|
Theo đó, du lịch Vĩnh Long đã trải qua hơn 40 năm hình thành và phát triển, đây là một khoảng thời gian đủ để khẳng định vị trí của Du lịch Vĩnh Long trong cơ cấu kinh tế chung ngành du lịch và tạo cho Vĩnh Long là một trong những điểm đến trên bản đồ du lịch của cả nước. Lượng khách du lịch năm 2015, Vĩnh Long đón được 960.000 lượt khách, đến năm 2019 đón được 1,5 triệu khách tăng bình quân 10,4 % năm. Doanh thu từ du lịch năm 2015 đạt 220 tỷ đồng đến năm 2019 đạt 525 tỷ đồng tăng bình quân trên 16 % năm. Thời gian qua, du lịch của tỉnh đã tập trung loại hình du lịch sinh thái sông nước miệt vườn kết hợp tham quan trải nghiệm văn hóa, lịch sử địa phương. Qua đó, đã thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước tham quan và được nhiều công ty lữ hành lựa chọn để thực hiện tour, tuyến du lịch. Ảnh: Để phát triển du lịch, vấn đề đặt ra cho mỗi địa phương là phải cơ cấu lại ngành du lịch của mình, xác định du lịch đặc trưng, sản phẩm tiêu biểu và cần có hướng đi đúng đắn để không tạo sự trùng lắp. Tuy nhiên, nhiều địa phương lân cận cũng phát triển mạnh loại hình này dẫn đến du lịch của các tỉnh trong khu vực mang tính na ná nhau, trùng lấp gây nhàm chán cho du khách. Lượng khách đến du lịch Vĩnh Long nói riêng và một số tỉnh khu vực nói chung có tăng nhưng chậm lại. Để phát triển du lịch, vấn đề đặt ra cho mỗi địa phương là phải cơ cấu lại ngành du lịch của mình, xác định du lịch đặc trưng, sản phẩm tiêu biểu và cần có hướng đi đúng đắn để không tạo sự trùng lắp. Ngoài ra, các đề án, dự án, các công trình thiết yếu phục vụ cho phát triển du lịch, chính sách hỗ trợ, công tác đào tạo nhân lực, công tác quảng bá xúc tiến du lịch…cũng nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện rất lớn từ lãnh đạo tỉnh cũng như các sở, ban, ngành. Công tác quy hoạch vùng, du lịch trọng điểm đã thực hiện và đưa vào Đề án quy hoạch phát triển văn hoá và du lịch tỉnh Vĩnh Long đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Qua đó, hàng năm tỉnh và các địa phương không ngừng kêu gọi đầu tư, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư xây dựng và phát triển vùng du lịch theo quy hoạch. Hàng năm đều có tổ chức các lớp đào tạo bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ quản lý; đào tạo bồi dưỡng cho các cơ sở kinh doanh du lịch và nhân viên của cơ sở để đáp ứng yêu cầu đặt ra. Công tác quảng bá, xúc tiến du lịch cũng luôn được ngành quan tâm. Qua đó hình ảnh du lịch quê hương Vĩnh Long không ngừng được quảng bá đến các tỉnh thành khu vực. Công tác xây dựng tour, tuyến gắn kết du lịch sinh thái sông nước với lĩnh vực nông nghiệp thông qua tham quan các vườn cây trái đặc trưng, tham quan các làng nghề của tỉnh, các di tích lịch sử bước đầu có sự gắn kết; một số đơn vị lữ hành đã đưa vào khai thác... Nhìn chung, qua gần 05 năm thực hiện Nghị quyết 01-NQ/TU, du lịch Vĩnh Long có bước phát triển, song bên cạnh những kết quả đạt được thì Du lịch Vĩnh Long còn những tồn tại như Ngành Du lịch của tỉnh mặc dù có nhều cố gắng xây dựng mới sản phẩm nhưng đến nay vẫn chưa tập trung xây dựng được sản phẩm du lịch đặc thù, với thế mạnh loại hình du lịch sinh thái hiện nay gắn với các điểm lịch sử văn hóa thì bị trùng lắp với các địa phương lân cận có điều kiện tự nhiên mang tính tương đồng với Vĩnh Long nên bị cạnh tranh cao; đồng thời sau thời gian tham quan, dễ gây nhàm chán cho du khách. Ảnh: Đồng chí Phan Văn Giàu nhấn mạnh việc đầu tư xây dựng hạ tầng du lịch để đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch, xem đây là giải pháp trọng tâm quan trọng Công tác quảng bá, xúc tiến hình ảnh du lịch địa phương chưa đa dạng, phong phú, chủ yếu còn thực hiện theo phương pháp truyền thống, chưa áp dụng tốt những thành tựu khoa học công nghệ, mặt tích cực của các trang mạng xã hội. Các cơ sở kinh doanh cũng chưa quan tâm đầu tư đúng mức, công tác quảng bá mang tính riêng lẻ, còn phụ thuộc rất lớn từ việc phân bổ nguồn khách của các công ty lữ hành của TP.HCM. Phần lớn các cơ sở kinh doanh du lịch của tỉnh có quy mô nhỏ, chưa đủ sức đầu tư quy mô, sản phẩm cung cấp thô là chủ yếu, khả năng thiết kế, đầu tư chưa tạo được chuỗi sản phẩm chất lượng để cung ứng nhu cầu giải trí, mua sắm của khách, đặc biệt đến nay chưa có nhà hàng đạt chuẩn tại các xã cù lao, khách ăn uống chủ yếu tại các cơ sở homestay, chưa đáp ứng đa dạng loại khách. Các điểm vui chơi giải trí hạn chế nên khó giữ chân du khách; cơ sở vật chất chưa đáp ứng nhu cầu khách du lịch chất lượng cao… Đặc biệt, tính riêng năm 2019 (năm có doanh thu cao nhất so với các năm còn lại trong giai đoạn 05 năm), doanh thu ngành du lịch đạt 525 tỷ đồng, so với GRDP của tỉnh 34.908 tỷ thì doanh thu ngành du lịch chiếm tỉ lệ trên 1,5%. Với mức doanh thu này thì năm 2020 du lịch không thể là ngành kinh tế quan trọng của tỉnh (Theo Tổng cục du lịch, doanh thu du lịch chiếm từ 3-6% GRDP có thể xem là quan trọng và từ 7% GRDP trở lên có thể xem là ngành kinh tế mũi nhọn). Như vậy mục tiêu hướng đến ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2030 sẽ càng khó khăn. Từ thực tế trên, với mục tiêu phấn đấu trong thời gian tới du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, hướng đến mũi nhọn năm 2030 thì cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ góp phần nâng doanh thu du lịch lên từ 5 đến 7 lần nữa thì mới đạt mục tiêu đề ra. Để tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế vừa qua; phấn đấu đạt mục tiêu ngành du lịch quan trọng của tỉnh vào năm 2025, ngành mũi nhọn vào năm 2030, đồng chí Phan Văn Giàu- Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đã đề xuất một số giải pháp cần thực hiện trong thời gian tới như Tiếp tục đổi mới nhận thức, tư duy về phát triển du lịch; tuyên truyền sâu rộng để các ngành, các cấp nhận thức rõ du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao; có khả năng đóng góp lớn vào phát triển kinh tế, tạo nhiều việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tạo động lực cho các ngành, lĩnh vực khác phát triển, đem lại hiệu quả nhiều mặt về kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị, đối ngoại và an ninh, quốc phòng. Đặc biệt góp phần quan trọng trong tăng GDP cho tỉnh. Các cấp, các ngành đổi mới mạnh mẽ tư duy, hiểu phát triển du lịch theo quy luật kinh tế thị trường, bảo đảm nhất quán từ quan điểm, mục tiêu, chương trình hành động, để qua đó có những chính sách đột phá của địa phương. Đồng thời qua tuyên truyền giúp nâng cao ý thức của người dân, doanh nghiệp và cộng đồng trong xây dựng, bảo vệ hình ảnh, môi trường, góp phần phát triển bền vững, không ngừng nâng cao uy tín, thương hiệu và sức thu hút của du lịch Vĩnh Long. Song song đó cần quan tâm nghiên cứu, rà soát tham mưu ban hành cơ chế, chính sách, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng phát triển du lịch Các ngành, các cấp quan tâm gắn kết nhiệm vụ theo lĩnh vực được giao của ngành, cơ quan, đơn vị gắn với tạo điều kiện cho phát triển du lịch; đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, minh bạch, bình đẳng, thuận lợi cho doanh nghiệp kinh doanh du lịch. Khuyến khích doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo, đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm du lịch phù hợp với định hướng cơ cấu lại ngành Du lịch của Trung ương. Hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp kinh doanh du lịch. Có chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng. Nâng cao vai trò của cộng đồng, xây dựng cộng đồng du lịch văn minh, thân thiện; phát huy vai trò của các tổ chức xã hội nghề nghiệp liên quan đến du lịch. Theo đồng chí Phan Văn Giàu thì đầu tư xây dựng hạ tầng du lịch đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch trọng tâm của tỉnh được xem là giải pháp quan trọng. Bởi vì, thế mạnh của tỉnh là du lịch sinh thái sông nước miệt vườn kết hợp yếu tố văn hóa – lịch sử và sự kiện thể thao, việc đầu tư vào hệ thống hạ tầng du lịch, đặc biệt là giao thông thủy, bộ là rất quan trọng. Xây dựng hoàn chỉnh các tuyến giao thông kết nối các khu, điểm du lịch tạo ra các chương trình du lịch liên hoàn, khép kín. Hoàn chỉnh các thủ tục có liên quan đến việc triển khai thực hiện các dự án phát triển hạ tầng và cơ sở vật chất liên quan đang thực hiện phục vụ phát triển du lịch; phát triển làng nghề vùng chuyên canh nông nghiệp cây ăn trái… Tiếp tục mời gọi đầu tư, khuyến khích các nhà đầu tư chiến lược đầu tư hình thành các khu dịch vụ du lịch phức hợp, dự án dịch vụ du lịch quy mô lớn. Tập trung phát huy vai trò của Nghị quyết 173-NQ/TW, xúc tiến mời gọi đầu tư để tỉnh có 03 - 05 khách sạn đạt chuẩn từ 03 đến 04 sao; đến năm 2030 tỉnh có khách sạn 5 sao, các khu nghỉ dưỡng cao cấp nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách. Bên cạnh đó cần đầu tư phát triển loại hình du lịch cộng đồng theo quy hoạch phát triển du lịch của tỉnh để tạo ra những điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn thu hút du khách đến Vĩnh Long; tập trung khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống của tỉnh để khai thác tốt giá trị sản phẩm... tạo điều kiện phát triển du lịch, giữ chân du khách lưu lại tỉnh. Đa dạng hóa các hình thức đào tạo du lịch. Phát huy vai trò của các trường Đại học trên địa bàn tỉnh trong công tác đào tạo nhân lực cho du lịch địa phương. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến trong đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực. Tập trung xây dựng và triển khai sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh với: Du lịch homestay - sản phẩm chủ lực; các sản phẩm bổ trợ gồm: Du lịch Nông nghiệp, Du lịch Làng nghề, Du lịch Văn hóa, đồng thời gắn với việc đa dạng hóa các hình thức phục vụ khách tại cơ sở kinh doanh và các di tích thông qua việc bổ sung các buổi trình diễn đờn ca tài tử, nghệ thuật hát bội vào hoạt động, góp phần khai thác có hiệu quả tài nguyên du lịch văn hóa, tạo nét đặc trưng riêng của du lịch Vĩnh Long. Tập trung mọi nguồn lực để hỗ trợ nâng cao chất lượng và chuỗi giá trị các sản phẩm du lịch đặc thù của địa phương; xây dựng đa dạng các kênh phân phối thông qua các chương trình du lịch của các cơ sở kinh doanh phục vụ khách du lịch; vận động tất cả các cấp, các ngành, nhân dân hưởng ứng sử dụng sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh - xây dựng thương hiệu du lịch từ tỉnh nhà ra khu vực. Các công ty lữ hành, doanh nghiệp khai thác tour, tuyến du lịch của tỉnh thường xuyên kiểm tra chất lượng dịch vụ; tìm hiểu, khảo sát các điểm du lịch mới phù hợp để đưa vào tour phục vụ du khách làm cho chương trình du lịch của các loại hình du lịch của tỉnh luôn hấp dẫn và ngày càng đa dạng hơn. Khuyến khích việc thành lập các chi nhánh, đại lý du lịch Vĩnh Long để giới thiệu sản phẩm du lịch của tỉnh trên toàn quốc dựa trên cơ sở phân tích và đưa ra những định hướng chiến lược hợp lý trong thời gian tới. Tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại trong tuyên truyền quảng bá du lịch; tạo đột phá trong hoạt động xúc tiến quảng bá thị trường trong nước, kết hợp với nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí ngành Du lịch. Tăng cường phối hợp chặt chẽ hơn với các sở, ngành liên quan để giải quyết kịp thời những vấn đề liên quan đến phát triển du lịch. Phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo phát triển du lịch và Hiệp hội Du lịch tỉnh. Tăng cường phối hợp kiểm tra liên ngành việc chấp hành pháp luật của các đơn vị kinh doanh du lịch, nhằm đảm bảo chất lượng dịch vụ phục vụ khách du lịch và tránh làm ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp. Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy và chính quyền địa phương các cấp trong tổ chức triển khai, quản lý hoạt động du lịch; bảo đảm vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm, xây dựng môi trường du lịch văn minh, an toàn, thân thiện. Đẩy mạnh hoạt động hợp tác liên kết phát triển du lịch, tập trung quan tâm liên kết du lịch Vĩnh Long với các tỉnh khu vực ĐBSCL và TP HCM; phát huy tiềm năng, thế mạnh và khai thác các cơ hội, nguồn lực để phát triển du lịch tỉnh nhà. Tích cực vận động các cơ sở tham gia chương trình tập huấn du lịch của địa phương trong việc nâng cao nghiệp vụ, hướng tới kinh doanh hiệu quả, chất lượng; không ngừng nâng cao chất lượng, tính hấp dẫn của sản phẩm du lịch tại điểm. Thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, chú trọng đến vệ sinh an toàn thực phẩm trong việc cung cấp dịch vụ ăn uống phục vụ khách du lịch, có trách nhiệm trong việc bảo vệ tài nguyên du lịch. Các nhà vườn, cần quan tâm trồng xen canh nhiều loại cây ăn quả để hấp dẫn du khách; các làng nghề tăng cường cải tiến sản phẩm gắn kết được với phục vụ du lịch; các cơ sở chủ động liên kết với các doanh nghiệp lữ hành để được hỗ trợ về nghiệp vụ, lượng khách và các chi phí khác trong kinh doanh du lịch. Các cơ sở kinh doanh cần xây dựng, cải tạo hệ thống cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất tại điểm để phục vụ hoạt động tham quan, trải nghiệm, hấp dẫn du kách. Đối với các chủ phương tiện vận chuyển phải thường xuyên kiểm tra phương tiện nhằm đảm bảo an toàn, tiện nghi đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch. Khuyến khích các đơn vị kinh doanh du lịch trong tỉnh liên kết chặt chẽ dựa trên sự đảm bảo cạnh tranh bình đẳng, hợp tác cùng có lợi với nhau và cùng vì thương hiệu du lịch của tỉnh… Theo tintuc.vinhlong.gov.vn |
Link nội dung: https://phano.net.vn/phan-dau-dua-du-lich-vinh-long-thanh-nganh-kinh-te-quan-trong-a8352.html