Trao đổi của Người Đưa Tin Pháp luật với Sarah Jo Bragman về đề tài đang thu hút sự quan tâm của cả thế giới.
Tôi có thể không đi bầu
Chị quan tâm nhất đến vấn đề gì khi hai ứng viên bước vào vòng quyết đấu, cuộc bầu cử chính thức 3/11 (giờ địa phương)?
Tôi quan tâm nhất đến tranh cãi tài chính đối với cả hai ứng viên. Đó là hồ sơ tài chính của Trump và liệu ông cũng như đội của ông có trả tiền cho những người ủng hộ chiến tranh trong quá khứ hay không. Còn Biden và con trai ông liệu có nhận hỗ trợ hay tài trợ gì từ Nga hoặc Ucraine hay không.
Sống ở Hà Nội ba năm, chị có quyền tham gia bầu cử tổng thống Mỹ không?
Mặc dù có thể đi bầu từ Việt Nam, giải pháp duy nhất là đăng ký trước và bỏ phiếu qua bưu điện. Quá trình phức tạp cũng như tốn thời gian không cần thiết. Về cá nhân, tôi nghĩ đại sứ quán Mỹ nên chọn giải pháp bầu trực tiếp cho các công dân Mỹ sinh sống ở Việt Nam. Nếu giải pháp ấy được chọn, tôi sẽ tham gia. Tuy nhiên, giải pháp bỏ phiếu qua bưu điện vẫn là giải pháp duy nhất và gây nhiều tranh cãi cũng như nhiều rủi ro. Vả lại, tôi cũng chẳng hoàn toàn ủng hộ ứng viên nào nên tôi sẽ không tham gia bỏ phiếu năm nay. Các ứng viên cấp tiến hay bảo thủ, theo tôi, là hai mặt không thể thiếu của cùng một đồng xu. Còn tôi muốn bỏ phiếu cho một ứng viên độc lập.
Một kế hoạch kinh tế thiếu thực tế
Đến phút chót, ứng viên Joe Biden vẫn dẫn điểm vững chắc trước đương kim tổng thống Donald Trump. Vậy tại sao chị không ưa ứng viên dân chủ?
Tôi chỉ là một trong hơn 255 triệu cử tri có quyền bỏ phiếu nhưng quan điểm của tôi không bị ảnh hưởng bởi bất cứ số đông nào. Thực ra ngay khung giờ đầu tiên của cuộc tranh luận lần hai và cũng là lần cuối cùng, ngày 22/10, giữa hai ứng viên có lẽ đã gây nản lòng cho hầu hết người Mỹ theo dõi chương trình. Nhưng với hơn 9 triệu người Mỹ đang sống ở nước ngoài như tôi và với những ai nhận thấy mối liên hệ hữu cơ giữa kinh tế Mỹ và quan hệ với các quốc gia, một tiếng tranh luận đầu tiên có thể lại quan trọng nhất.
Sự ủng hộ Trump rộng lớn khắp miền Trung Tây, và sự gia tăng các nhóm bảo thủ có vũ trang được tổ chức chặt chẽ, đủ để dự đoán rằng Trump có thể thắng.
Vì sao chị cho nó là quan trọng nhất? Chị thấy quan điểm kinh tế của ứng viên Joe Biden thế nào?
Là một người Mỹ đang sống ở Hà Nội và là một cựu sinh viên của chương trình đại học và sau đại học về nghiên cứu Đông Á nghiên cứu toàn cầu và quốc tế, tôi cảm nhận rõ tương tác qua lại giữa các nền kinh tế của thế giới. Nhiều vấn đề quốc nội lại mang tính quốc tế và ngược lại. Mặc dầu Joe Biden được cho đã dàn xếp nhiều thương vụ khác nhau với các đối tác nước ngoài, ông ấy đã từ chối một cách quỷ quyệt các kết nối này và biến (tổng thống Donald) Trump thành cô hồn vì các quan hệ kinh doanh của ông ấy và đóng góp thuế cho các nước châu Á. Nhiều người có thể không nhận thấy các cách thức mà Biden-Obama (cựu tổng thống Barack Obama) và các ứng viên cấp tiến tán thành các giá trị bình đẳng hay công bằng đã cố tình hay vô ý hủy hoại quan hệ với các nước châu Á hoặc với những người Mỹ ở hải ngoại vốn đang tìm cách thúc đẩy hoặc hàn gắn các quan hệ với các đối tác nước ngoài. Đạo luật Gián điệp Kinh tế năm 1996 được ký ban hành thành luật bởi (tổng thống) Bill Clinton và Đạo luật Tuân thủ Thuế Tài khoản Nước ngoài năm 2010 được ký ban hành thành luật bởi Obama-Biden. Cả hai đạo luật này đều có tác dụng trừng phạt và có nguy cơ hình sự hóa những người Mỹ ở hải ngoại và sinh viên hay công nhân Châu Á sinh sống và làm việc ở Mỹ. Trong khi đó, Mỹ trực tiếp hưởng lợi từ các nguồn cung giá rẻ, các lao động không được đào tạo và kỹ năng thấp ở châu Á.
Các thay đổi nhân khẩu có thể làm thay đổi cử tri đoàn tại các bang bảo thủ truyền thống và có thể dẫn đến kết quả Biden thắng.
Thất bại với COVID-19 có nguyên nhân từ quá khứ
Theo chị đâu là nguyên nhân sâu xa dẫn đến bùng phát COVID-19 ở Mỹ?
Trước hết ý tưởng của Joe Biden tại phiên tranh luận lần hai không phải là một kế hoạch hiện thực và có ít hàm lượng tư duy trong vấn đề này. Vấn đề thực chất ảnh hưởng đến lây lan gây sốc của COVID-19 khắp lãnh thổ Mỹ liên quan đến chuỗi cung ứng y tế bị bẻ gãy. Các chính quyển của cả các đảng bảo thủ lẫn cấp tiến trong quá khứ đều đã thất bại trong việc xử lý hoặc giải quyết nó suốt hai thập kỷ qua. Đại dịch đã làm bộc lộ yếu kém về tầm nhìn và lập kế hoạch hoặc đấy có thể là sự thờ ơ cố ý. Hoa Kỳ là một hệ thống liên bang, có nghĩa là về cơ bản các bang có thể ban hành các quyết định hay chính sách của riêng mình. Các thống đốc có thể làm việc trực tiếp với các nhà lãnh đạo và các doanh nghiệp nước ngoài chừng nào họ không vi phạm luật pháp hoặc các hiệp ước được ban hành bởi liên bang. Tổng thống có thể ban hành các mệnh lệnh đặc biệt để hỗ trợ các thống đốc và chịu trách nhiệm về chính sách đối ngoại. Hệ thống dự trữ cung ứng y tế quốc gia và Vệ binh Quốc gia có thể đề xuất hỗ trợ. Chính quyền Obama-Biden đã sử dụng nguồn dự trữ y tế này để chống dịch cúm A H5N1 nhưng không thực hiện các bước đi cần thiết bổ sung nguồn cung trước khi chuyển giao cho chính quyền Trump-Pence. Để giữ uy tín của mình, chính quyền Trump-Pence đã ban hành lệnh đóng cửa lập tức biên giới và dàn xếp với các công ty nước ngoài để nhập các nguồn cung y tế bị cạn kiệt. Thất bại lớn nhất đã xuất hiện suốt hàng thập kỷ như hệ quả của quá trình tư nhân hóa hệ thống y tế quốc gia và sự rút lui (vai trò) của các bang.
Trump có cửa thắng
Chị đoán ai sẽ thắng trong cuộc bầu cử này?
Nhiều chuyên gia hàng đầu từ các viện nghiên cứu danh giá và các cơ quan truyền thông Mỹ nổi tiếng đều dự đoán Biden thắng căn cứ các cuộc thăm dò dư luận nhưng tôi thì thận trọng. Bầu cử năm nay sẽ được quyết định tại các bang chiến địa mà nhiều trong số đó hiện phụ thuộc vào các ngành công nghiệp chủ chốt – như dầu hỏa – và có vẻ sẽ bỏ phiếu dựa trên các chính sách kinh tế hơn là xã hội. Trump chơi lá bày này cực giỏi. Thậm chí có thể thêm nhiều cử tri bảo thủ ôn hòa không thích Trump về tính cách, họ vẫn tin các chính sách kinh tế của ông hiện thực hơn (Joe Biden). Ngoài ra cũng có nhiều vấn đề xã hội sẽ ảnh hưởng không đều nhau lên bầu cử. Chúng ta có lý do để tin rằng, bỏ phiếu qua thùng thư đã bị gian lận và đã có báo cáo rằng có những người đàn ông vũ trang – được bảo vệ bởi tu chính án thứ hai, đuổi cử tri khỏi các bang chiến trường. Dấu hiệu này, cùng với sự ủng hộ Trump rộng lớn khắp miền Trung Tây và sự gia tăng các nhóm bảo thủ có vũ trang được tổ chức chặt chẽ, đủ để dự đoán rằng Trump có thể sẽ thắng.
Biden thắng cũng có thể song sẽ làm lộ các biến dạng mới
Nếu kịch bản Joe Biden thắng thành hiện thực thì sao?
Các thanh niên cấp tiến những năm gần đây liên kết với nhau thông qua các vấn đề xã hội như quyền của người đồng tính, bình đẳng chủng tộc, và môi trường. Các phong trào này hưởng lợi từ giới truyền thông cấp tiến, các trường đại học danh giá, và các nhà tài trợ cấp tiến giàu có. Các cử tri trẻ cấp tiến đã tái định cư vào các trung tâm đô thị khắp đất nước để tìm việc làm và đi học. Những người bảo thủ cao niên, vốn chỉ quan tâm đến thuế má và an sinh xã hội cho tuổi già, thì đã về hưu và tái định cư tại các bang ấm áp hơn với mức thuế thấp như Florida. Nhiều bang bảo thủ truyền thống, như bang Kansas quê tôi, có tỷ lệ tử vong cao kỷ lục trong các đàn ông da trắng trung niên và người cao tuổi. Họ là các cử tri bảo thủ truyền thống. Thậm chí trước đại dịch COVID-19, gia tăng tự tử và lạm dụng thuốc trong nam giới da trắng trung niên và thậm chí cả nông dân đã thu hút sự quan tâm rộng rãi và được người ta dán nhãn “những cái chết vì tuyệt vọng”. Các thay đổi nhân khẩu như vậy – tử vong của những người bảo thủ Mỹ cộng với tái định cư của các cử tri cấp tiến vào các trung tâm đô thị - có thể làm thay đổi cử tri đoàn tại các bang bảo thủ truyền thống và dẫn đến kết quả Biden thắng.
Cám ơn chị
Mai Nương- Quốc Phong (thực hiện)
Sarah Jo BregmanSarah Bregman là sáng lập đồng thời là Giám đốc Điều hành Chương trình International Learders Programs dành cho học sinh phổ thông tại Hệ thống Giáo dục Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội. Cô có nhiều công trình liên quan đến di dân, hôn nhân quốc tế, gia đình Hàn - Việt, và tình trạng giảm sinh ở Đông Á được công bố trên các tạp chí danh tiếng.
Link nội dung: https://phano.net.vn/bau-cu-tong-thong-my-mot-giang-vien-my-o-ha-noi-che-joe-biden-a8477.html