Kinh doanh dịch vụ đòi nợ sẽ bị phạt tới 160 triệu đồng
Trước khi có luật Đầu tư 2020, dịch vụ đòi nợ là một ngành nghề nằm trong danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Cụ thể, Điều 6 luật Đầu tư 2014, sửa đổi năm 2016 quy định, các ngành nghề bị cấm đầu tư kinh doanh gồm: Kinh doanh các chất ma túy; kinh doanh các loại hóa chất, khoáng vật; kinh doanh mại dâm; kinh doanh pháo nổ…
Tại phụ lục 4 của Luật này cũng quy định 243 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, trong đó có dịch vụ đòi nợ thuê. Ngoài ra là các ngành nghề khác như: Sản xuất con dấu, kinh doanh pháo (trừ pháo nổ), dịch vụ xoa bóp, dịch vụ cầm đồ, đấu giá tài sản...
Tuy nhiên, theo luật Đầu tư 2020, dịch vụ đòi nợ đã được bổ sung vào danh mục ngành, nghề bị cấm đầu tư kinh doanh. Khoản 5 Điều 77 Luật này nêu rõ, hợp đồng cung cấp dịch vụ đòi nợ ký trước 1/1/2021 chấm dứt hiệu lực kể từ 1/1/2021; các bên tham gia hợp đồng được thực hiện các hoạt động để thanh lý hợp đồng cung cấp dịch vụ đòi nợ theo quy định của pháp luật về dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Về chế tài xử lý, Điều 7 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định, từ 1/1/2021, cá nhân kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê sẽ bị phạt đến 80 triệu đồng , tổ chức bị phạt tới 160 triệu đồng.
Trước đó, sáng 10/7/2020, tại Phủ Chủ tịch, văn phòng Chủ tịch nước tổ chức buổi họp báo công bố lệnh của Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam công bố các luật đã được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 9 thông qua.
Trả lời câu hỏi về việc số phận những doanh nghiệp đã được cấp phép kinh doanh dịch vụ đòi nợ sẽ ra sao khi luật Đầu tư có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021, ông Vũ Đại Thắng - Thứ trưởng bộ Kế hoạch và Đầu tư - cho biết các doanh nghiệp đang được cấp phép kinh doanh đòi nợ vẫn tiếp tục hoạt động cho đến khi luật Đầu tư sửa đổi có hiệu lực. Sau đó, các dịch vụ liên quan đến kinh doanh đòi nợ sẽ chấm dứt.
“Từ 1/1/2021, doanh nghiệp sẽ chấm dứt hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê và có trách nhiệm thanh, quyết toán liên quan tới dịch vụ này. Đối với các DN có nhiều ngành nghề, dịch vụ kinh doanh thì chấm dứt hoạt động kinh doanh đòi nợ thuê, các lĩnh vực khác vẫn hoạt động theo quy định của pháp luật”, ông Thắng thông tin.
Đòi nợ thế nào là hợp pháp?
Càng gần đến ngày có hiệu lực của luật Đầu tư 2020, càng nhiều người băn khăn về việc phải đòi nợ thế nào cho đúng luật. Trao đổi với PV tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật, luật sư Trần Tuấn Anh – Giám đốc công ty Luật Minh Bạch (đoàn Luật sư Hà Nội) – cho biết, giao dịch vay và cho vay là giao dịch dân sự, được pháp luật về dân sự điều chỉnh.
Theo đó, Điều 463 Bộ luật Dân sự 2015 nêu rõ: “Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định”. Như vậy việc hoàn trả là bắt buộc đối với bên có nghĩa vụ trong hợp đồng vay.
Điều 466 Bộ luật này cũng quy định về nghĩa vụ trả nợ của bên vay như sau:
Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý.
Địa điểm trả nợ là nơi cư trú hoặc nơi đặt trụ sở của bên cho vay, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi với mức lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này.
Trường hợp người vay không thực hiện việc trả nợ đúng hạn theo hợp đồng, bên cho vay có thể đòi nợ theo một trong 2 cách: Khởi kiện ra Tòa án để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình (theo Điều 186 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015) hoặc trong trường hợp có đủ căn cứ cho rằng bên vay đã có những thủ đoạn gian dối khi thực hiện việc vay tiền hay sử dụng tiền vay vào mục đích không hợp pháp, đến thời hạn phải hoàn trả, tuy có điều kiện nhưng lại trốn tránh nhằm chiếm đoạt số tiền đã vay, thì người cho vay có thể tố cáo đến cơ quan công an có thẩm quyền về một trong các hành vi: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản… (theo Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017).
Luật sư Tuấn Anh cũng lưu ý thêm, trong hồ sơ khởi kiện hoặc tố cáo, bên cho vay cần nộp kèm những tài liệu, cứ chứng để chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp.
Trường hợp khởi kiện ra Toà án, thời gian giải quyết tranh chấp có thể kéo dài qua các giai đoạn sơ thẩm, phúc thẩm, nếu trog quá trình đó mà phát hiện “con nợ” có dấu hiệu tẩu tán tài sản, thì có thể yêu cầu Tòa án áp dụng một hoặc đồng thời các biện pháp sau: Kê biên tài sản đang tranh chấp; cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp; phong tỏa tài khoản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước; phong tỏa tài sản ở nơi gửi giữ…
Quốc hội thống nhất "khai tử" dịch vụ đòi nợ
Ngày 11/6/2020, tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khoá XIV, bàn về dự án luật Đầu tư (sửa đổi), có 317 phiếu (77,51%) trên tổng số 409 phiếu phát ra, ủng hộ cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ.
Ngày 17/6/2020, Quốc hội biểu quyết thông qua dự án luật Đầu tư (sửa đổi). Đã có 436/456 đại biểu Quốc hội (chiếm 90,27%) biểu quyết tán thành Luật này, bao gồm cả quy định cấm “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” tại điểm h khoản 1 Điều 6.
Theo Báo cáo đánh giá tác động của Chính phủ, tính đến hết tháng 8/2019, cả nước có 29 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ với 217 doanh nghiệp đăng ký chủ yếu tại TP. Hồ Chí Minh (84 doanh nghiệp) và Hà Nội (62 doanh nghiệp).
Link nội dung: https://phano.net.vn/cam-doi-no-thue-tu-2021-phai-doi-no-the-nao-cho-dung-luat-a8786.html