Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu chất vấn Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. (Nguồn: ) |
Vẫn còn 16,5 triệu USD vay làm sách giáo khoa
Trong nội dung chất vấn trực tiếp sáng 6/11, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) chất vấn Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD&ĐT) Phùng Xuân Nhạ về việc Bộ đã tham mưu cho Chính phủ để lên khái toán cho việc xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới với mức đầu tư trên 4.200 tỷ đồng. Đến thời điểm này, Bộ Giáo dục đã tiêu bao nhiêu tiền từ nguồn vay Ngân hàng thế giới (World Bank) để xây dựng chương trình, làm bộ sách giáo khoa và tập huấn giáo viên?
Phúc đáp, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, Chính phủ phê duyệt đề án xây dựng chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa mới với dự kiến 70% vốn đi vay.
Về việc biên soạn sách giáo khoa, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, Bộ không đứng ra làm một bộ sách “chuẩn” nên không dùng đến khoản tiền vay 16,5 triệu USD nữa. Hiện tại số tiền vẫn trong tài khoản của Ngân hàng Thế giới (World Bank).
"Tới đây, chúng tôi tiếp tục thực hiện chủ trương xã hội hoá xây dựng sách giáo khoa, theo đúng Nghị quyết của Quốc hội. Trừ trường hợp không có bộ sách của các nhà xuất bản làm thì Bộ mới đứng ra làm sách giáo khoa", ông Phùng Xuân Nhạ nói.
Về tiến độ giải ngân khoản vốn đã được duyệt, Bộ trưởng cho biết, ngành cố gắng trong năm nay tiêu được 12 triệu USD, tức hơn 200 tỷ đồng. Vừa qua, rà soát những chi phí không cần thiết, tiết kiệm từ việc tập huấn giáo viên, số tiền thừa ra, Bộ dự kiến trả lại Chính phủ.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn trước Quốc hội. (Nguồn: ) |
Hàng triệu giáo viên có nguyện vọng giảm tải
Giải đáp câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) về giải pháp giảm tải cho giáo viên, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng câu hỏi đại diện cho nguyện vọng của hàng triệu giáo viên.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định, Bộ đã và đang thực hiện nhiều giải pháp để giảm tải, trước hết là giảm việc làm số hồ sơ, sổ sách, chỉ để giáo viên làm những hồ sơ, sổ sách cơ bản, thật sự cần thiết.
Thứ hai là giảm thi các cuộc thi giáo viên giỏi. Thứ ba là giảm tải chương trình, cụ thể là chương trình hiện hành đã gọn nhẹ hơn.
Đặc biệt, bộ trưởng cho biết tới đây sẽ tăng cường áp dụng công nghệ thông tin như thực hiện bài giảng điện tử, quản lý hồ sơ sổ sách điện tử thì giáo viên cũng được giảm tải.
Dạy văn hóa trong trường nghề ra sao?
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (Đoàn Thái Bình) chất vấn Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về quy định khối lượng kiến thức văn hóa trong giáo dục phổ thông, được quy định trong Luật Giáo dục nghề nghiệp và đã có hiệu lực 5 năm.
Bà nhắc lại kỳ họp thứ 9 đã chất vấn Bộ trưởng Nhạ về vấn đề này và Bộ trưởng hứa ban hành thông tư hướng dẫn vào tháng 9/2020 để kịp thực hiện trong năm học mới, song nay vẫn chưa có tín hiệu gì.
“Lý do là gì và bao giờ Bộ trưởng thực hiện lời hứa của mình?”, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung chất vấn.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định, khối lượng văn hóa được dạy trong các trường phổ thông, trường bổ túc văn hóa, trường nghề là vấn đề hết sức phức tạp. Do vậy, Bộ đã chỉ đạo các ban soạn thảo để tính toán cho phù hợp.
Trong quá trình chuẩn bị thông tư, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chỉ đạo các trường nghề vẫn dạy theo chương trình và theo quy định. Luật Giáo dục 2019 có nêu các trường nghề được dạy khối lượng văn hóa do Bộ GD&ĐT quy định.
“Chúng tôi đã lấy ý kiến và thảo luận với Bộ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về vấn đề này. Đến nay hoàn thành phần dự thảo rồi, cố gắng đến cuối năm nay có thể xong được”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết.
Bộ GD&ĐT cũng đã có công văn gửi Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đồng ý trước mắt với đề nghị để các trường nghề tiếp tục dạy đến khi có văn bản mới.
| Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường: Thế giới đang xếp giáo dục Việt Nam ở mức khá cao TGVN. Tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tại Quốc hội sáng 5/11, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường ... |
| Sẽ lấy ý kiến xã hội trước khi công bố sách giáo khoa lớp 2 TGVN. Bộ GD&ĐT vừa thông báo tổ chức thẩm định vòng 2 sách giáo khoa (SGK) lớp 2. Rút kinh nghiệm SGK lớp 1, lần ... |
| Sách giáo khoa lớp 1: 'Không thể trấn an dư luận bằng sợi dây kinh nghiệm' TGVN. Đó là quan điểm của đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (đoàn Phú Yên) trên hội trường Quốc hội ngày 4/11 liên quan đến ... |
Link nội dung: https://phano.net.vn/de-lam-sach-giao-khoa-bo-gddt-da-chi-bao-nhieu-tien-a9270.html