Hòa Bình: Dự án KĐT sinh thái Cửu Long có phải đối mặt với “voi trắng”?

Trong văn hóa Thái Lan, voi trắng ám chỉ tài sản mà chi phí duy trì vượt quá giá trị mang lại. Năm 2017, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra một số sai phạm của Dự án Khu đô thị sinh thái và dịch vụ Cửu Long. Trong đó, điển hình là tiến độ thực hiện dự án chậm 03 năm 6 tháng so với Giấy chứng nhận đầu tư. Điều này khiến dư luận ví von đặt câu hỏi: Liệu Dự án KĐT sinh thái và dịch vụ Cửu Long hiện nay có phải đối mặt với “voi trắng”?

 

Thông báo kết luận thanh tra về công tác quản lý sử dụng đất, quản lý đầu tư xây dựng tại tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2004 - 2014

Thanh tra Chính phủ từng nêu gì về dự án?

Ngày 13/4/2009, UBND tỉnh Hòa Bình cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho phép Công ty Cổ phần Đầu tư Sông Đà Toàn Cầu thực hiện Dự án Khu đô thị sinh thái và du lịch Cửu Long tại huyện Lương Sơn được nhiều người xem là “sự kiện” quan trọng trong “kiến thiết” ngành du lịch nghỉ dưỡng đối với một tỉnh nghèo lúc bấy giờ, 54,40ha đất (đợt1) sau đó đã được “trao” cho chủ đầu tư.

Thật đáng tiếc, dự án đã không đạt được kỳ vọng như nhiều người vẫn tưởng. Bởi, ngày 30/05/2017, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra nhiều sai phạm tại dự án này. Cụ thể, văn bản số: 1304/TB-TTCP về công tác quản lý sử dụng đất, quản lý đầu tư xây dựng tại tỉnh Hòa Bình, giai đoạn 2004 đến 2014 do Thanh tra Chính phủ ban hành có nêu rõ: Đối với Dự án Khu đô thị sinh thái và dịch vụ Cửu Long, Sở Tài chính trình UBND tỉnh Hòa Bình phê duyệt tiền sử dụng đất phải nộp khi bàn giao cho chủ đầu tư thực hiện dự án tại Quyết định số 2542/QĐ-UBND ngày 23/12/2011, theo phương pháp thặng dư, trong đó số tiền lãi vay xác định không đúng quy định tại Thông tư số 145/2007/TT-BTC ngày 06/12/2007 của Bộ Tài chính, làm cho tổng chi phí đầu tư phát triển tăng, dẫn đến tiền sử dụng đất phải nộp giảm 101.503.984.428 đồng (tính theo thiết kế cơ sở của chủ đầu tư dự án lập được Sở Xây dựng tỉnh Hòa Bình thẩm định tại Văn bản 885/SXD-QLHĐXD ngày 17/08/2011), gây thất thoát ngân sách nhà nước.

Ngoài ra, Chủ đầu tư dự án chưa thực hiện nộp tiền sử dụng đất với số tiền 41.779.634.400 đồng (thời gian chậm nộp tính đến thời điểm thanh tra là 835 ngày). Tiến độ thực hiện dự án chậm 03 năm 6 tháng so với Giấy chứng nhận đầu tư, vi phạm khoản 12, Điều 38 Luật Đất đai năm 2003.

UBND tỉnh Hòa Bình báo cáo Thủ tướng ra sao?

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại Công văn số 4441 ngày 28/4/2017 của Văn phòng Chính phủ về việc xử lý sau thanh tra công tác quản lý sử dụng đất, quản lý đầu tư xây dựng tại tỉnh Hòa Bình, ngày 06/03/2018, UBND tỉnh Hòa Bình đã có văn bản số: 305 gửi Thủ tướng Chính phủ nêu rõ:

Tình hình thực hiện Kết luận thanh tra Chính phủ số 3118 đối với Dự án đầu tư Khu đô thị sinh thái và dịch vụ Cửu Long thì UBND tỉnh Hòa Bình đã có các văn bản chỉ đạo đối với các đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan…UBND tỉnh Hòa Bình đã chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện thủ tục thu hồi Dự án Khu đô thị sinh thái và dịch vụ Cửu Long để chuyển giao cho nhà đầu tư khác. Thủ tục thu hồi đất đối với trường hợp chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư theo quy định tại khoản 14 Điều 2 Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai, thì chủ đầu tư được trực tiếp sử dụng đất 24 tháng kể từ ngày dự án đầu tư chấm dứt hoạt động, trong thời hạn 24 tháng chủ đầu tư được thực hiện chuyển quyền sử dụng đất, bán tài sản hợp pháp gắn liền với đất cho nhà đầu tư khác theo quy định của pháp luật.

Phối cảnh tổng thể Dự án KĐT sinh thái và du lịch Cửu Long

Tuy nhiên, việc chủ đầu tư chuyển quyền sử dụng đất, giá trị tài chính đã đầu tư vào dự án cho nhà đầu tư khác là rất khó khăn, phức tạp, do chủ đầu tư không tìm được nhà đầu tư khác để tiếp tục thực hiện dự án, đã ứng tiền giải phóng mặt bằng thực hiện dự án (gồm cả dự án tái định cư) là 42,92 tỷ đồng, đã thi công bóc phủ toàn bộ tuyến đường công vụ để đưa máy móc, thiết bị, vật tư, vật liệu vào công trường tập chung thi công đồng bộ hạ tầng của dự án và đã hoàn thành xây dựng 60% phần tường rao của dự án để tránh tái lấn chiếm đất đã bàn giao cho dự án.

Tại văn bản, UBND tỉnh Hòa Bình đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép chủ đầu tư tiếp tục thực hiện dự án. Sau khi Thủ tướng cho phép, chủ đầu tư tiếp tục thực hiện dự án trong thời hạn 24 tháng. Điều kỳ lạ là, trong văn bản báo cáo Thủ tướng ngày 06/03/2018, UBND tỉnh Hòa Bình lại không trích rõ các nội dung như: “Chủ đầu tư chưa thực hiện nộp 41.779.634.400 đồng tiền sử dụng đất; tiến độ dự án chậm 03 năm 06 tháng; số tiền trả lãi vay xác định không đúng với quy định của Bộ Tài chính làm cho tổng chi phí đầu tư phát triển tăng, dẫn đến tiền sử dụng đất phải nộp giảm 101.503.984.428 đồng, gây thất thoát ngân sách nhà nước”.

Vì sao chủ đầu tư nhiều lần đổi tên?

Đối với một doanh nghiệp, việc xây dựng thương hiệu là yếu tố vô cùng quan trọng. Nhưng điều kỳ lạ là, chủ đầu tư dự án này liên tục “thay đổi tên”. Trong văn bản báo cáo Thủ tướng ngày 06/03/2018 của UBND tỉnh Hòa Bình có nêu rõ: Công ty Cổ phần Đầu tư Sông Đà Toàn Cầu đổi tên thành Công ty Cổ phần Đầu tư xây lắp Dầu khí Hòa Bình theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số 0102566108, đăng ký thay đổi lần 9 ngày 15/7/2010 của Phòng Đăng ký kinh doanh số 02, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội; đổi tên thành Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển hạ tầng và xây lắp Hòa Bình, đăng ký thay đổi lần thứ 14 ngày 29/03/2013; đến nay đổi tên thành Công ty Cổ phần Hasky, đăng ký thay đổi lần thứ 20 ngày 29/07/2016 của Phòng Đăng ký kinh doanh số 02, Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội.

Tuy nhiên, có một điều bất ngờ là, hiện nay Chủ đầu tư dự án không phải là Công ty Cổ phần Hasky mà lại “biến thành” Công ty TNHH MTV Bất động sản Hasky Hòa Bình – một doanh nghiệp mới vừa được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần đầu vào ngày 20/06/2019. Chủ sở hữu Công ty TNHH MTV Bất động sản Hasky Hòa Bình chính là Công ty Cổ phần Tập đoàn An Thịnh có địa chỉ tại số 35B Lê Văn Thiêm, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội.

Tạp chí Doanh nghiệp & Hội nhập đã có văn bản gửi Công ty Cổ phần Tập đoàn An Thịnh để làm rõ việc Công ty TNHH MTV Bất động sản Hasky Hòa Bình có được Dự án KĐT sinh thái và dịch vụ Cửu Long “từ tay” của Công ty Cổ phần Hasky bằng hình thức nào? Tuy nhiên, sau nhiều ngày trôi qua đơn vị này vẫn không có thông tin phản hồi.

Tại sao chủ đầu tư dự án lại nhiều lần đổi tên? Tại sao chủ đầu tư dự án từ Công ty Cổ phần Hasky lại “biến thành” Công ty TNHH MTV Bất động sản Hasky Hòa Bình? Câu hỏi đầy bí ẩn này có lẽ chỉ có “ông chủ” dự án mới hiểu rõ?  Nhưng chính những điều này mới khiến cho dư luận “ví von” đặt câu hỏi: Liệu dự án Cửu Long hiện nay có phải đối mặt với “voi trắng”?

Link nội dung: https://phano.net.vn/hoa-binh-du-an-kdt-sinh-thai-cuu-long-co-phai-doi-mat-voi-voi-trang-a8737.html