Đêm bầu cử đầu tiên đầy căng thẳng và kịch tính của nước Mỹ
Dù biết trước kết quả bỏ phiếu sẽ không được công bố ngay, nhiều người dân Mỹ không khỏi cảm thấy lo lắng khi chứng kiến ứng viên mà họ ủng hộ đang gặp bất lợi.
Sau nhiều tháng vận động tranh cử quyết liệt, cuộc bầu cử tổng thống Mỹ cuối cùng cũng đến điểm cao trào vào đêm 3/11 (giờ địa phương).
Tuy nhiên, trong tình hình đại dịch như hiện tại, những chuyện tưởng chừng rất bình thường trong mùa bầu cử trước, nay lại không diễn ra. Đó chính là kết quả không được công bố ngay trong đêm bầu cử.
Ngay từ đầu buổi tối, người dẫn chương trình trên các đài CNN và Fox News đều lặp đi lặp lại hai từ trong đầu: kiên nhẫn và thận trọng.
Kiên nhẫn vì có đến hơn 100 triệu người đi bỏ phiếu sớm, con số khổng lồ.
Thận trọng vì không thể đoán trước điều gì.
“Mức độ lo lắng! Sự mệt mỏi về tinh thần là không thể tưởng tượng được!”, nhà bình luận Van Jones của CNN nói. “Nếu bạn là một gia đình Hồi giáo hay đến từ cộng đồng nhập cư, 4 năm qua là khoảng thời gian kinh hoàng. Nhiều người sẽ không muốn bỏ phiếu cho ông Donald Trump vào thời điểm này”.
Cử tri trên khắp nước Mỹ đã phải trải qua một đêm bầu cử đầy cảm xúc. Ảnh: Reuters.
Fox News cũng công nhận sự phức tạp của đêm bầu cử. Nhà phân tích chính trị cấp cao của đài này, Brit Hume, nói: “Kết quả của các bang vào đêm nay sẽ gây hoang mang, vì chúng ta nhìn vào sự pha trộn kỳ lạ giữa phiếu bầu chưa được kiểm và đã kiểm xong”.
“Chúng ta nên chuẩn bị tinh thần để khán giả chịu đựng cùng chúng ta, vì mọi thứ đang trở nên rất phức tạp”.
Số cử tri lớn chưa từng có
Ngay cả trước khi đêm bầu cử bắt đầu, nước Mỹ chứng kiến quyết tâm đi bỏ phiếu ở mức đáng kinh ngạc.
Từ bang chiến trường quan trọng Florida, đến những bang ở Vành đai Công nghiệp góp phần mang lại chiến thắng cho ông Trump cách đây 4 năm, cho tới thành trì của đảng Dân chủ California, đều chứng kiến số người Mỹ đi bỏ phiếu đông kỷ lục.
Tỷ lệ đi bầu năm nay đã vượt qua mọi cuộc bầu cử tổng thống kể từ năm 1908.
Sau những nỗi lo về hành động đe dọa có vũ trang tại các phòng phiếu, hay các nhóm dân quân gây rối tại điểm bỏ phiếu, ngày bầu cử diễn ra trật tự và yên bình.
Hết bang này đến bang khác ghi nhận kỷ lục về bỏ phiếu bị phá vỡ.
Số người đi bỏ phiếu sớm ở Texas năm nay còn nhiều hơn toàn bộ phiếu bầu của bang này vào năm 2016.
Florida có 9 triệu phiếu bầu sớm, tương đương 63% tổng số phiếu bầu của năm 2016.
Đây có thể được coi là một trong những nghịch lý lớn của cuộc bầu cử năm 2020. Việc nền dân chủ Mỹ tiến đến bờ vực sụp đổ khiến số người đi bầu cao chưa từng có trong thời hiện đại.
Người dân Mỹ xếp hàng chờ bỏ phiếu vào ngày 3/11. Ảnh: Reuters.
Florida là nơi đầu tiên mang lại sự kịch tính cho cuộc bầu cử. Các cuộc bầu cử tổng thống thường có kết quả rất sít sao ở Florida.
Đây cũng là bang ông Trump buộc phải giành chiến thắng. Khi bang này bắt đầu kiểm phiếu vào 19h, số liệu của tổng thống rất khả quan.
Không lâu sau đó, hãng tin AP tuyên bố ông Trump thắng tại bang này, chiếm trọn 29 phiếu đại cử tri.
Với hàng triệu người Mỹ ủng hộ đảng Dân chủ, chiến thắng này làm cơn ác mộng năm 2016 của họ như sống lại.
Đến khoảng 22h30, cảm giác nước Mỹ có thể lại chịu cú sốc của 4 năm trước bắt đầu lan ra. Dù người dân biết số lượng lớn phiếu bầu qua thư sẽ khiến đêm bầu cử không thể sớm có kết quả, lo lắng là điều không thể tránh khỏi.
Như Fox News đã nói, cuộc bầu cử sẽ “trở nên rất phức tạp”.
Quá trình đếm phiếu ở bang Wisconsin. Ảnh: Reuters.
Trong khi đảng Dân chủ đang lo lắng về Florida, 13 phiếu đại cử tri của Virginia được AP tuyên bố là của ông Biden.
Khi ông Barack Obama giành chiến thắng tại đây vào năm 2008, Virginia được coi là một bang của đảng Cộng hòa đang nghiêng sang cánh tả. Lần cuối bang này ủng hộ đảng Dân chủ là vào năm 1964 với ứng viên Lyndon Johnson.
Việc Virginia nhanh chóng thuộc về ông Biden cho thấy bang này đang đứng vững trong hàng ngũ ủng hộ đảng Dân chủ. Đây là kết quả của sự thay đổi nhân khẩu học khi thành phần cử tri ngày càng đa dạng, và sự mở rộng của các vùng ngoại ô tiến bộ.
Ngay cả tại Texas, bang ủng hộ đảng Cộng hòa trong mọi cuộc đua tổng thống kể từ thời ông Jimmy Carter, ứng viên của đảng Dân chủ cũng chiếm ưu thế từ đầu cuộc kiểm phiếu.
Lợi thế này tuy không tồn tại được lâu, nhưng nó cho thấy sự xáo trộn hỗn loạn của cuộc bầu cử này.
Một đêm dài
Khi trời dần sáng, người Mỹ nhận ra rằng kết quả của cuộc đua tổng thống năm 2020 có thể mất hàng giờ, thậm chí vài ngày mới ngã ngũ.
Việc Fox News tuyên bố ông Biden thắng Arizona khiến đội ngũ quản lý chiến dịch của ông Trump phản ứng dữ dội. Họ cho rằng còn quá sớm để kết luận điều này.
Trong khi các hãng truyền thông đang tập trung vào Arizona, mọi con mắt một lần nữa bắt đầu hướng về "bức tường xanh" gồm Pennsylvania, Michigan và Wisconsin.
Vào năm 2016, chiến thắng của bà Hillary Clinton phụ thuộc vào các bang này, nhưng ông Trump lại thắng cả 3 bang. Cả hai ứng viên năm nay đều cống hiến phần lớn sức lực của họ trong cuộc giằng co ở đây.
Và có thể mất nhiều ngày mới có kết quả cuối cùng ở các bang này.
Đến chiều ngày 4/11 (giờ Mỹ), hãng AP mới công bố ông Biden thắng ở Wisconsin.
Ông Trump đã có bài phát biểu đơn phương tuyên bố chiến thắng gây tranh cãi vào rạng sáng ngày 4/11. Ảnh: Reuters.
Giới chức Michigan cho biết có thể đến 6/11 thì bang này mới kiểm xong các phiếu bầu qua thư.
Tại Pennsylvania, các lá phiếu được đóng dấu bưu điện trước ngày bầu cử vẫn được chấp nhận nếu được chuyển đến nơi trước ngày 7/11.
Ngay lúc 1h sáng ngày 4/11, ông Biden đã có bài phát biểu từ quê nhà Wilmington, Delaware.
Cựu phó tổng thống kêu gọi người ủng hộ kiên nhẫn và khẳng định rằng ông vẫn tự tin. “Chúng ta biết điều này sẽ mất nhiều thời gian. Nhưng tôi cảm thấy rất tốt. Tôi tin chúng ta đang đi theo hướng giành chiến thắng trong cuộc bầu cử này".
"Vì số người bỏ phiếu sớm cao chưa từng có nên sẽ mất một khoảng thời gian và chúng ta phải kiên nhẫn”, cựu phó tổng thống nói.
Tổng thống Trump cũng tổ chức tiệc theo dõi bầu cử tại Nhà Trắng với hàng trăm khách mời. Liệu lựa chọn địa điểm độc đáo của ông có dẫn đến một sự kiện “siêu lây lan” khác như buổi lễ đề cử bà Amy Coney Barrett ở Vườn Hồng hay không? Vấn đề này phải mất vài ngày mới xác định được.
Trong bài phát biểu lúc 2h sáng, ông Trump đưa ra những cáo buộc vô căn cứ về "gian lận" trong cuộc bầu cử và đơn phương tuyên bố chiến thắng.
Tổng thống nói ông nên được công bố là chiến thắng ở Georgia và North Carolina, mặc dù hai nơi này chưa kiểm phiếu xong.
Khoảng 20 phút sau khi bài phát biểu của tổng thống kết thúc, AP thông báo ông Biden thắng ở Arizona. Truyền thông Mỹ nhận định diễn biến này là điều bất ngờ nhất mùa bầu cử năm 2020.
Giữa vòng xoáy bất ổn, tiếng nói lo lắng và tuyệt vọng của cử tri vang vọng suốt đêm. Christopher Henson, một cử tri ở Ravenna, Ohio, nói với Guardian: “Có một sự chia rẽ lớn và dường như nó đang tiếp tục lớn hơn”.
“Nhiều hành động gây bất ổn dân sự đã diễn ra, và nó sẽ trở nên tồi tệ hơn, bất kể kết quả bầu cử như thế nào”.
Chạy đua Nhà Trắng 2020
Ông Trump chỉ còn một kịch bản để chiến thắng
36 phút trước
08:12
5/11/2020
Thế giới
Phân tích
0
Tổng thống Donald Trump cần thắng đến 4 bang là Pennsylvania, Georgia, North Carolina và Nevada với tổng cộng 56 phiếu đại cử tri để cán mốc 270 phiếu.
Ông Biden và ông Trump cùng lập kỷ lục về phiếu phổ thông
9 giờ trước
00:09
5/11/2020
Thế giới
Thế giới
0
Dù giành số phiếu phổ thông cao nhất, ứng viên Joe Biden vẫn chưa chắc chắn chiến thắng chung cuộc do cơ chế cử tri đoàn trong bầu cử tổng thống Mỹ.
Ông Trump thắc mắc bị mất thế dẫn đầu một cách 'rất kỳ lạ'
9 giờ trước
23:46
4/11/2020
Thế giới
Thế giới
0
Tổng thống Trump than phiền trên Twitter việc ông không còn ở thế dẫn trước ở một số bang là “rất kỳ lạ”. Trước đó, ông cáo buộc gian lận bầu cử có thể đã xảy ra.
Ít được chú ý, Nevada bỗng thành nơi có thể định đoạt cuộc bầu cử
10 giờ trước
22:21
4/11/2020
Thế giới
Thế giới
0
Bang Nevada với chỉ 6 phiếu đại cử tri bỗng trở thành nơi có khả năng định đoạt kết cục cuộc bầu cử, dù trước đó không nằm trong nhóm chiến trường chủ chốt.
CNN: Ông Joe Biden sẽ thắng Michigan
14 giờ trước
18:55
4/11/2020
Thế giới
Thế giới
0
Cựu Phó tổng thống Joe Biden thắng 10 phiếu quan trọng ở bang chiến trường Wisconsin, trong khi chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump đòi kiểm phiếu lại.