Theo Bangkok Post, Bộ trưởng Thương mại Jurin Laksanawisit đại diện cho Thái Lan ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 dưới sự chủ trì của Việt Nam.
Bà Usana Berananda, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề ASEAN thuộc Bộ Ngoại giao Thái Lan, cho biết đây sẽ là lễ ký kết trực tuyến đầu tiên của ASEAN vì sự bùng phát của Covid-19.
Hội nghị từ xa của khối ASEAN và các đối tác đối thoại dự kiến kéo dài từ ngày 9/11 đến ngày 15/11.
Thủ tướng Thái Lan, ông Prayut Chan-o-cha sẽ tham dự các hội nghị cấp cao, bao gồm Hội nghị cấp cao Mekong-Nhật Bản, Mekong-ROK và RCEP, từ ngày 12/11 đến ngày 15/11.
RCEP là hiệp định thương mại giữa 10 thành viên ASEAN và 6 đối tác của khối là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia, New Zealand. Sau cuộc đàm phán vào ngày 4/11 năm ngoái, Ấn Độ đã rút khỏi hiệp định, do còn nhiều điểm chưa được giải quyết.
Hội nghị RCEP năm 2019. Ảnh: bloomberg. |
Khi được hỏi về lập trường của khối đối với Ấn Độ, bà Usana cho biết ASEAN sẽ mở cửa cho Ấn Độ tham gia khi khối này sẵn sàng.
Các nhà lãnh đạo cũng sẽ thảo luận về các vấn đề khu vực khác, bao gồm tranh chấp Biển Đông, căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên và tình hình Covid-19 bùng phát tại Rakhine, Myanmar.
Bà Usana nói: “Khối ASEAN muốn kêu gọi hòa bình để đảm bảo tập trung đầu tư nguồn lực vào việc khắc phục hậu quả của các thảm hoạ bùng phát".
Bà Usana cho biết ASEAN cũng sẽ thảo luận về cách hoạt động của quỹ Covid-19 do Tướng Prayut đề xuất trong Hội nghị Cấp cao ASEAN Đặc biệt vào tháng 4. Thái Lan đã đóng góp 100.000 USD (3,1 triệu baht) cho quỹ.
Tổng GDP của các nước thành viên RCEP trị giá hơn 28.500 tỷ USD, chiếm 32,7% GDP toàn cầu. Khối lượng thương mại của các thành viên là 11.200 tỷ USD, khoảng 29,5% thương mại thế giới.
Với Việt Nam, RCEP được đánh giá sẽ giúp các doanh nghiệp không chỉ tiếp cận thị trường tiêu thụ lớn, quy mô GDP gấp đôi CPTPP, mà còn tiếp cận được nguồn nguyên liệu, phục vụ chuỗi sản xuất các mặt hàng có thế mạnh xuất khẩu hiện nay.
Theo đó, Việt Nam có thể nhập khẩu chip điện tử từ Nhật Bản, Hàn Quốc; nhập nguyên liệu dệt may từ Trung Quốc, sau đó sản xuất trong nước và xuất đi nước khác, đồng thời thỏa mãn quy tắc xuất xứ nội khối để tận dụng được ưu đãi thuế quan.
Link nội dung: https://phano.net.vn/hiep-dinh-rcep-duoc-ky-truc-tuyen-ngay-trong-tuan-nay-a9104.html