Gian lận phiếu trong cuộc bầu chọn chim ở New Zealand

Hơn 1.500 phiếu không hợp lệ đã được "nhồi" cho loài chim kiwi pukupuku trong cuộc bầu chọn các loài chim bản địa tại New Zealand.

Vụ gian lận phiếu bầu được phát hiện trong sự kiện "Loài chim của năm 2020", một cuộc thi trực tuyến giữa các loài chim bản địa ở New Zealand, New York Times ngày 10/11 cho biết.

Cuộc thi bắt đầu ngày 2/11 và kết thúc ngày 15/11, cho phép người dân bỏ phiếu bầu cho loài chim mà họ yêu thích. Forest & Bird, đơn vị tổ chức cuộc thi, cho biết sự kiện nhằm nâng cao nhận thức về tình trạng sinh sống của hơn 200 loài chim bản địa, trong đó nhiều loài đang đối mặt nguy cơ tuyệt chủng.

Vài ngày sau khi hệ thống bỏ phiếu được khởi động, chuyên gia giám sát hệ thống phát hiện diễn biến bất thường, khi hơn 1.500 phiếu được đổ dồn cho loài chim kiwi pukupuku chỉ trong một đêm. Đây là một trong 5 loài chim kiwi biểu tượng của New Zealand.

Edward Abraham, người sáng lập công ty tư vấn an ninh Dragonfly, cho biết vụ gian lận phiếu bầu dễ dàng bị phát hiện bởi người chủ mưu có vẻ "không có ý định" che giấu hành vi gian lận.

gian lan phieu bau anh 1

Loài chim kiwi pukupuku. Ảnh: Reuters.

"Khi một loài chim nhận được quá nhiều phiếu vào giữa đêm, giúp nó từ giữa bảng xếp hạng vươn lên dẫn đầu, đó chắc chắn là dấu hiệu có sự bất thường xảy ra", ông Abraham nói.

1.500 phiếu này đến từ cùng một địa chỉ IP ở thành phố Auckland. Vụ "nhồi" phiếu xảy ra vào sáng sớm ngày 9/11.

Hiện chưa tổ chức hay cá nhân nào đứng ra nhận trách nhiệm cho vụ gian lận phiếu.

Forest & Bird cho biết các phiếu bầu gian lận đã bị loại bỏ, khôi phục lại thứ tự xếp hạng của các loài chim dựa trên phiếu bầu hợp lệ.

Loài chim pukupuku đã biến mất trên hai đảo chính của New Zealand. Pukupuku hiện chỉ sống tại khu bảo tồn trên đảo Kapiti, với khoảng 1.900 cá thể.

Khoảng 12.000 người đã tham gia bỏ phiếu trong cuộc bầu chọn năm nay. Dẫn đầu bảng xếp hạng hiện là chim hải âu antipodean, một loài chim biển nằm trong danh sách bị đe dọa. Loài này thường được con người sử dụng để đánh bắt cá ngừ và cá kiếm.

Gian lận phiếu bầu cũng được phát hiện trong các sự kiện tổ chức năm 2015 và 2017.

Link nội dung: https://phano.net.vn/gian-lan-phieu-trong-cuoc-bau-chon-chim-o-new-zealand-a9470.html