấn đấu đến năm 2025 hình thành 03 trung tâm du lịch lớn, gồm Trung tâm Du lịch tham quan, nghỉ dưỡng, văn hóa, ẩm thực Tp. Trà Vinh và vùng phụ cận (huyện Châu Thành và huyện Càng Long); Trung tâm du lịch sinh thái biển thị xã Duyên Hải, huyện Duyên Hải và huyện Cầu Ngang; Trung tâm du lịch sinh thái – văn hoá gồm huyện Cầu Kè, huyện Trà Cú và huyện Tiểu Cần.
Tập trung xây dựng sản phẩm đặc trưng tạo sự khác biệt nhằm thu hút khách du lịch dựa trên yếu tố văn hóa Khmer: Xây dựng hoàn chỉnh Không gian Văn hóa – Du lịch Khmer tỉnh Trà Vinh gắn liền với khu di tích danh thắng Ao Bà Om, di tích Bờ Lũy - chùa Lò Gạch với nền văn hóa Óc Eo để tạo điểm nhấn cho Du lịch Trà Vinh. Đồng thời hình thành các điểm đến “mô hình kiểu mẫu” trong việc xây dựng chuỗi giá trị du lịch gắn với thế mạnh du lịch nông nghiệp tại Cồn Chim – Châu Thành và Cồn Hô – Càng Long và các cồn khác trong thời gian tới.
Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng: Tạo quỹ đất mời gọi các nhà đầu tư chiến lược xây dựng các điểm tham quan, nghỉ dưỡng từ 4 -5 sao trở lên tại không gian văn hoá – du lịch Ao Bà Om; từ 3 sao trở lên tại khu du lịch biển Ba Động và khu khoáng nóng thị xã Duyên Hải; mời gọi đầu tư ít nhất 01 khách sạn từ 4 – 5 sao tại trung tâm Tp. Trà Vinh; đầu tư cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hóa, thể thao đủ điều kiện đăng cai các giải thể thao cấp khu vực và cấp quốc gia gắn với phát triển loại hình du lịch thể thao và giải trí.
Đổi mới phương thức xúc tiến du lịch dựa vào sức mạnh công nghệ, tăng cường mối liên kết với các tỉnh thành trong nước và các cơ quan thông tấn, báo chí, phát thanh truyền hình để tuyên truyền quảng bá hình ảnh du lịch Trà Vinh: Tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch, nhất là quan tâm đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của ngành kinh tế du lịch cho các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp trong việc khai thác và phát triển du lịch; nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý và lực lượng lao động trong du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.
Quan tâm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể gắn với phát triên du lịch: Chú trọng nâng tầm tổ chức các lễ hội truyền thống của dân tộc, nhất là Lễ hội Ok Om Bok của dân tộc Khmer, Lễ hội Vu Lan của cộng đồng người Hoa, Lễ hội Nghinh Ông của cư dân miền biển... tạo thành sự kiện với những chuỗi hoạt động thương mại, dịch vụ nhằm kích cầu du lịch để thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.
* Đầu đề do Tòa soạn đặt
Link nội dung: https://phano.net.vn/du-lich-tra-vinh-huong-toi-thanh-nganh-kinh-te-mui-nhon-a9625.html