Bảo vệ hệ sinh thái Vịnh Hạ Long
Theo PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, vịnh Hạ Long là khu di sản thiên nhiên thế giới chứa đựng nhiều giá trị nên thu hút sự quan tâm từ trung ương tới địa phương. Vịnh Hạ Long được quản lý trong khuôn khổ của Luật Di sản, chính vì vậy, đây là một trong số rất ít các khu vực được bảo tồn một cách bài bản, lưu giữ được giá trị tự nhiên, hệ sinh thái có giá trị riêng.
Tuy nhiên Chủ tịch Hội Thiên nhiên và môi trường biển Việt Nam cũng chỉ ra rằng: Hiện hệ sinh thái ở vịnh Hạ Long vẫn đang chịu sự đe dọa rất lớn từ hoạt động bên ngoài, đặc biệt từ quá trình đô thị hóa và phát triển một số ngành, kể cả du lịch bởi chính du lịch là ngành khai thác tự nhiên dựa vào các giá trị bảo tồn hệ sinh thái của vịnh Hạ Long đem lại.
Sự phát triển của ngành du lịch Quảng Ninh đã thúc đẩy sự phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch nói riêng và phục vụ phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Quảng Ninh nói chung |
“Vịnh Hạ Long đang là một trong những khu vực đi đầu tại Việt Nam trong việc phát triển kinh tế dựa vào bảo tồn, lợi ích kinh tế mà vịnh Hạ Long đem lại không thua kém so với các hoạt động kinh tế thuần khác. Bởi vậy, đây chính là một tín hiệu tốt, một bài học thực tiễn trong việc bảo tồn, gìn giữ giá trị, khai thác có hiệu quả nhưng phải bền vững, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế của tỉnh Quảng Ninh nói riêng và cả nước nói chung” - PGS.TS Nguyễn Chu Hồi nhận định.
Ông Bùi Văn Khắng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh - cho biết, Quảng Ninh có nhiều tiềm năng về phát triển kinh tế biển. Thời gian qua, Quảng Ninh đã có nhiều hành động cụ thể biến những tiềm năng thành lợi thế phát triển kinh tế biển. Tỉnh đã ban hành chương trình hành động thực hiện nghị quyết của Trung ương về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035. Trong đó, phấn đấu đến năm 2030, Quảng Ninh trở thành một trong các tỉnh dẫn đầu về kinh tế biển tại Việt Nam và trở thành tỉnh mạnh về kinh tế biển vào năm 2045.
Định hướng phát triển du lịch bền vững
Trong giai đoạn từ 2015 - 2019, tổng lượng khách du lịch đến Quảng Ninh đạt hơn 52 triệu lượt khách, tổng thu từ du lịch tăng 2,7 lần (bình quân tăng 23%/năm). Riêng năm 2019, tổng doanh thu từ khách du lịch đạt hơn 29 nghìn tỷ đồng, đóng góp vào thu ngân sách nội địa của ngành du lịch đạt hơn 3 nghìn tỷ đồng, chiếm 10,7% tổng thu ngân sách nội địa của tỉnh Quảng Ninh. Trong 9 tháng đầu năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nền của dịch Covid-19, nhưng Quảng Ninh vẫn đón được hơn 7 triệu lượt khách. Du lịch Quảng Ninh đã và đang tạo việc làm ổn định cho hàng vạn lao động, đóng góp không nhỏ vào việc phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh, vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, làm thay đổi bộ mặt kinh tế của các vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo…
Bên cạnh việc khai thác hiệu quả những tiềm năng du lịch sẵn có, tỉnh Quảng Ninh vẫn luôn coi trọng công tác bảo vệ môi trường. Theo ông Lê Minh Tân - Phó Giám đốc sở Du lịch Quảng Ninh: Hiện 100% tàu du lịch hoạt động trên vịnh Hạ Long đều phải lắp hệ thống phân ly dầu nước và thực hiện thu gom rác thải về bờ để xử lý. Các hoạt động bốc dỡ than ven bờ và trên vịnh đã được chấm dứt….
Hoạt động đánh bắt thủy hải sản khu vực vịnh Hạ Long được kiểm soát nghiêm ngặt. Các hoạt động đánh bắt trái phép được ngăn chặn kịp thời và quản lý nghiêm. Hoạt động nuôi trồng thủy hải sản được quy hoạch và giám sát nghiêm ngặt về môi trường.
Ngoài ra, tỉnh Quảng Ninh đang phối hợp với nhiều tổ chức quốc tế trong việc triển khai các hoạt động bảo vệ môi trường, bảo vệ động vật hoang dã và bảo vệ đa dạng sinh học.
Các đại biểu đã thảo luận định hướng phát triển du lịch bền vững, vai trò của các khu kinh tế ven biển trong phát triển bền vững kinh tế biển tại Quảng Ninh |
Mục tiêu của tỉnh Quảng Ninh là đến năm 2030, phấn đấu trở thành một trung tâm du lịch đẳng cấp quốc tế, một trọng điểm du lịch hàng đầu quốc gia. Có sản phẩm du lịch đa dạng, đặc sắc, chuyên nghiệp, chất lượng cao, có thương hiệu mạnh và sức hấp dẫn toàn cầu. Đủ điều kiện, năng lực, liên kết liên doanh với các hãng hàng không, các tập đoàn du lịch hàng đầu thế giới.
Vai trò quan trọng của các khu kinh tế biển
Không chỉ phát triển mạnh về du lịch, tỉnh Quảng Ninh được xác định là cửa ngõ quan trọng của hành lang kinh tế Nam Định - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Tỉnh có hệ thống cảng biển nước sâu có năng lực bốc xếp cho tàu hàng vạn tấn… tạo điều kiện thuận lợi cho ngành vận tải đường biển giữa nước ta với các nước trên thế giới. Ngoài ra, Quảng Ninh có hệ thống cửa khẩu phân bố dọc tuyến biên giới, đặc biệt cửa khẩu quốc tế Móng Cái là nơi hội tụ giao lưu thương mại, du lịch, dịch vụ và thu hút các nhà đầu tư và là cửa ngõ giao dịch xuất nhập khẩu với Trung Quốc và các nước trong khu vực.
Với những tiềm năng hội tụ trên, Quảng Ninh có vai trò rất quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội của cả nước và của vùng trong nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Đặc biệt là trong chiến lược phát triển các khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT) ven biển.
Đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có 2 KKT ven biển được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là: KKT ven biển Vân Đồn và KKT ven biển Quảng Yên.
Hiện KKT Vân Đồn đã thu hút được 54 dự án vốn ngoài ngân sách còn hiệu lực, bao gồm 3 dự án vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư 14,39 triệu USD và 51 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt khoảng hơn 23 nghìn tỷ đồng. Còn khu KKT ven biển Quảng Yên thu hút 4 dự án KCN đang triển khai của các nhà đầu tư nước ngoài là KCN Sông Khoai, KCN Nam Tiền Phong, KCN Bắc Tiền Phong và KCN Bạch Đằng và một số dự án trong KKT Quảng Ninh đã triển khai.
Ông Vũ Văn Đạt - Phó trưởng Ban quản lý KKT tỉnh Quảng Ninh - cho biết: Ban quản lý KKT tỉnh đang tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh thu hút các dự án từ các nhà đầu tư, một số tập đoàn kinh tế lớn, các công ty đa quốc gia từ Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan. Đồng thời, đã và đang nghiên cứu chuyển một phần hoạt động sản xuất tới các nước Đông Nam Á (trong đó có Việt Nam) để thu hút các dự án đầu tư vào KKT ven biển, KCN theo hướng có chọn lọc. Lựa chọn các dự án có vốn đầu tư lớn, giá trị gia tăng cao, công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, sử dụng ít lao động, có ngành nghề phù hợp với sự phát triển của tỉnh Quảng Ninh và có đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và giải quyết việc làm, trong giai đoạn từ năm 2020-2025.
Link nội dung: https://phano.net.vn/quang-ninh-can-phat-trien-du-lich-di-doi-voi-bao-ton-a8873.html