Châu Phi là khu vực thị trường rộng lớn gồm 55 quốc gia, với tổng dân số hơn 1,3 tỷ người, trong đó 32/55 quốc gia là thành viên của Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF).
Trong những năm gần đây, hợp tác thương mại giữa Việt Nam và các nước Pháp ngữ tại châu Phi không ngừng phát triển. Năm 2019, tổng giá trị trao đổi hàng hóa hai chiều giữa Việt Nam và các nước này đạt khoảng 3,7 tỷ USD (chiếm hơn 52% tổng xuất nhập khẩu vủa Việt Nam với toàn châu lục); trong đó Việt Nam xuất khẩu đạt gần 1,4 tỷ USD và nhập khẩu đạt hơn 2,3 tỷ USD.
Từ đầu năm 2020, dịch COVID-19 bùng phát đã và đang ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động trao đổi thương mại của Việt Nam. Dù được đánh giá là có sự phục hồi, tuy nhiên xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn do dịch bệnh hiện đang tiếp diễn phức tạp, đặc biệt tại các quốc gia là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam như EU, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…
Trước tình hình đó, việc đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, nghiên cứu đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường mới, còn nhiều dư địa để khai thác như châu Phi và tìm kiếm nguồn cung nguyên liệu phục vụ sản xuất trong nước, tránh phụ thuộc vào một thị trường là một trong những giải pháp mà doanh nghiệp Việt Nam vẫn phải hướng đến.
Phát biểu tham luận tại hội thảo "Tiềm năng và triển vọng phát triển hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và các nước Pháp ngữ tại châu Phi" chiều 10/11, bà Lê Hoàng Oanh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Bộ Công Thương cho rằng hợp tác thương mại giữa Việt Nam và các nước Pháp ngữ tại châu Phi là điểm sáng trong quan hệ song phương.
Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang 32 thị trường Pháp ngữ tại châu Phi đạt 1,7 tỷ USD, tăng 6,3% và nhập khẩu đạt 2,8 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, trao đổi thương mại của Việt Nam với các nước này tập trung chủ yếu vào 10 đối tác lớn nhất bao gồm Bờ Biển Ngà, Ga-na, Ai Cập, Cộng hòa Công-gô, Ca-mơ-run, Ma-rốc, Cộng hòa Dân chủ Công-gô, Tô-gô, Mô-dăm-bích, Bê-nanh. Nhiều quốc gia trong khu vực như Bờ Biển Ngà, Ai Cập, Ma-rốc và Ga-na hiện cũng là những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại châu Phi.
Đánh giá cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu giữa hai bên về cơ bản mang tính chất bổ sung lẫn nhau, bà Lê Hoàng Oanh nhấn mạnh "Việt Nam và các nước Pháp ngữ tại châu Phi còn nhiều tiềm năng và triển vọng để tăng cường hơn nữa hợp tác kinh tế, thương mại trong thời gian tới".
Về phía đại diện các cơ quan, tổ chức tại các nước Pháp ngữ tại châu Phi, phía châu Phi thể hiện coi trọng vai trò, vị trí của Việt Nam tại khu vực Đông Nam Á, đồng thời khẳng định mong muốn hai bên tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế thương mại, đầu tư song phương. Phía châu Phi đánh giá cao những nỗ lực từ phía Chính phủ Việt Nam trong việc kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và các giải pháp khôi phục nền kinh tế trong thời kỳ hậu dịch bệnh.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong giai đoạn 2015-2019, tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và 32 nước Pháp ngữ tại châu Phi tăng từ 2,7 tỷ USD năm 2015 lên 4,5 tỷ USD năm 2019 (chiếm tỷ trọng 88% trong tổng kim ngạch thương mại với châu Phi) với mức tăng trưởng trung bình trong cả giai đoạn đạt 13,6%/năm.
giá trị xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và các nước Pháp ngữ tại châu Phi chiếm khoảng 1,1% trao đổi ngoại thương của khối này với thế giới.
Về cơ cấu hàng hóa trao đổi, mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang các nước Pháp ngữ tại châu Phi là gạo. Gía trị xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng dần trong những năm gần đây và đạt 589,4 triệu USD trong năm 2019, chiếm 14,9% thị phần gạp nhập khẩu của các nước Pháp ngữ tại châu Phi và chiếm 21% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam ra thế giới.
Ngoài gạo, các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang khu vực còn có điện thoại di động và linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, xe máy và linh kiện phụ tùng xe máy...
Ở chiều ngược lại, các nước Pháp ngữ tại châu Phi là những thị trường cung cấp nhiều nguồn nguyên liệu đầu vào quan trọng phục vụ các ngành sản xuất trong nước của Việt Nam như điều thô, bông, đồng, gỗ và sản phẩm gỗ... Kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng nói trên chiếm tỷ trọng khoảng 80-90% tổng giá trị nhập khẩu của Việt Nam từ các nước Pháp ngữ tại châu Phi.
Link nội dung: https://phano.net.vn/viet-nam-va-cac-nuoc-phap-ngu-tai-chau-phi-con-nhieu-tiem-nang-de-hop-tac-kinh-te-thuong-mai-a9509.html