Bất động sản công nghiệp đón ‘làn gió mới’
Việt Nam đang chuẩn bị những tiền đề cần thiết để sẵn sàng đón nhận làn sóng chuyển dịch đầu tư mới, trong đó bất động sản khu công nghiệp đứng trước nhiều cơ hội đón đầu dòng vốn của các nhà đầu tư đổ về.
Việt Nam thành điểm sáng thu hút vốn FDI
Nhận định trên được các chuyên gia đưa ra tại diễn đàn bất động sản công nghiệp Việt Nam 2020 với chủ đề “Đón sóng đầu tư mới” diễn ra hôm 28/10.
Theo báo Tin tức, phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Thành Thống cho biết, dòng vốn đầu tư toàn cầu đang có sự thay đổi mạnh mẽ và khó đoán định trong những năm gần đây do tác động của cuộc thương chiến Mỹ - Trung, do các yếu tố địa chính trị trên thế giới và đặc biệt là ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Báo cáo đầu tư toàn cầu năm 2020 của Liên hiệp quốc cũng đã dự báo, dịch COVID-19 có thể làm dòng vốn này giảm tới 40% trong năm 2020, từ mức 1,54 ngàn tỉ đô la Mỹ ghi nhận được vào năm 2019 có thể giảm tiếp 5-10% vào năm 2021.
“Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, một số quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, lại trở thành điểm sáng trên bản đồ thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Dòng vốn dịch chuyển vào Việt Nam chủ yếu đến từ các nền kinh tế châu Á, Hoa Kỳ và trong nội khối ASEAN. Để đạt được điều này, đó là nhờ những hành động rất tích cực của Chính phủ và người dân trong việc vừa kiểm soát tốt dịch COVID-19, vừa thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, chặn đà suy giảm kinh tế”, Thứ trưởng Võ Thành Thống chia sẻ.
Ngoài ra, theo Thứ trưởng Võ Thành Thống, dòng vốn dịch chuyển vào Việt Nam còn do môi trường đầu tư tại Việt Nam ngày càng hấp dẫn như: Nền chính trị ổn định, thủ tục hành chính được cải cách thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư nước ngoài, nguồn nhân lực dồi dào, thị trường tiềm năng, chi phí cạnh tranh, vị trí địa lý thuận lợi và nền kinh tế đang hội nhập ngày càng sâu rộng...
Bên cạnh đó, các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết và có hiệu lực gần đây nhất là Hiệp định EVFTA cũng góp phần làm nên tính hấp dẫn của môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam. Nhờ sự đóng góp từ các hiệp định này, kim ngạch xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng mạnh dù giao thương quốc tế vẫn còn bị ngắt quãng; dự trữ ngoại hối tăng lên mức kỷ lục, trái ngược với thực trạng của nhiều nền kinh tế đang phát triển mà theo đánh giá của Liên hiệp quốc là phải chịu tác động nặng nề của đại dịch bởi sự gắn chặt tăng trưởng với xuất khẩu và quá chú trọng đầu tư sản xuất hàng hóa.
Bởi những rủi ro do sự phụ thuộc vào một số trung tâm cung ứng lớn, nhiều nhà đầu tư đã nhận thấy nhu cầu bức thiết của việc chuyển dịch chuỗi cung ứng sang các địa điểm khác, trong đó Việt Nam được coi là một điểm đến ưu tiên của những doanh nghiệp hàng đầu như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc... Trên thực tế, cuộc khủng hoảng này đang đóng vai trò như một chất xúc tác trong cuộc đại tái cấu trúc hoạt động sản xuất toàn cầu theo hướng bền vững hơn và tranh thủ những lợi ích của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Có thể thấy, mặc dù 10 tháng của năm 2020, tổng vốn FDI cả nước giảm 19,4% so với cùng kỳ năm 2019, nhưng vẫn đạt 23,48 tỉ USD với 2.000 dự án mới; trong đó, 46% vốn FDI dành cho lĩnh vực sản xuất và 15% cho BĐS.
Cơ hội cho BĐS công nghiệp
Chia sẻ tại buổi tọa đàm, ông Lê Trọng Hiếu, Giám đốc Bộ phận Tư vấn kinh doanh văn phòng và bất động sản công nghiệp CBRE Việt Nam cho biết, giá chào thuê đất công nghiệp đang biến động chưa từng có. TP.HCM và Hà Nội dẫn đầu về tốc độ tăng giá thuê trong khi mặt bằng giá chung các thủ phủ công nghiệp phía Nam và phía Bắc đều tăng 20-30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cụ thể tại TP.HCM, một số khu công nghiệp có mức giá chào thuê đất từ 150 USD mỗi m2, nay tăng lên 300 USD mỗi m2 đối với kỳ hạn 30-45 năm. Tại Đồng Nai, mức giá chào thuê từ 100 USD mỗi m2 lên đến khoảng 155 USD mỗi m2, Long An ghi nhận mức tăng giá từ 110 USD mỗi m2 lên khoảng 200 USD mỗi m2.
Tại một số tỉnh, thành khu vực phía Bắc, dù giá chào thuê thấp hơn phía Nam nhưng cũng ghi nhận mức tăng trưởng. Đơn cử như Hà Nội, giá thuê từ 155 USD mỗi m2, nay tăng lên khoảng 260 USD mỗi m2. Hay tại khu vực Bắc Giang, giá chào thuê từ 55 USD mỗi m2 cũng đã tăng lên khoảng 110 USD mỗi m2... Tương tự, tại phân khúc nhà kho xây sẵn cũng ghi nhận mức giá chào thuê tăng từ 5-10% ở các dự án mới. Chỉ riêng phân khúc nhà xưởng xây sẵn có giá chào thuê ổn định.
Mức giá chào thuê ở trên chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng và phí quản lý, dịch vụ. Giá chào thuê đất công nghiệp được tính cho kỳ hạn thuê còn lại của dự án. Thông thường, kỳ hạn còn lại của dự án dao động từ 30-45 năm.
Ông Hiếu cho hay, việc giá thuê bất động sản công nghiệp tăng cao là do lực cầu quá mạnh nhưng nguồn cung tạm thời còn hạn chế.
Giám đốc Bộ phận Tư vấn kinh doanh văn phòng và bất động sản công nghiệp CBRE cho biết, từ khi Việt Nam mở cửa kinh tế, bất động sản công nghiệp chủ yếu tập trung vào các nguồn chủ lực là đất cho thuê. Trên thực tế, nguồn cung đất công nghiệp mặc dù có xu hướng tăng dần theo năm nhưng lực cầu tăng mạnh hơn.
Khảo sát của CBRE Việt Nam, trong 12 tháng qua, nhu cầu khách thuê đất, nhà xưởng, kho bãi rất lớn đã khiến nguồn cung liên tục được mở rộng. Một số ngành đang mở rộng diện tích thuê như điện tử, thương mại điện tử, thức ăn chăn nuôi, tiêu dùng nhanh.... Các khách thuê lớn đã hiện diện tại Việt Nam và nguồn cầu bất động sản công nghiệp vẫn trên đà tăng trưởng trong bối cảnh các nhà sản xuất mở rộng thêm.
Các nhà đầu tư mới về lắp ráp ôtô và linh kiện để cung ứng tại Việt Nam có sự hiện diện rõ. Những doanh nghiệp này tìm hiểu và mở rộng ở khu vực miền Trung. Ngoài ra, cũng có các nhà đầu tư đang tìm hướng phát triển nhà kho cho thuê.
Chia sẻ thêm tại diễn đàn, Thứ trưởng Võ Thành Thống cho biết, cả nước hiện có 336 khu công nghiệp với tổng diện tích khoảng 97.800 ha với cơ sở hạ tầng công nghiệp, dịch vụ kho bãi, logistic… và đang tiếp tục phát triển mạnh để đáp ứng nhu cầu đầu tư, phát triển cơ sở sản xuất của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Nhằm giải quyết thách thức từ hoạt động công nghiệp, các khu công nghiệp đang từng bước chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng bền vững hơn về kinh tế, xã hội và môi trường.
“Bằng cách tiếp tục hoàn thiện thể chế, ban hành những chính sách thu hút đầu tư thông thoáng nhưng có chọn lọc, ưu tiên các dự án sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường và gắn với xu hướng cuộc cách mạng 4.0; cơ sở hạ tầng tiếp tục được nâng cấp, bao gồm các khu công nghiệp, khu kinh tế đã có đủ hạ tầng, nhà xưởng, đủ điều kiện đón cả "đại bàng" lớn. Trong tương lai, Nhà nước có thể sẽ thực hiện thí điểm một số cụm liên kết ngành nhằm hình thành mạng sản xuất, chuỗi cung ứng và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu tại một số địa phương...” – Thứ trưởng Võ Thành Thống nhấn mạnh.
Hà Linh
Link nội dung: https://phano.net.vn/bat-dong-san-cong-nghiep-don-lan-gio-moi-a9580.html