Chuẩn bị phương án cho du lịch hậu COVID-19

Chuẩn bị phương án cho du lịch hậu COVID-19 Trang chủTin tứcVăn hóaDu lịchQuản lý nhà nướcHoạt động du lịchDoanh nghiệpChính sáchĐào tạoMừng Xuân Kỷ Hợi 2019...

Ảnh hưởng của dịch COVID-19 có thể khiến Du lịch Việt Nam sẽ bị thiệt hại khoảng 23 tỷ USD trong năm 2020. Hiện ngành đang nỗ lực phục hồi du lịch nội địa và tìm kiếm các phương án để tái khởi động du lịch quốc tế khi phù hợp.

Mở cửa an toàn

Trong thời điểm hiện nay, với bối cảnh của Việt Nam, một số chuyên gia cho rằng, cần phải tìm các giải pháp để mở cửa du lịch Việt Nam an toàn. Tại phiên họp thứ 16 của Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB), nhiều ý kiến cũng đề xuất đến việc đảm bảo mục tiêu an toàn khi mở cửa du lịch quốc tế, đồng thời quy định thống nhất trong thực hiện chứng nhận an toàn và phải truyền thông nhất quán về du lịch an toàn.

Theo ông Trần Trọng Kiên - Chủ tịch TAB, lấy ví dụ như các nước G20 khi mở cửa du lịch an toàn là hướng đến thị thực cởi mở, kết nối vận chuyển an toàn, đồng thời nâng cao năng lực nguồn nhân lực, tạo sự tin cậy thừa nhận lẫn nhau trong hoạt động du lịch. Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Văn Thắng, Đại học Quốc gia Tp.HCM cũng nhận định, “thời điểm này chúng ta cần phải bàn đến các giải pháp để mở cửa thị trường khách quốc tế. Có lẽ nên thí điểm ở một số địa phương phục vụ riêng một số quốc gia – nơi được xác thực an toàn. Sau đó, đánh giá tác động rồi mới tính đến chuyện mở cửa trên diện rộng, như vậy sẽ mang lại sự an toàn hơn và hợp lý hơn”.

Trong khi đó, bà Hoàng Thị Phong Thu, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Lữ hành Pegas Misr Việt Nam cho rằng, “chúng ta nên mở cửa cho một số đường bay bình thường và phải có các quy định, chế tài cụ thể trong thực hiện. Bộ tiêu chí an toàn cho du lịch cần phải xây dựng nhanh chóng và đưa vào áp dụng. “Nga đã công bố các quốc gia và người Nga được phép đi du lịch, trong danh sách đó có Việt Nam. Vì vậy, đối tác hỏi chúng tôi khi nào thì được phép đưa khách vào Việt Nam? Đó cũng là câu hỏi mà chúng tôi đang rất chờ mong, bà Thu cung cấp thêm thông tin.

Thêm nhiều cơ sở cách ly có thu phí

Mới đây, UBND Tp.HCM đã ban hành quyết định thành lập các khu cách ly tập trung tại khách sạn trong phòng chống dịch COVID-19 do người được cách ly tự nguyện chi trả. Điển hình như các khách sạn Hương Sen, Mường Thanh Luxury Sài Gòn, Kim Cương Xanh, Riverside, Sài Gòn - Hà Nội… Các khách sạn tổ chức cách ly tập trung chịu sự chỉ đạo quản lý điều hành trực tiếp của Ban chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19 và UBND Tp.HCM. Đồng thời chịu sự chỉ đạo về chuyên môn nghiệp vụ của Sở Y tế và UBND quận/huyện có khu cách ly tập trung đóng trên địa bàn. UBND Thành phố đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức và tập huấn cho nhân viên phục vụ các dịch vụ trực tiếp cho việc cách ly, bao gồm nhân viên lễ tân khi tiếp đón và bố trí phòng cho người được cách ly, nhân viên buồng phòng, vệ sinh khử khuẩn, thu gom chất thải…

Ông Lê Thanh Liêm - Phó Chủ tịch UBND Tp.HCM cho biết, “UBND Thành phố cũng giao cho Sở Y tế phối hợp cùng với các quận 1, 3, 5, 7, Tân Bình và các đơn vị liên quan tổ chức phân luồng tại cửa khẩu, sân bay để sắp xếp, vận chuyển người có nhu cầu thực hiện cách ly tập trung tại khách sạn.

Thanh Tùng

Link nội dung: https://phano.net.vn/chuan-bi-phuong-an-cho-du-lich-hau-covid-19-a9526.html